Các bác sĩ của BV ĐK Nông Nghiệp vừa cứu sống một bé gái 19 tháng tuổi bị tay chân miệng biến chứng nặng, suy hô hấp, di chứng não, liệt 2 chân.

06:00 26/12/2020

Bé T.T.A.D. (19 tháng tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) được chuyển đến BV ĐK Nông nghiệp điều trị trong tình trạng suy hô hấp độ 2 mở khí quản, di chứng não, tay quà quạng, chân liệt hoàn toàn, biến chứng >bệnh tay chân miệng độ 4.

Theo lời kể của gia đình, từ ngày 1/11/2020, bệnh nhi xuất hiện sốt, nôn, nổi ban phỏng nước tay chân.

Các triệu chứng diễn tiến rầm rộ, sau 2 ngày, trẻ sốt cao liên tục, giật mình nhiều, li bì nhập BV Nhi TW với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4. Đây là phân độ nặng nhất của bệnh.

Trẻ tiếp tục có diễn tiến suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương thân não phải điều trị thở máy, vận mạch.

Sau 20 ngày điều trị tích cực trẻ cai được thở máy, chuyển thở oxy qua mở khí quản tuy nhiên tình trạng hô hấp vẫn còn rất khó khăn, thể trạng gầy, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, chi trên quờ quạng, ăn qua sonde, phản xạ và giao tiếp rất kém. Bệnh nhi được chuyển về BV ĐK Nông Nghiệp điều trị tiếp.

Bé gái 19 tháng tuổi bị tay chân miệng biến chứng nặng, suy hô hấp, liệt 2 chân được bác sĩ chữa trị thành công

Tại khoa Nhi, BV ĐK Nông Nghiệp, các y bác sĩ đã xác định ngay từ đầu quá trình điều trị bệnh nhi đòi hỏi sự phối hợp bài bản của nhiều chuyên khoa. Sau 16 ngày điều trị, trẻ cai được oxy, toàn trạng cải thiện.

 

Tới nay, sau 34 ngày điều trị tích cực kết hợp với phục hồi chức năng, trẻ đã tự thở, tương tác tốt, ăn được cháo, sữa đường miệng, thể trạng bụ bẫm, vận động chi trên hồi phục hoàn toàn, chi dưới cải thiện. Sau khi hướng dẫn gia đình thành thạo kỹ năng chăm sóc, bệnh nhi được xuất hiện và tư vấn tái khám, theo dõi định kỳ.

Qua ca bệnh này, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Khoa Nhi BV ĐK Nông nghiệp nhấn mạnh, đây là một trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh tay chân miệng.

Khi mắc căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Do đó, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Thông thường quá trình hồi phục di chứng sau bệnh tay chân miệng kéo dài, trường hợp này bệnh nhi có những tiến triển khá nhanh chóng.

Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo, bệnh tay chân miệng dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nặng nề.

Khi phát hiện con có các triệu chứng: sốt, nôn, giật mình, nổi ban phỏng nước ở tay chân miệng, cha mẹ cần đưa còn đi khám ngay.

Điều trị di chứng bệnh tay chân miệng là quá trình lâu dài, các bậc cha mẹ hãy giữ cho mình tâm thế lạc quan và niềm tin để đồng hành cùng con trong quá trình hồi phục.

Theo An An/ Gia Đình Mới