“Tuy đã lọc xương cá rất kỹ nhưng khi được mẹ đút chỉ khoảng nửa chén cháo, bé bắt đầu nôn ọe, ho sặc sụa, sau đó bỏ ăn. Dù đã được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng tình hình bé vẫn không cải thiện”.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi N.H.T.N (11 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp), cách đây không lâu, chị có nấu cháo cá lóc để đút cho con. “Tuy đã lọc xương cá rất kỹ nhưng khi được mẹ đút chỉ khoảng nửa chén cháo, bé bắt đầu nôn ọe, ho sặc sụa, sau đó bỏ ăn. Dù đã được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng tình hình bé vẫn không cải thiện”, mẹ bệnh nhi cho biết.
Trong quá trình điều trị tại địa phương, các BS bảo bé bị viêm họng và rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, dù đã được uống thuốc nhưng tình hình bệnh nhi vẫn không cải thiện. Bé sốt cao liên tục, sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, các bác sĩ ghi nhận bệnh cảnh của bé N. không phù hợp với viêm họng nên tiến hành xét nghiệm máu, chụp CT-Scan vùng cổ. Kết quả cho thấy bé nhiễm trùng nặng, có nhiều ổ áp-xe lớn tụ mủ, sinh hơi ở thành sau họng, chiếm hơn 2/3 thể tích của vùng cổ. Ngay lập tức bé được chuyển vào phòng mổ cấp cứu.
Sau 3 giờ phẫu thuật, các BS đã rạch thoát 50ml mủ xanh đục ở thành sau họng của bé. Do khối áp xe lan xuống khoang cổ sâu bên trái, BS phải mở cạnh cổ để dẫn lưu hết mủ, nạo sạch mô viêm quanh tuyến giáp, cắt lọc phần cơ ức giáp bị hoại tử.
Theo BS CK2 Bạch Thiên Phương, Trưởng khoa TMH, do các cấu trúc giải phẫu vùng cổ ở bệnh nhi quá nhỏ, các mô khá mỏng manh và lỏng lẻo, ngoài ra các cấu trúc quan trọng như thần kinh thanh quản, thần kinh vận động vùng mặt, bó mạch cảnh hầu như ôm sát ổ mô viêm nên động tác của bác sĩ phải hết sức chuẩn xác và nhẹ nhàng mới có thể tách ra mà không làm tổn thương gây khàn tiếng, khó thở, liệt mặt và mất máu trầm trọng.
“Hóc xương cá là dị vật họng thường gặp ở trẻ em, do xương thường khá mỏng, khi thăm khám khó phát hiện. X-quang để phát hiện ra xương rất khó khăn, chỉ có nội soi họng, hạ họng mới có thể thấy và lấy ra được. Các bậc phụ huynh lưu ý khi cho trẻ ăn cá có xương nhỏ như cá lóc, cá rô, cá thác lác, vỏ tôm… Nếu thấy con em mình sau ăn đột nhiên nôn ói nhiều, than đau họng, chảy nước miếng nhiều, bỏ ăn uống, sốt cao.. nên đưa bé đến để các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nhi để kiểm tra, phát hiện sớm, tránh để lâu gây các biến chứng, rủi ro nguy hiểm tính mạng.”, BS Phương khuyến cáo.
Thực phẩm dễ gây hóc, cực nguy hiểm với trẻ dưới 5 tuổi
- Đồ ăn nhỏ nhưng cứng như các loại quả hạch, hạt to (hạt bí, hạt hướng dương), hoa quả sấy khô cứng, cà rốt sống, táo, những đồ ăn dễ bị vỡ thành những mảnh nhỏ cứng như bim bim, cốm, bỏng ngô chưa nổ…đều có thể bị tắc trong đường hô hấp của trẻ. Đây là những đồ ăn cứng khiến trẻ không cắn vỡ được thành miếng nhỏ để có thể nhai nuốt an toàn.
-Những đồ ăn có dạng hình tròn như quả nho, cà chua bi, các loại quả mọng, nho khô, nho không hạt, hoa quả có hột hoặc hạt to, kẹo…Vì trẻ không có khả năng nhai các loại quả tròn, kẹo dai hoặc dính nên tuyệt đối không cho trẻ dưới 3 tuổi ăn những đồ ăn này. Để giảm nguy cơ bị nghẹn hóc cần cắt nhỏ hoa quả, ngâm nở nho khô cho mềm, tách bỏ hạt ra khỏi quả…
-Những đồ ăn có da hoặc có lá như thịt gà, xúc xích, mận, đào, táo, lê, cà chua…đều khó nhai và hoàn toàn có thể làm tắc nghẽn đường hô hấp của trẻ em. Để trẻ không bị hóc cần bỏ vỏ trước khi cho trẻ ăn, thái nhỏ, tách hạt, các loại rau như bắp cải hoặc cải bó xôi cần nấu cho mềm.
-Những đồ ăn chịu nén như xúc xích, thịt chín, bỏng ngô, kẹo cao su đều có thể bị ép khít trong cổ họng của trẻ và nằm nguyên ở đó không trôi xuống. Vì vậy trước khi cho trẻ ăn cần thái nhỏ hoặc nghiền nát, thịt cũng cần được nấu chín mềm và băm nhỏ. Tuyệt đối không cho trẻ dưới 3 tuổi ăn bỏng ngô hoặc kẹo cao su, kẹo dẻo.
-Những thực phẩm có dạng bột nhão dày như socola, bơ đậu phộng cũng có thể tạo thành hình vừa khít với đường hô hấp của trẻ và nằm nguyên ở đó. Vì vậy nên hạn chế cho trẻ ăn, nếu có ăn thì cần phết đều.