Việc vắt và trữ sữa là những công việc quá quen thuộc với các chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản sữa mẹ đúng cách thì không phải ai cũng biết. Mời các mẹ tham khảo bài viết dưới đây để có thêm kinh nghiệm nhé!
Sữa mẹ bảo quản được bao lâu sau khi vắt?
Theo khuyến cáo của WHO, UNICEF, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, thời gian bảo quản sữa mẹ sau khi vắt như sau:
-Ở nhiệt độ phòng 25 độ C - 35 độ C, sữa mẹ sau khi vắt giữ được từ 6 giờ - 8 giờ.
-Ở nhiệt độ từ 4 độ C trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ để ngăn mát sẽ giữ được từ 3 - 5 ngày.
-Ở ngăn đá tủ lạnh, sữa mẹ giữ được 3 tháng.
-Ở tủ đông chuyên biệt có nhiệt độ thấp hơn -18 độ C, trữ đông sữa mẹ sẽ dùng được tốt nhất trong 6 tháng.
Việc bảo quản sữa mẹ đúng cách vô cùng quan trọng, không chỉ giúp giữ sữa mẹ được lâu không bị hỏng mà còn tránh gây nguy hiểm cho >sức khỏe của trẻ.
Trữ đông sữa mẹ đúng cách như thế nào?
Để trữ sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, các mẹ cần tuân thủ theo những nguyên tắc dưới đây:
-Rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi vắt sữa. Nếu mẹ vắt sữa bằng máy, cần đảm bảo độ sạch sẽ của bộ dụng cụ bơm, ống dẫn, các nút bấm và công tắc máy.
-Cho sữa mẹ vào túi đựng sữa chuyên dụng sau khi vắt rồi dán nhãn ghi ngày, giờ vắt bên ngoài túi. Việc chia nhỏ các túi sữa giúp giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, rút ngắn thời gian rã đông sữa.
-Cho sữa đã vắt ngay vào tủ lạnh, nếu chưa thể để vào tủ lạnh được thì để ở phòng có nhiệt độ khoảng 26 độ C trong tối thiểu 6 giờ, tránh nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời, nguồn nhiệt khác.
-Sữa sẽ tinh khiết ở trạng thái đông, sữa mẹ trữ đông duy trì ở mức nhiệt thấp hơn -18 độ C sẽ sử dụng được tối thiểu 6 tháng.
-Trường hợp bị mất điện kéo dài, hãy dùng thùng cách nhiệt có đá viên để trữ đông sữa mẹ. Sau đó lại chuyển sữa trở lại vào ngăn đá khi có điện.
Cách rã đông sữa mẹ khoa học mà vẫn đảm bảo >dinh dưỡng cho trẻ
Rã đông sữa mẹ để ngăn mát
-Trước khi cho trẻ sử dụng, mẹ hãy lấy sữa từ ngăn mát tủ lạnh ra và ngâm trong nước ấm 40 độ cho tới khi đạt nhiệt độ phù hợp để trẻ ăn.
-Không được sử dụng nước quá nóng để ngâm sữa vì sẽ làm mất vitamin và khoáng chất có trong sữa mẹ.
-Không cấp đông lại sữa mẹ đã lấy ra khỏi tủ lạnh, mẹ chỉ lấy đúng lượng sữa đủ dùng cho trẻ ở mỗi cữ bú.
Rã đông sữa mẹ đối với sữa trữ đông
-Mẹ nên cho sữa trữ đông xuống ngăn mát trước khi sử dụng 1 ngày để rã đông nhưng vẫn giữ nhiệt độ lạnh. Hoặc sử dụng một chậu nước đá lạnh để rã đông sữa đã được trữ đông.
-Khi sữa đã chuyển từ dạng cứng sang dạng lỏng, chảy mềm hoàn toàn thì mẹ nhẹ nhàng lắc sữa để trộn phần lớp váng sữa nhiều chất béo và phần nước sữa lại với nhau. Sau đó mới tiếp tục thay nước ấm nóng để ngâm sữa cho đến nhiệt độ thích hợp cho trẻ ăn.
Sữa có hiện tượng nào là đã hỏng?
Sau khi rã đông sữa mẹ bằng cách chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát, nếu thấy có hiện tượng kết tủa đám mây trắng đục thì sữa đã hỏng không dùng được.
Nếu xuất hiện một lớp váng mỏng nổi trên mặt bình thì sữa vẫn sử dụng được, lớp váng mỏng này là chất béo trong sữa mẹ, mẹ chỉ cần lắc nhẹ lớp màng đó sẽ hòa tan trong sữa trước khi cho trẻ ăn.
Những lưu ý khi rã đông sữa mẹ
-Không làm tan sữa mẹ trữ đông ở nhiệt độ phòng: Vi khuẩn có thể xâm nhập nếu làm tan sữa mẹ ở nhiệt độ phòng, chỉ nên rã đông sữa ở ngăn mát tủ lạnh.
-Không rã đông sữa mẹ bằng cách đun sữa hoặc sử dụng lò vi sóng: Nhiệt độ cao, sóng microwave, sóng điện từ sẽ phá hủy vitamin và kháng thể thiết yếu, làm sữa mẹ mất một phần chất đạm và các dinh dưỡng quý khác.
[Bảo quản sữa mẹ đúng cách và khoa học: Cẩn thận khi rã đông sữa mẹ, nếu thấy có hiện tượng này nghĩa là sữa đã hỏng - Ảnh 4.]
Mẹ tuyệt đối không rã đông sữa trong lò vi sóng bởi sẽ làm mất đi dinh dưỡng của sữa mẹ.
-Không lắc mạnh bình sữa rã đông hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột: Sữa mẹ sẽ mất đi tính năng của kháng thể, protein bảo vệ cơ thể bé, mất đi một phần dinh dưỡng trong sữa nếu bị lắc mạnh hoặc bị thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Chỉ để sữa mẹ sau khi rã đông tối đa 4 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 24 giờ ở trong tủ lạnh: Nếu trẻ không sử dụng hết sữa rã đông trong 24 giờ, mẹ nên bỏ sữa thừa.
Bảo quản sữa mẹ đúng cách tưởng đơn giản nhưng nếu mẹ không tìm hiểu kỹ sẽ rất dễ phạm sai lầm gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa và sức khỏe của trẻ. Vì vậy, mỗi mẹ bỉm cần trang bị kiến thức đúng về cách bảo quản sữa để đảm bảo nguồn dinh dưỡng dồi dào và an toàn nhất cho trẻ.