Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết hoạt động massage cho trẻ sơ sinh là cách tuyệt vời để chăm sóc con. Massage cùng các hoạt động vỗ về, ôm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ.
Mẹ nên bắt đầu từ việc nhỏ nhất, đặc biệt đối với những trẻ sinh non có cơ thể mỏng manh, yếu ớt. Lúc mới sinh, làn da non ớt của trẻ rất nhạy cảm nên cần tránh vuốt ve quá mạnh.
Trước tiên, mẹ nên nắm giữ bàn tay trẻ hoặc để trẻ tự nắm giữ ngón tay mẹ. Hát nho nhỏ để tạo không khí nhẹ nhàng giữa hai mẹ con, cùng thư giãn với con, cảm nhận nhịp thở của con.
Mẹ hãy cho bé thời gian thích nghi để làn da bớt nhạy cảm và hoàn toàn có thể thưởng thức sự vỗ về, vuốt ve trong quá trình massage. Hoạt động làm quen ban đầu này sẽ mang lại tác động lớn về sau. Đó là sự gần gũi, yêu thương và mối quan hệ tiếp xúc da thịt vô cùng thoải mái giữa mẹ và bé.
Mẹ hãy sử dụng trực giác trong việc cảm nhận trẻ đã đủ cứng cáp chưa để có thể tiếp nhận những kích thích mạnh mẽ hơn việc nâng niu thường ngày, càng sớm càng tốt.
Mẹ đặt bé lên tấm vải mềm trong phòng ấm kín gió (24 độ C trở lên). Lưu ý, hai bàn tay mẹ phải thật ấm. Tiếp đến, mẹ nhỏ một ít dầu trẻ em hoặc một ít lotion lên lòng bàn tay rồi nhẹ nhàng xoa đầu, ngực, bụng, lưng và tay chân của bé theo thứ tự quy ước của mẹ. Sau đó, lần lượt thực hiện theo trình tự:
- Ấn sâu nhưng nhẹ nhàng vào phần mềm lòng bàn chân.
- Vuốt từ cổ chân dài lên đùi.
- Xoa tròn trên bụng bé.
- Vuốt từ cổ tay dài đến vai, và ngược lại.
- Dùng ngón tay cái xoa, vuốt lòng bàn tay trẻ.
- Vuốt từ giữa trán ra hai bên trán, dùng lòng bàn tay vuốt hai bên mặt bé.
- Nhẹ nhàng đỡ cổ xoay sấp bé lại và xoa lưng. Mẹ đừng lo sợ khi cho trẻ nằm sấp ngay cả khi bé còn rất nhỏ. Nằm sấp là tư thế khởi đầu nền tảng cho hàng loạt phát triển khác của trẻ. Mẹ chỉ cần giám sát bé thật kĩ và cẩn thận để đảm bảo an toàn.
Trong khi massage, mẹ cần theo dõi phản ứng của bé để tìm ra những bước massage bé thích nhất. Cơ thể thoải mái, thư giãn kèm động tác nắm tay để gần mặt hoặc miệng chính là biểu hiện cho thấy bé thực sự yêu thích.
Nếu trẻ nhăn mặt, uốn người hay giật tay chân, né tránh, nghĩa là con chưa sẵn sàng. Lúc này, mẹ nên tạm dừng, giữ bàn tay của mẹ đặt trên cơ thể của con, tìm lại sự liên kết thân mật, sau đó có thể thử massage lại một lần nữa.
Thời điểm thích hợp massage cho trẻ bao gồm: Khi trẻ không đói (sau bữa ăn 1 - 2 giờ); Khi trẻ đang buồn ngủ thậm chí đang quấy khóc; Sau khi tắm. Không nên massage khi trẻ sốt, đang ăn hoặc thời điểm 45 phút sau ăn. Trẻ mắc bệnh nhiều cũng không nên massage.
Mẹ có thể >massage cho trẻ sơ sinh 2 lần mỗi ngày trong 3 tháng đầu. Thời gian massage tùy thuộc vào thời gian mẹ dành cho bé và độ thích thú của bé. Nếu trẻ thích, mẹ có thể thực hiện 1 buổi massage 20 - 30 phút.
Ngoài ra, không chỉ mẹ mà cả bố cũng có thể học cách massge nhằm tăng sự gần gũi và gắn kết với trẻ sơ sinh.
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương
(Giảng viên Bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM)