Trẻ có thể đối mặt nhiều mối nguy hiểm nếu mẹ nghĩ cho con ngủ chung giường để tiện cho bé bú.
Bác sĩ Veronica Toh, chuyên gia về Sơ sinh và Nhi khoa tại Trung tâm Trẻ em Raffles (Singapore) cho biết: "Là một bác sĩ nhi khoa, tôi chưa bao giờ khuyến khích việc ngủ chung giường".
Giải thích về lời khuyên này, bác sĩ Toh kể: "Tôi là nhân viên y tế tại Khoa Tai nạn và Cấp cứu. Một đêm nọ, có người cha hoảng loạn bế đứa con đã bất động vào phòng cấp cứu và cầu xin chúng tôi hồi sinh bé. Đứa trẻ đã không thể vượt qua cửa tử. Đó là câu chuyện bi thảm về người cha khi thức dậy, phát hiện con đang nằm kẹt cứng bên dưới mình".
Không nên ngủ chung giường với >trẻ sơ sinh
Các cơ quan y tế lớn đều khuyên các bậc cha mẹ không nên ngủ chung giường với trẻ sơ sinh và vấn đề này đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây.
Những người ủng hộ lựa chọn này cho rằng cho trẻ ngủ riêng ở cũi, nôi không ảnh hưởng gì đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, thậm chí tỉ lệ trẻ trên 6 tháng vẫn được bú mẹ khi ngủ riêng ngày càng cao.
Bác sĩ Toh chia sẻ, theo một nghiên cứu gần đây, những đứa trẻ ngủ chung với bố mẹ có lượng hormone gây căng thẳng thấp hơn trong giai đoạn 6 đến 12 tháng tuổi. Nhưng các bác sĩ cảm thấy lo lắng về nguy cơ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDs). Đã có hơn 10 nghiên cứu trong 20 năm qua xác nhận mối liên hệ giữa việc để trẻ ngủ chung giường với người lớn và hội chứng SIDs.
Nguy cơ này gia tăng theo cấp số nhân nếu người mẹ béo phì, hút thuốc hoặc ngủ chung với trẻ sơ sinh trên ghế sofa. Ngay cả khi mẹ không hút thuốc nhưng bé dưới 3 tháng tuổi ngủ chung giường với mẹ, nguy cơ trên vẫn cao hơn dù không lớn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là do ngạt thở, thường là do tư thế ngủ của mẹ hoặc bé bị chăn trùm kín.
Bác sĩ Toh cho biết thêm: "Ngoài ra, xu hướng quá chăm chút, luôn bồng bế con yêu của người mẹ có thể gây hại nhiều hơn đem lại lợi ích. Nó có thể gây ra các vấn đề tiềm ẩn sau này khi đứa trẻ lớn hơn và phải chuyển ra khỏi phòng, chẳng hạn như khi mẹ sinh thêm em bé. Lúc đó, đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tự thích nghi với căn phòng mới.
Việc thiếu một giấc ngủ ngon trong nhiều tháng có thể gây nguy hiểm cho >sức khỏe của người mẹ. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể dẫn đến mất trí nhớ".
Ngủ chung phòng nhưng không ngủ chung giường với em bé
Tiến sĩ Nirmal Kavallor Visruthan, chuyên gia tư vấn từ Khoa Sơ sinh tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH), cũng đồng tình với quan điểm này. Anh chia sẻ với The Straits Times rằng, tại KKH, quy định là trẻ sơ sinh ở cùng phòng với mẹ nhưng các bà mẹ không được phép dùng chung giường hoặc cũi với con của họ.
Việc trẻ sơ sinh ngủ chung giường với người lớn không được khuyến khích vì không có đủ bằng chứng cho thấy làm như vậy là an toàn. Cha mẹ được khuyến nghị ngủ chung phòng với trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi) nhưng không ngủ chung giường.
Ngủ chung giường làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy, ngủ chung giường có liên quan đến việc tăng gấp 5 lần nguy cơ mắc SIDs trong 3 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh so với những bé được đặt nằm cũi và ngủ chung phòng phòng cùng cha mẹ.
Để có một môi trường ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh, Tiến sĩ Visruthan khuyên bạn nên áp dụng các biện pháp sau:
- Cho trẻ sơ sinh ngủ chung phòng với cha mẹ, nhưng không nằm chung một chỗ ngủ, tốt nhất là cho đến khi em bé tròn 1 tuổi, nhưng ít nhất là trong 6 tháng đầu. Điều này làm giảm nguy cơ SIDS tới 50%.
- Đặt em bé nằm ngửa trên bề mặt chắc chắn như cũi hoặc nôi với tấm ga trải kín, vừa vặn với đệm.
- Tránh sử dụng bộ giường ngủ mềm, bao gồm đệm cũi, chăn, gối và đồ chơi mềm để tránh những thứ này che đầu em bé và gây ngạt thở. Để cũi trống là tốt nhất.
- Tránh quấn khăn dày cho con để bé không bị quá nóng.
- Nên cho trẻ bú mẹ bởi đây là biện pháp bảo vệ tăng cường giúp chống lại nguy cơ SIDs. Sau khi bú, nên chuyển em bé ra chỗ ngủ riêng.
- Ngoài ra, mẹ và những người chăm sóc khác đang chăm sóc em bé nên tránh hút thuốc, uống rượu và ma túy bất hợp pháp.
- Người mẹ kiệt sức nên nhờ người nhà hỗ trợ trông em bé và làm việc nhà để có thời gian nghỉ ngơi.