Những điều khó chịu đôi khi khiến trẻ có cảm giác như mình là người tồi tệ và bất lực. Sự cáu giận xuất hiện khi cảm giác đó lên cao và các bé không biết làm gì ngoài việc "nổi cơn tam bành".
Dưới đây là 5 cách để ngăn chặn cơn cáu giận trước khi các bé "nổi cơn tam bành":
1. Tạo trò chơi để chơi cùng con
Khi bạn cố gắng giữ con ngồi yên trong ghế hoặc đứng im ở bãi đậu xe thì bỗng nhiên thấy con biến đi đâu mất. Đó là do con không thích bị bó hẹp trong không gian bó buộc và muốn thoát ra ngoài càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, hãy thử tạo trò chơi để giúp con ngồi yên một chỗ. Ví dụ như nếu trong xe có nhiều đứa trẻ, hãy tạo một cuộc thi xem ai ngồi im được lâu hơn. Cuộc thi này sẽ làm cho bọn trẻ bị phân tâm và không cho rằng việc ngồi im là quá khó khăn nữa.
Nếu trong xe chỉ có một đứa trẻ thì có thể nói chuyện, gây cười cho chúng bằng cách cho chúng đồ chơi yêu thích, đồ có âm thanh vui nhộn. Cười nói và chơi trò chơi khiến bé quên đi đang ở trong không gian bó hẹp.
2. Bố mẹ làm mẫu cho con
Thời gian ngày nghỉ, dịp nghỉ lễ là thời gian các bé được gặp gỡ những người họ hàng. Đó là thời gian những người thân quen gặp nhau và muốn trao cho nhau những cái ôm thân thiết. Nhưng trẻ lại không thích và dễ tức giận vì chúng chỉ muốn chơi và không muốn tỏ ra thân thiết với những người họ hàng lâu lắm mới gặp.
Cách tốt nhất để chặn điều này là bố mẹ hãy thực hiện trước. Bố mẹ hãy vui vẻ và hồ hởi trao những cái ôm thắm thiết với những người họ hàng. Đó không chỉ là hành động đơn thuần của bố mẹ mà còn là lời nhắc nhở con hãy làm theo hành động của bố mẹ. Tuy nhiên, con cũng cảm thấy đỡ lúng túng hơn vì không phải thực hiện hành động một mình.
3. Cho con chọn lựa
Con có thể ghét đánh răng hoặc tắm, vì vậy bất cứ khi nào bố mẹ nói: “Con đã sẵn sàng đánh răng chưa?” thì con đều có thể tức giận bực mình.
Tốt nhất là tránh những câu hỏi có hoặc không. Thay vào đó, hãy nói “Đến giờ đánh răng rồi, con muốn tự đánh răng hay bố/ mẹ giúp con đánh răng?”.
Đó là cách tốt nhất để con không có cơ hội chọn không thực hiện hành động mà con sẽ phải lựa chọn cách hoàn thành hành động đó như thế nào. Nếu cho con lựa chọn, con sẽ cảm thấy như có quyền lực trong khi vẫn phải vâng lời và hoàn thành những điều bố mẹ nói.
4. Thử một giải pháp phi truyền thống
Hãy nhớ bữa ăn khi bé nhặt hết các loại rau ra và chỉ ăn thịt với cảm giác khó chịu. Bởi lẽ, hầu hết trẻ em sẽ không ăn rau nếu chúng nhìn thấy. Thay vì đó, để bổ sung rau, chất xơ cho con, bố mẹ có thể lựa chọn loại thuốc bổ đa năng hoặc trộn rau vào những đồ ăn chúng thích.
Các giải pháp sáng tạo giúp con ăn bổ sung được nhiều rau củ quả không phải quá khó khăn, hãy thử tra cứu trên các trang web và tìm kiếm các công thức nấu ăn khác nhau, lập danh sách cần mua và thực hiện theo kế hoạch để con ăn uống được thoải mái và không có cảm giác bực bội khi phải ăn rau.
5. Đưa ra cảnh báo
Bạn đang ở cửa hàng đồ chơi và bé hét lên “Con không muốn về đâu!”. Lúc đó, thay vì vội vã ra khỏi cửa hàng, tức tốc lôi xềnh xệch con ra thì bố mẹ có thể thử áp dụng bí kíp của Elizabeth Pantley. Elizabeth Pantley là tác giả và là bà mẹ 4 con nói rằng để cho con hiểu bạn cũng biết con đang nghĩ gì bằng cách nói “Bố/ mẹ biết con có thể chơi ở đây mãi mãi, nhưng bây giờ đến lúc phải đi ngay rồi. Con hãy ôm hôn tạm biệt đồ chơi yêu quý một lần nữa và cầm giúp mẹ các chìa khóa về thôi”.
Trẻ con vẫn còn non dạ, vì vậy chỉ cần bố mẹ đưa ra những cảnh báo nhỏ thay vì cố tách chúng ra khỏi những gì chúng đang thích làm. Hành động tế nhị của bố mẹ sẽ khiến con tôn trọng hơn và không bực bội.
Làm mẹ là một trong những công việc khó khăn nhất. Trẻ nhỏ đang học về thế giới và cảm xúc của họ. Những cách trên sẽ là mẹo nhỏ để bố mẹ ngăn chặn cơn cáu giận của con trước khi bắt đầu và tạo một mối quan hệ tốt hơn với con mình.