Trẻ bị ngã đập đầu xuống đất có nguy cơ bị chấn thương sọ não mẹ cần đặc biệt quan tâm theo dõi và điều trị kịp thời.

13:15 15/07/2018

Trẻ nhỏ thường hiếu động thích chạy nhảy mọi nơi để khám phá những điều mới lạ. Việc nô đùa khiến trẻ thoải mái, càng thích thú cười lớn song với thể lực và khả năng đi đứng còn hạn chế bé dễ bị va chạm, gặp chấn thương cho dù cha mẹ có trông coi kỹ càng thế nào đi nữa.

Chỉ một chút sơ sảy nhất là trong lúc ngủ hoặc chạy nhảy nô đùa, trẻ dễ bị rơi khỏi giường hoặc ngã đập đầu xuống đất. Không có gì đảm bảo rằng phần đầu bị tổn thương nhiều hay ít bởi trẻ chỉ biết khóc, kêu đau tức thời chứ không thể diễn đạt mức độ nguy hiểm.

Nguy hiểm như là trường hợp mới xảy ra với bé 8 tháng tuổi ở Trung Quốc bị tụ máu ngoài màng cứng, để lại di chứng nặng nề khi ngã đập đầu xuống đất trong lúc ngủ mới gây xôn xao dư luận tuần qua.

Trẻ bị rơi khỏi giường hoặc ngã đập đầu xuống đất có nguy cơ bị chấn thương sọ não. (Ảnh minh họa) 

Làm thế nào để hạn chế việc bé ngã đập đầu xuống đất?

Tiến sĩ – bác sĩ Châu Nghi Đông từ khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Nhi thuộc Đại học Y khoa Trùng Khánh cho biết: “Việc trẻ dễ bị va đập hay vấp ngã là do tỷ lệ cơ thể chưa cân đối, phần đầu lớn hơn dễ khiến bé mất thăng bằng. Trẻ được 3 tháng tuổi đã có thể bò quanh nhà, nếu cho con chơi trên giường hoặc bàn ghế mẹ phải thật cẩn thận.

Với trẻ độ tuổi tập đi, những bước chập chững ban đầu trẻ rất dễ bị ngã đập đầu xuống đất. Để con được an toàn mẹ nên chọn không gian rộng rãi, tránh đồ vật cồng kềnh hoặc sắc nhọn có thể khiến bé bị thương. Tuyệt đối không để sàn nhà ướt trơn trượt dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, ngoài ra các ổ điện cũng nên để xa tầm tay bé.

Một điều quan trọng là cha mẹ nên bỏ ngay thói quen tung hứng hoặc kiệu bé trên vai. Bởi nếu xảy ra sai sót nhỏ, hành động này cũng đe dọa tới >sức khỏe, bé có nguy cơ gặp chấn thương thậm chí tử vong".

Điều gì xảy ra với trẻ khi bị đập đầu xuống đất?

“Sau khi ngã, phản ứng đầu tiên của trẻ là khóc to. Tại vị trí va chạm có dấu hiệu sưng và nổi cục lớn, mẹ nên chườm lạnh trong vòng 15 phút để giảm bớt tình trạng sưng tấy. Theo dõi bé trong vòng 1-2 ngày nếu trẻ có biểu hiện bình thường, tinh thần ổn định, ăn uống tốt thì sức khỏe không có điều gì đáng lo ngại”, bác sĩ Châu cho biết.

Nếu vết thương rỉ máu, mẹ nên cầm máu và sát trùng vết thương ngay lập tức cho bé. Thông thường, những vết thương hở sẽ tự lành trong vòng 2-3 ngày nên không cần quá lo lắng. Bác sĩ Châu cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ, nếu sau 3 ngày vết thương bầm tím, trẻ mất ý thức hoặc hộp sọ bị biến dạng bất thường ngay lập tức phải đưa trẻ tới cơ sở y tế kiểm tra.

Những dấu hiệu nguy hiểm khác bao gồm nôn, buồn ngủ, khó chịu, bỏ ăn, khóc nhiều, gặp khó khăn khi di chuyển. (Ảnh minh họa)

Mức độ nguy hiểm mẹ nên biết để đưa bé tới gặp bác sĩ kịp thời

Mức độ 1: Sau khi ngã, bé nôn ói (có thể do quá sợ hãi, đau đớn) nhưng tinh thần vẫn thoải mái, có ý thức. Ở mức độ này mẹ không cần lo lắng quá nhiều vì không có tổn hại tới sức khỏe của trẻ.

Mức độ 2: Nếu thấy trẻ cáu giận, hay khóc, bỏ ăn, thường xuyên kêu đau đầu kèm hiện tượng nôn mửa, máu chảy qua đường tai hoặc mũi mẹ nên đưa bé tới bệnh viện ngay.

Mức độ 3: Trẻ ý thức chậm hơn trước, mất tập trung, nói lắp, nôn mửa… thì rất có thể não bộ bị tổn thương. Mẹ đừng chủ quan xem nhẹ mối nguy hiểm mà hãy đưa bé tới gặp bác sĩ.

Một vài trường hợp, trẻ vấp ngã đập đầu xuống đất bị chấn thương sọ não nhưng chưa có biểu hiện bất thường khi thăm khám. Bác sĩ sẽ cho bé về nhà theo dõi trong vài ngày sau đó tái khám. Nếu trong thời gian theo dõi trẻ không có biểu hiện bất thường thì về lâu dài sức khỏe không có gì đáng lo ngại.

Nguyên tắc mà cha mẹ nên nhớ, va đập khi ngã đều gây chấn thương tùy mức độ nặng nhẹ, nhưng hãy đưa bé tới cơ sở y tế kiểm tra để tránh tình huống xấu xảy ra.

Theo Mộc Trác/Eva/Khám Phá