Có 5 loại bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông, cha mẹ cần cần đặc biệt lưu ý và theo dõi sức khỏe của con để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh, điều trị và tránh biến chứng nặng.

Q.A (t/h) 12:15 27/12/2022

5 loại bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông lạnh

Theo khuyến cáo của BSCKII Dương Văn Linh, trưởng khoa Khám bệnh, BV Sản Nhi Quảng Ninh, sức đề kháng yếu là lý do khiến trẻ dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công vào mùa đông.

Có 5 bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông lạnh, cha mẹ cần lưu ý và theo dõi >sức khỏe cho các bé giúp sớm phát hiện và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở> trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Với những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... sẽ rất dễ bị viêm phế quản.

Khi trẻ bị viêm phế quản, triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn.

Thông thường, bệnh sẽ kéo dài trong 1 - 2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không, bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.

Để phòng viêm phế quản cho trẻ, các mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể. Trong những ngày lạnh cần giữ ấm cho trẻ đúng cách (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA cần được điều trị kịp thời.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi...)… nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.


Bệnh cúm, tiêu chảy là những bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông. Ảnh minh họa

2. Bệnh cúm

Bệnh cúm gây ra bởi virus. Bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan. Sự khởi phát của bệnh thường đột ngột và có các triệu chứng đi kèm như:

  • Sốt cao
  • Ho
  • Chảy mũi, ngạt mũi
  • Đau nhức cơ, mệt mỏi
  • Viêm kết mạc mắt nhẹ ( đỏ mắt, ngứa)
  • Có thể kèm theo nôn ói/ tiêu chảy

Bệnh cúm nếu được phát hiện sớm thì việc sử dụng một số loại thuốc kháng virus có thể hữu ích. Thuốc hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trong 48 giờ đầu của các triệu chứng. Cách phòng ngừa và giảm các biến chứng của cúm tốt nhất là tiêm phòng cúm cho trẻ hàng năm.

3. Cảm lạnh thông thường

Đây là bệnh do virus gây ra, các triệu chứng thường nhẹ. Trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh.

Bệnh cảm lạnh có thể xảy ra quanh năm nhưng đa phần là vào mùa đông. Có nhiều loại virus gây ra cảm lạnh, có thể kéo dài 5 - 14 ngày, với các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Chảy mũi, tắc mũi
  • Ho
  • Đau họng
  • Sốt
  • Nôn ói và tiêu chảy thường không đi kèm theo cảm lạnh

Khi trẻ bị cảm lạnh, cần cho trẻ nghỉ ngơi, điều trị các triệu chứng của bệnh. Cha mẹ nên nhớ cho trẻ uống đủ nước. Việc sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ cần có sự tư vấn của bác sĩ.

4. Viêm họng do vi khuẩn

Là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dễ lây lan và thường hay gặp vào mùa thu, đông và đầu mùa xuân, đặc biệt ở trẻ nhóm từ 5 đến 15 tuổi.

Trẻ bị viêm họng do vi khuẩn thường có các triệu chứng như:

  • Đau họng
  • Khó nuốt
  • Sốt
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Ho và chảy mũi thường không gặp trong viêm họng. Đôi khi có thể phát ban đỏ ở trẻ viêm họng do liên cầu khuẩn.

5. Tiêu chảy

Tiêu chảy do virus là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa đông. Bệnh do rotavirus gây ra và thường kéo dài trong ba đến bảy ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 3-24 tháng.

Khi thấy trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị cho trẻ. Không ép trẻ ăn nhiều mà hãy để trẻ uống nước đầy đủ, cho trẻ uống Oresol để giúp bù điện giải. Nếu thấy trẻ sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám bác sĩ ngay.

Trẻ cần được giữ ấm đúng cách để phòng bệnh trong mùa đông. Ảnh minh họa

Cách phòng tránh bệnh cho trẻ trong mùa đông

Để giúp con ít mắc bệnh trong mùa đông, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

– Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch;

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu;

– Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp,… hạn chế đến những chỗ đông người;

– Ăn uống đủ chất, đảm bảo >dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh;

– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày;

– Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình;

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Theo An An/giadinhmoi.vn