Hầu hết các mẹ đều nghĩ rằng đây là những việc làm vô cùng cần thiết khi chăm con để giữ gìn sức khỏe cho các bé sơ sinh, nhưng bác sĩ Nhi khoa đã chỉ rõ nó không có tác dụng như các mẹ vẫn tưởng.
Khi các mẹ vừa sinh bé ra, có một số thói quen được coi như là "chân lý" khi >chăm trẻ sơ sinh được truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là thói quen nhỏ mắt mũi cho bé, vệ sinh rốn bằng nước muối sinh lý, dùng bông tăm ngoáy tai cho trẻ sau khi tắm... Những thói quen này được khuyến cáo thực hiện hàng ngày khi chăm con, vừa để đảm bảo vệ sinh, vừa để phòng bệnh cho trẻ, đó là niềm tin của các mẹ bỉm sữa.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (hiện đang công tác tại Bệnh viện sản nhi Vĩnh Phúc), có nhiều thói quen của các mẹ bỉm sữa là thừa thãi, không cần thiết. Bác sĩ Hữu Thảo đã giải thích cụ thể về thắc mắc của các mẹ bỉm sữa liên quan đến các thói quen trên.
Câu hỏi 1: Có nên nhỏ mũi, rửa mũi thường quy hàng ngày (nghĩa là ngày nào cũng nhỏ kể cả mũi con không viêm, không có dịch gì hết) cho con bằng nước muối sinh lý hay không?
Đây là việc làm không cần thiết. Mục đích của việc nhỏ mũi hay rửa mũi là để làm sạch mũi (nếu mũi viêm, nhiều dịch). Không có khuyến cáo nào về việc rửa hoặc nhỏ mũi thường quy cho trẻ khỏe mạnh hàng ngày để ngừa viêm mũi cả. Chỉ rửa hoặc nhỏ mũi khi có chỉ định của bác sĩ.
Câu hỏi 2: Có cần vệ sinh rốn trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý?
Việc này cũng không cần thiết. Rốn trẻ sơ sinh khi chưa rụng chỉ cần để thoáng, giữ sạch, tắm trẻ bằng sữa tắm và lau khô là được. Nếu rốn trẻ bẩn do trẻ đái, ị dây vào thì làm sạch bằng nước muối sinh lý và cồn 70 độ là được.
Câu hỏi 3: Có cần rửa mặt trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý?
Việc này cũng không cần thiết. Bác sĩ Hữu Thảo khuyến cáo chỉ cần rửa mặt cho bé bằng nước sạch là được.
Câu hỏi 4: Có cần nhỏ mắt cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý?
Nước mắt của trẻ có tác dụng làm sạch mắt rồi, vì vậy các mẹ cũng không cần nhỏ mắt cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Chỉ nhỏ khi mắt bị bụi, viêm hoặc theo chỉ định bác sĩ.
Câu hỏi 5: Có nên ngoáy tai trẻ hàng ngày và sau khi tắm?
Bác sĩ Thảo cho biết đây là việc không nên. Bạn sẽ làm tăng nguy cơ tạo nút ráy tai cho trẻ và dễ làm xước ống tai trẻ, từ đó có thể gây viêm ống tai ngoài. Nguy hiểm hơn, khi trẻ lớn, trẻ có thể bắt chước bố mẹ và tự cầm bông chọc vào tai mình gây chấn thương ống tai hoặc thủng màng nhĩ. Các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp như thế.