Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng trước mốc 1 tuổi thì việc bé không ngủ xuyên đêm cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa Mỹ (Pediatrics) đã tìm ra rằng không có mối liên hệ nào giữa việc >trẻ không ngủ xuyên đêm (từ 6-8 tiếng mỗi đêm) và sự phát triển về mặt tinh thần và về mặt vận động của trẻ. Tuy vậy, tỷ lệ trẻ nhỏ không ngủ thẳng giấc suốt đêm là khá cao.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù ngủ xuyên đêm trong khi bé được 6-12 tháng thường được cho là "tiêu chuẩn vàng" ở các nước phương Tây nhưng liệu việc thức giấc trong đêm có thực sự gây ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ không thì vẫn còn chưa rõ. Vì vậy, để làm rõ vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên 388 trẻ nhỏ. Họ muốn xác định có bao nhiêu trẻ có thể ngủ thẳng giấc suốt đêm, liệu những phương pháp cho trẻ bú có liên quan đến giấc ngủ gián đoạn của trẻ không và liệu có mối liên hệ nào giữa ngủ thẳng giấc và sự phát triển khả năng vận động, sự phát triển tinh thần của trẻ hay không.
Kết quả, ở 6 tháng tuổi, 38% >trẻ phát triển bình thường đều không ngủ được liền 6 tiếng liên tục mỗi đêm và hơn 1 nửa (57%) không ngủ được liền 8 tiếng. Lúc trẻ được 1 tuổi, thì tỷ lệ trẻ không ngủ liền được 6 tiếng giảm xuống còn 28% và đối với 8 tiếng là 43%.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra được minh chứng cho thông tin truyền miệng là bé gái thì ngủ nhiều hơn bé trai. Vào giai đoạn 6 tháng tuổi, 48% bé gái ngủ được 8 tiếng xuyên đêm trong khi tỷ lệ đó ở bé trai chỉ là 39%. Và có một điều thú vị nữa được tìm ra đó là những bé thường không ngủ được 6-8 tiếng mỗi đêm là những bé có tỷ lệ bú sữa mẹ cao hơn đáng kể.
Cùng với đó, nghiên cứu cũng cho biết không có mối liên hệ nào giữa việc trẻ ngủ ít vào ban đêm và tâm trạng của người mẹ. Theo đó, các nhà nghiên cứu không có ý là thiếu ngủ không ảnh hưởng đến tâm trạng, mà họ gợi ý rằng nếu nhìn vào tổng số tiếng mà các bà mẹ ngủ và thể trạng >sức khỏe thì tâm trạng có vẻ như liên quan nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, chứ không hẳn là do việc con họ có ngủ thẳng giấc suốt đêm không.
Các nhà nghiên cứu hi vọng với những kết quả này cũng như những con số về tỷ lệ trẻ ngủ xuyên đêm, các bà mẹ có thể hiểu rõ hơn về tính chất giấc ngủ của trẻ, hiểu hơn về nguyên nhân của sự mệt mỏi của bản thân và từ đó không phải ép bản thân làm đủ mọi biện pháp để trẻ ngủ xuyên đêm nữa.
Một nghiên cứu song song cũng cho biết thêm rằng sự phát triển khả năng vận động hay sự phát triển nhận thức của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như gen, chế độ ăn uống, giáo dục của cha mẹ hay sự tương tác giữa con cái và bố mẹ.