Dù cha mẹ luôn đảm bảo con đánh răng 2 lần/ngày và đi khám răng định kỳ, những thói quen xấu nhiều phụ huynh không để ý vẫn có thể gây hại răng miệng cho trẻ.
Dưới đây là một số thói quen tưởng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng xấu tới >sức khỏe răng miệng của trẻ.
1. Mút ngón tay
Một trong những thói quen xấu và phổ biến nhất là mút ngón tay. Thói quen này có thể gây hại cả răng và hàm, khiến răng bị hô, lệch lạc, xương hàm bất thường, không đều,...
Mút ngón tay chưa rửa sạch còn giúp vi khuẩn xâm nhập cơ thể trẻ, gây dễ mắc các bệnh giun sán, tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa…
Nhiều cha mẹ không biết rằng nguyên nhân về mặt tâm lý học đằng sau thói quen này là do con bạn đang khao khát tình yêu, tình cảm và sự an toàn.
Cha mẹ cần rèn cho con bỏ ngay thói quen này bằng thoa chất có mùi hoặc vị đắng lên ngón tay, dùng bao tay hoặc vải quấn vào ngón tay trẻ hay mút hoặc đưa trẻ đến chuyên khoa tâm lý,...
2. Đẩy lưỡi
Thói quen này thường khó phát hiện, xảy ra khi trẻ đẩy lưỡi lên hàm răng khi nuốt.
Thói quen này thường vô hại nhưng nếu kéo dài có thể khiến răng bị lệch lạc.
3. Nghiến răng
Đây là thói quen khá phổ biến ở trẻ em, thường đi kèm với âm thanh ken két.
Nguyên nhân trẻ nghiến răng là do khuynh hướng di truyền, tâm lý lo lắng, mọc răng, sai lệch khớp cắn, nhiễm giun kim, dị ứng, phản ứng thuốc,...
Dấu hiệu phát hiện trẻ nghiến răng khi ngủ: răng trẻ bị mòn, mẻ; trẻ kêu đau ở trán, tai; trẻ bị đau hàm khi nhai thức ăn; trẻ ngủ phát ra âm thanh ken két.
4. Bú bình đi ngủ
Nhiều trẻ nhỏ có thói quen ngậm bình sữa khi đi ngủ, cha mẹ có thể cho rằng điều này giúp trẻ thoải mái và không gây hại gì.
Tuy nhiên thói quen này có thể dẫn tới sâu răng do bú bình. Đây là một tình trạng sâu răng sớm nhiều răng, đặc trưng là sâu răng tiến triển và lan nhanh, có thể gây đau và nhiễm trùng.
5. Hay ăn vặt
Thói quen ăn vặt thường xuyên có thể khiến thức ăn dính trên răng nhiều giờ, dẫn tới sâu răng và các vấn đề về lợi (nướu).
Hãy dạy trẻ súc miệng sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất 2 lần/ngày.