Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt và chườm mát cơ thể khi trẻ bị sốt. Đồng thời, nên theo dõi sát sao dấu hiệu sốt để biết khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Hồng Ngân 15:52 30/06/2018

Thân nhiệt trẻ bao nhiêu là sốt?

Thân nhiệt bình thường của trẻ dao động trong khoảng 37 ± 0,6 độ C. Trẻ được xem là sốt khi nhiệt độ hậu môn từ 38 độ C trở lên. Mẹ hãy đo nhiệt độ khi thấy cơ thể bé nóng hơn bình thường. Hoạt động sờ trán, cảm nhận bằng tay rất chủ quan, đặc biệt khi tay mẹ mát hoặc lạnh lúc thời tiết thay đổi sẽ không đảm bảo kiểm tra đúng nhiệt độ cơ thể bé.

Trên thị trường có nhiều loại nhiệt kế, nhiệt kế điện tử thích hợp cho các gia đình có trẻ nhỏ (dùng nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ và gây ngộ độc). Nhiệt độ ở hậu môn phản ánh chính xác thân nhiệt trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể đo nhiệt độ ở nách rồi cộng với 0,5 độ C. Như vậy, nếu mẹ đo nhiệt độ vùng nách của trẻ trên 37,5 độ C thì trẻ đã bị sốt. 

Mẹ nên dùng nhiệt kế điện tử kiểm tra thân nhiệt khi trẻ bị sốt - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân thường gặp nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh.

Do đó, sốt là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Vì vậy, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách

Cần làm gì khi trẻ bị sốt?

Khi trẻ sốt nhẹ, hãy cho con nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Thường xuyên cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa.

Nếu sốt quá cao (trên 39 độ C), trẻ sẽ dễ mất nước và mệt mỏi. Khi đó, mẹ nên hạ sốt cho bé bằng cách:

Cho uống thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt an toàn là Acetaminophen (biệt dược Hapacol, Efferalgan,…). Liều thông thường là 10 - 15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ. Mẹ cũng có thể tham khảo liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc.

Khi bị sốt, trẻ cần được tăng cường uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát và dùng thuốc hạ sốt đúng liều - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ lưu ý, trẻ dưới 2 tuổi nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. Cần tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi trẻ sốt cao liên tục. Dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn sẽ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc. Mẹ cũng cần xem các thuốc đang sử dụng cùng lúc cho bé có chứa thuốc hạ sốt không để tránh quá liều.

Bé có thể dùng thuốc hạ sốt dạng uống hoặc nhét hậu môn, mỗi loại đều có ưu điểm riêng. Thuốc nhét hậu môn có thể dùng khi bé nôn nhiều hoặc đang ngủ. Trường hợp bé bị tiêu chảy, sử dụng dạng uống sẽ phù hợp hơn. Chị em cần nhớ, trong mỗi cữ thuốc hạ sốt chỉ dùng 1 trong 2 đường: uống hoặc hậu môn. Không dùng cả 2 đường cùng lúc.

Dược chất Ibuprofen (biệt dược Nurofen, Advil,…) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp trẻ hạ sốt. Tuy nhiên, nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ibuprofen cũng không được sử dụng khi trẻ bị sốt xuất huyết vì sẽ làm tình trạng rối loạn đông máu sẵn có thêm trầm trọng.

Lau mát cho trẻ bằng nước ấm

Mẹ dùng 5 khăn nhúng nước ấm ở nhiệt độ 30 độ C: 4 khăn đắp ở nách và bẹn, 1 khăn lau phần cơ thể còn lại (tránh bàn tay, bàn chân).

Cách đơn giản để hạ sốt cho trẻ là lau mát cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Cần ghi nhớ là mẹ chỉ nên lau mát cho trẻ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút. Tuyệt đối không được lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh vì có thể gây nhiễm độc.

Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám?

Khi trẻ bị sốt, nhiều bậc cha mẹ thường "chẩn đoán" do con mọc răng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu đáng báo động sau:

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi: Ngay cả khi bé vẫn có vẻ khỏe và sốt không cao.

- Trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi: Nếu rơi vào một trong các trường hợp: Trẻ sốt trên 38,9 độ C; Trẻ hốt hơn 3 ngày; Trẻ có vẻ không khỏe (quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống...)

Mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi thấy có nhiều dấu hiệu bất thường - Ảnh minh họa: Internet

- Trẻ ở mọi độ tuổi nếu có một trong các dấu hiệu:

+ Sốt trên 40 độ C.

+ Sốt kéo dài đã 7 ngày (mặc dù không sốt nhiều mỗi ngày).

+ Có sẵn một bệnh lý mạn tính nào đó.

+ Phát ban mới xuất hiện.

+ Có các dấu hiệu nặng như: Không uống được, nôn mọi thứ, co giật, li bì, khó đánh thức.

+ Có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều, khó thở, đau tai, đau bụng...).

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương

(Giảng viên Bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM)

 

Hồng Ngân | Theo Phụ nữ sức khỏe