Khi bé mọc răng chậm, cha mẹ thường lo lắng và tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Phụ huynh cần phải có được những kiến thức nhất định về vấn đề này để có những cách xử trí chính xác nhất.
Thông thường thì trẻ khoảng 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên cũng có trường hợp bé gần 1 tuổi vẫn chưa mọc răng. Tình trạng chậm mọc răng này không chỉ xuất hiện ở những trẻ còi xương, suy >dinh dưỡng mà còn có thể xảy ra ở những bé phát triển bình thường.
1. Nguyên nhân chậm mọc răng ở trẻ
Do yếu tố di truyền
Đây là yếu tố có ảnh hưởng nhất định và có thể là nguyên nhân gây ra cho >trẻ chậm mọc răng. Trong trường hợp người thân, nhất là những người có quan hệ huyết thống gần gũi như ông bà, cha mẹ trước đây cũng mọc răng chậm thì nhiều khả năng bé cũng sẽ bị như vậy.
Do bị suy dinh dưỡng
- Việc thiếu dinh dưỡng cũng có thể dẫn tới chậm mọc răng ở trẻ. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu chất của trẻ có thể là do:
+ Bé bú không đủ sữa hoặc sữa công thức không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
+ Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ở một số bé không được tốt.
- Để xác định được trẻ chậm mọc răng do suy dinh dưỡng thì ngoài việc răng mọc chậm sẽ kèm theo các biểu hiện sau đây:
+ Liên tục vài tháng không tăng cân, chiều cao.
+ Ngủ không ngon giấc vào ban đêm, hay giật mình khóc thét, có khi khóc tím cả người.
+ Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.
+ Bẹp hộp sọ, lồng ngực lép, thóp rộng.
Do suy giáp
Nếu tuyến giáp không sản xuất ra đủ lượng hormone cần thiết đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của cơ thể thì sẽ gây ra tình trạng suy giáp. Điều này làm ảnh hưởng tới nhiệt độ của cơ thể, nhịp tim và việc trao đổi chất. Từ đó, trẻ có thể bị chậm mọc răng, chậm biết đi và chậm nói.
Do thời điểm sinh bé
Yếu tố cũng ảnh hưởng tới thời điểm trẻ mọc chiếc răng đầu tiên là thời điểm sinh và môi trường sống. Bé được sinh đủ tháng thường mọc răng sớm hơn bé sinh thiếu tháng. Ngoài ra, những trẻ sinh ra thể trạng nhỏ bé, thiếu cân cũng sẽ mọc răng chậm hơn bình thường.
Do một số căn bệnh từ trẻ
Một số bệnh như: hội chứng down, hoạt động của tuyến yên không bình thường...cũng có thể làm bé mọc răng chậm. Việc này cần phải kiểm tra một cách kỹ lưỡng mới xác định được nguyên nhân chính xác.
Do thiếu canxi, còi xương
- Nếu trẻ bị thiếu canxi thì các mầm răng khó có thể phát triển. Trong giai đoạn này, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn là sữa. Đây là loại thức ăn giàu canxi lại dễ hấp thụ nên trẻ sẽ khó có thể thiếu hụt canxi. Điều này chỉ xảy ra khi bé bú bình hoặc sữa mẹ có ít dinh dưỡng (do mẹ ăn uống kiêng khem, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn làm giảm chất lượng sữa). Ngoài ra, nếu trẻ hấp thụ quá nhiều phốt pho cũng làm cho sự hấp thụ canxi tự nhiên trong cơ thể bị sụt giảm dẫn đến có nguy cơ thiếu canxi.
