Trong khi phần lớn phụ huynh cho rằng địu bé là an toàn thì các bác sĩ lại đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ ít ngờ tới nhất của địu em bé.
Địu trẻ sơ sinh là một phần không thể thiếu đối với rất nhiều cha mẹ ngày nay. Bất kể phong cách ra sao, chúng tạo điều kiện cho cha mẹ được thoải mái đôi tay và bớt căng thẳng hơn khi địu con đi chơi khắp nơi. Trong khi phần lớn phụ huynh cho rằng, địu bé là an toàn, các bác sĩ Australia lại đưa ra cảnh báo mới nhất nguy cơ ít ngờ tới nhất của địu em bé đó là gây ngạt dẫn đến tử vong.
Từ năm 2010, đã có 3 trẻ sơ sinh Australia bị ngạt và thiệt mạng do những chiếc địu bé, theo tin tức trên 9News. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp nghiêm trọng gần như thế. Và thật không may, những sự cố đau lòng do địu em bé gây ra không chỉ gói gọn trong đất nước kangaroo. Uỷ ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) cho biết, từ tháng 1 năm 2003 tới tháng 9 năm 2016, có 17 trẻ sơ sinh Mỹ tử vong trong địu và 67 trẻ khác bị thương.
Tiến sĩ Nicola Spurrier cho biết, bản thân địu trẻ em không hẳn là nguồn cơn gây ra vấn đề. Nếu cha mẹ sử dụng các loại địu bé truyền thống hoặc những dạng địu vắt qua vai thoải mái hơn thì nguy cơ cũng được hạn chế rất nhiều. Nhưng hiểm họa chủ yếu liên quan tới cách trẻ sơ sinh được đặt trong địu – cong người như hình chữ C với miệng và mũi áp sát vào ngực người đeo địu (cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ).
Tư thế nguy hiểm này làm giảm khả năng hít thở một cách phù hợp của trẻ và vì thế, có thể dẫn tới kết cục bé bị ngạt thở. Đây chính xác là nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh Australia kể trên. Tiến sĩ Spurrier giải thích: "Tư thế bé nằm trong địu như vậy, dù có thể tạo cảm giác thoải mái như nằm trong bụng mẹ, nhưng lại không hề thoải mái hay an toàn một khi trẻ đã chào đời".
Bình luận của Tiến sĩ Spurrier về tư thế nằm nguy hiểm của bé trong địu đã đánh thẳng vào trọng tâm vấn đề khi xem xét tới thực tế là nhiều trẻ sơ sinh đã sớm cuộn người một cách tự nhiên sau khi sinh do hình dáng cột sống hình chữ C.
Một báo cáo trên CNN năm 2010 tiết lộ trường hợp bà mẹ mất con trai 7 ngày tuổi chỉ trong vài phút sau khi bé bị ngạt do địu. Vụ tại nạn xảy ra vào năm 2009.
Dù mẫu địu mà người mẹ sử dụng đã dược thu hồi sau đó, CPSC vẫn đưa ra một thông cáo nhấn mạnh rằng, nguyên nhân của những vụ việc đáng tiếc này không phải do địu em bé mà là cách đặt bé sai lầm trong địu. Ngoài việc hình dáng cột sống cong hình chữ C tự nhiên của trẻ, chất liệu vải của dây đeo và địu bé cũng là một vấn đề lớn. "Trong vòng vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh không thể kiểm soát đầu bởi cơ cổ còn yếu", thông cáo có đoạn viết. "Chất liệu vải của dây địu có thể đè vào mũi và miệng trẻ, chặn đường thở, nhanh chóng khiến trẻ ngạt thở chỉ trong vòng 1-2 phút".
Holly Fitzgerald, CEO tổ chức Kidsafe chuyên về "phòng ngừa tai nạn ở trẻ", tiết lộ, cha mẹ không nhất thiết phải ngừng việc sử dụng địu. Tuy nhiên, cần đảm bảo việc sử dụng địu một cách chính xác và an to.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, cha mẹ nên giữ bé sơ sinh ở tư thế thẳng lưng, với dây đeo hay địu em bé được thắt chặt đến mức an toàn. Khuôn mặt và mũi trẻ cũng phải được ở vị trí thông thoáng. Fitzgerald khuyên: "Điều thực sự quan trọng là cha mẹ luôn quan sát miệng và mũi bé để chắc chắn đường thở được thông thoáng. Hãy lưu ý những dấu hiệu như bé vặn vẹo mình hay tỏ ra khó chịu trong địu hoặc trên da bé có màu xanh hoặc hơi chuyển màu".
Tương tự CPSC của Mỹ, các chuyên gia Australia cũng khuyến cáo cha mẹ nên đọc thật cẩn thận hướng dẫn an toàn đi kèm với sản phẩm. Bản thân CPSC mới đây đã có động thái yêu cầu toàn bộ nhà sản xuất địu trẻ em ở Mỹ từ sau tháng 1 năm 2018 phải có cảnh báo về nguy cơ gây ngạt thở cũng như trẻ sơ sinh bị rơi khỏi địu đính kèm sản phẩm. Mặc dù những mối nguy hiểm này thực sự tồn tại, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa chúng xảy ra bằng cách trang bị hiểu biết hợp lý cho mình.