Thời tiết nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ bị ốm do sức đề kháng còn yếu. Bởi vậy cha mẹ cần lưu ý những điều sau để giúp con khỏe mạnh trong mùa hè này.
Giữ trẻ luôn mát mẻ trong thời tiết nóng
Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa, cách tốt nhất là giữ trẻ ở trong nhà và hạn chế đi ra ngoài. Nhưng nếu bạn cho trẻ ra ngoài chơi hoặc trong những trường hợp bất khả kháng, hãy ghi nhớ những điều sau:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, đội mũ và đeo kính đầy đủ.
- Tránh cho con ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 11h – 2h.
- Thoa kem chống nắng trẻ em trên toàn bộ khuôn mặt và các vùng lộ ra ngoài quần áo 20 phút trước khi đưa con đi ra ngoài trời và thoa lại sau mỗi 2h.
Không bao giờ để con một mình trong xe ô tô
Để trẻ trong xe ô tô một mình vào những ngày thời tiết nóng bức là việc làm vô cùng nguy hiểm. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị chết do ngạt khí và sốc nhiệt khi ngồi một mình trên ô tô, đơn cử như gần đây nhất là trường hợp của bé Nguyễn Đức Bằng (6 tuổi) tại Đồng Nai vào ngày 30/11/2015. Còn tại Mỹ, họ thống kê được, mỗi năm, trung bình có tới 40 trẻ em thiệt mạng vì bị “bỏ quên” trong những chiếc xe đỗ trong thời tiết nắng nóng, oi ả. Tại Australia, thống kê cho thấy trung tâm cấp cứu nhận tới 4 cuộc gọi/ngày vào mùa nắng nóng vì các vụ ngạt khí của trẻ em khi bị bỏ rơi trong xe ô tô.
Đối với trẻ em, tử vong do sốc nhiệt có thể xảy ra kể cả khi xe đỗ trong bóng râm. Thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, không gian trong xe ô tô rất ít ỏi, chỉ vào khoảng 2,5m3, lại kín bưng do thiết kế cách nhiệt, nên chỉ sau 1,5 giờ ngồi trong xe đóng kín là trẻ có thể rơi vào trạng thái hôn mê do thiếu dưỡng khí.
Đảm bảo cho bé ngủ một cách thoải mái nhất
Vào mùa hè, việc đảm bảo cho bé có một giấc ngủ thoải mái nhất không phải là điều đơn giản. Nhưng nếu bé không có một giấc ngủ thoải mái thì rất dễ dẫn đến các trường hợp bị ốm, bị mệt. Do đó, để bé có một giấc ngủ thoải mái nhất vòa những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mẹ nên chú ý các điều sau:
- Phòng bé ngủ nên là căn phòng mát nhất trong nhà nhưng không phải là mát do bật điều hòa suốt cả ngày.
- Giữ điều hòa ở mức 27 – 28 độ C trở lên.
- Tránh cho bé dùng điều hòa cả ngày, không nên lạm dụng
- Không để quạt và điều hòa xối thẳng vào bé
- Không cho bé ra ngoài chơi ngay khi vừa tắt điều hòa vì có thể sẽ khiến bé bị sốc nhiệt.
- Không che chắn bé bằng các vật dụng dầy, cứng để không khí được lưu thông xung quanh bé khi đi ra ngoài.
- Để khăn ướt xung quanh ghế hoặc cửa sổ để làm mát không khí.
- Quần áo, nệm giường, ga giường, vỏ gối… được làm từ vải cotton để thấm hút mồ hôi tốt.
- Tránh sử dụng nệm hoặc gối quá mềm hoặc bị lún quá sâu khi bé nằm xuống bởi nếu bé lật người, vật dụng này có thể khiến bé ngạt thở, bí hơi
Không cho trẻ tắm quá lâu
Với trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, ngay cả khi trời nóng, bạn cũng không nhất thiết phải cho bé tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước với thời gian lâu. Lý do là bởi vì nếu tiếp xúc quá lâu với nước, trẻ rất dễ bị cảm lạnh gây viêm họng, viêm amiđan hoặc nặng hơn là viêm phổi.
Đảm bảo >dinh dưỡng đầy đủ cho bé
Cho bé ăn thức ăn bao gồm đủ bốn nhóm thức ăn là rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại các bệnh dễ gặp phải trong mùa hè.
Rửa tay ngay sau khi chơi và trước khi ăn uống
Các bậc phụ huynh nên chú ý rèn luyện cho bé rửa tay hằng ngày để phòng bệnh cho bé. Rửa tay có thể giúp bé tránh được nhiều loại bệnh khác nhau như bệnh hô hấp hay viêm tiểu phế quản.
Lưu ý khác:
Để trẻ chơi ngoài trời, nhưng trong bóng râm và vào khoảng thời gian nắng dịu nhất trong ngày, thường là trước 10 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Sử dụng bình xịt hoặc dụng cụ tưới nước để giúp trẻ giải nhiệt.
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ: Cho trẻ uống đủ từ 118 đến 237ml nước hoặc nước ép trái cây khoảng 30 phút trước khi tham gia một hoạt động nào đó.
Thường xuyên nghỉ ngơi để uống nước: Bạn có thể gọi trẻ vào nhà để giảm nhiệt cho trẻ, đồng thời nhắc trẻ uống nước tầm 20 phút/lần.
Ở trong nhà hoặc khu vực công cộng có điều hoà trong những ngày nắng nóng cao độ. Tắm nước mát để hạ nhiệt cho trẻ nếu không có điều hòa nhiệt độ trong nhà.
Bên cạnh đó, khi trời nóng cha mẹ nên chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài. Tránh làm da cơ thể không kịp thích ứng sẽ bị sốc và sụt giảm sức đề kháng.
Chọn loại quần áo màu sáng nhạt để mặc cho trẻ. Bạn cũng nên chọn trang phục mỏng, nhẹ để không làm trẻ bị tăng nhiệt. Nếu nhà không có điều hòa nhiệt độ, trẻ nên mặc càng ít quần áo càng tốt.
Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng, phụ huynh thường có xu hướng đưa trẻ đến các hồ bơi. Do đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, phụ huynh nên chọn hồ bơi có kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng về an toàn và vệ sinh. Khi chọn hồ bơi nên chọn hồ bơi không quá đông trẻ. Khi bơi nên trang bị đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng ngay, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Không ngoáy tai liền vì sẽ làm xây xát tai.