Bé 4 tháng tuổi nguy kịch do sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc khiến nhiều người giật mình.
Bé 4 tháng bị tràn dịch não nguy kịch
Chào đời hoàn toàn khỏe mạnh nhưng dạo gần đây, chị Zhao thấy con 4 tháng có dấu hiệu bị cảm lạnh, mặt vàng hơn, ho và luôn ở trạng thái không tỉnh táo, mắt lờ đờ. Tình trạng không cải thiện trong nhiều ngày liền, đỉnh điểm là khi bé lên cơn co giật, vợ chồng chị đã đưa con đến điều trị tại bệnh viện Tô Châu.
Kết quả khám khiến cặp cha mẹ kinh ngạc. Bé bị tràn dịch não nghiêm trọng dẫn đến áp lực thần kinh và cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Điều bất ngờ hơn là nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ "hội chứng rung lắc". "Nguyên nhân thực sự là do rung lắc cơ thể trẻ khi bé cười" - bác sĩ cho hay.
Cũng theo vị bác sĩ, hội chứng rung lắc có thể gây tổn thương não của bé hoặc những tổn thương bên trong mà nhìn mắt thường bên ngoài không hề thấy được.
Theo chia sẻ từ một vị bác sĩ khác cũng cho biết, gần đây anh tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ mắc hội chứng rung lắc. Những đứa trẻ chủ yếu là dưới 6 tháng tuổi. Bé có phần đầu nặng nhưng cơ cổ lại khá mềm yếu, khi cha mẹ rung lắc thường xuyên khiến các mạch máu trên bề mặt não bị kéo dãn quá mức dẫn đến vỡ, tạo ra xuất huyết não và làm tổn thương não. Tình trạng này có thể gây đe dọa đến tính mạng bé. Vì thế, cách dỗ dành trẻ sơ sinh tốt nhất chỉ là vỗ về an ủi.
Cách phòng tránh hội chứng trẻ bị lắc
Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.
Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay. Vì thế, bạn cần lưu ý kiềm chế và không nên để người đang tức giận bế ẵm trẻ.