- Thiếu vitamin D sẽ làm cho bé bị còi xương. Việc không được cung cấp đủ vitamin D cũng làm giảm sự hấp thụ canxi của cơ thể. Một số triệu chứng còi xương ở trẻ có thể thấy là: thường xuyên quấy khóc khi ngủ, đổ mồ hôi trộm, lồng ngực lép, thóp rộng…
2. Cách xử trí khi em bé mọc răng chậm
Khi phát hiện thấy con mình có hiện tượng mọc răng chậm, cha mẹ không cần quá lo lắng mà có thể làm theo những cách sau đây:
Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ
Trong thời gian đang nuôi con bú, để đảm bảo có đủ sữa nuôi con và chất lượng sữa tốt thì người mẹ phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về chăm sóc dinh dưỡng cho người mẹ đang nuôi con bú:
- Ăn tăng bữa: trong ngày, khẩu phần của mẹ cần chia thành nhiều bữa, từ 3-6 bữa/ngày.
- Ăn đa dạng:
+ Thực phẩm cần đa dạng, có đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin-khoáng chất.
+ Bổ sung đủ nhu cầu canxi 1300mg/ngày. Các loại thực phẩm giàu canxi là: thịt, cá, trứng, thủy hải sản…)
+ Mỗi ngày người mẹ cần uống khoảng 650ml sữa (hoặc có thể thay thế bằng 15g phô mai hoặc 1 cốc sữa chua 100g).
+ Nếu cần thiết, theo chỉ định của thầy thuốc mà mẹ bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D, canxi.
- Không kiêng khem quá mức: vẫn còn có những quan niệm bắt người mẹ phải kiêng một số thực phẩm trong khi cho con bú. Đôi khi nó không có cơ sở khoa học nào và không thật sự cần thiết. Vì thế mẹ không cần phải kiêng khem quá mức, nên ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Nếu muốn giảm cân thì chỉ cần tập thể dục đều đặn, có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
Lưu ý: Khi nuôi con bú, người mẹ cần tránh các loại đồ ăn, thức uống có chứa chất kích thích, thức ăn nhiều gia vị và thức ăn ôi thiu, dễ gây ngộ độc.
Ngoài ra, bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân bằng, người mẹ phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ 8 tiếng mỗi ngày.
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
- Trong khẩu phần ăn dặm của bé phải đảm bảo đầy đủ chất đường bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Bé cần 500-800 ml sữa/ngày. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con ăn thêm sữa chua hoặc phô mai.
- Rèn cho bé thói quen ăn uống đúng giờ, tránh ăn vặt.
- Không dùng các loại nước cháo, nước bột, nước rau củ, nước khoáng...để pha sữa cho trẻ. Những loại nước này có lượng khoáng chất cao sẽ làm hạn chế sự hấp thu canxi.
- Cho thêm dầu ăn vào bột (hoặc cháo) của trẻ.
- Để kích thích bé ăn ngon miệng hơn, phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng thì cần cho trẻ ngủ đủ giấc, khuyến khích vận động phù hợp.
Cho trẻ tắm nắng
- Nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày, lựa chọn địa điểm tắm nắng thoáng mát. Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu và mắt bé.
- Thời gian tắm nắng không quá 20 phút/ngày.
- Không tắm nắng cho trẻ qua cửa kính. Việc này khiến trẻ không hấp thụ được vitamin D thì ánh nắng mặt trời đã bị cản bởi kính.
- Bé có làn da sậm màu thì nên tắm nắng lâu hơn trẻ có màu da sáng.
- Vì tắm nắng xong sẽ bị đổ mồ hôi, mất nước nên mẹ nên cho trẻ bú.
- Sau khi tắm nắng mà trên da trẻ nổi mẩn đỏ hoặc có những dấu hiệu bất thường thì phải theo dõi, đưa trẻ đến khám bác sĩ.
3. Khi nào phải đưa trẻ chậm mọc răng đi khám?
Trong trường hợp bé đã 13 tháng tuổi nhưng chưa mọc chiếc răng đầu tiên và kèm theo các dấu hiệu bất thường như: khóc khò khè, táo bón, nhịp tim rối loạn...thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành xét nghiệm, chụp X-quang nhằm xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.