Khi trẻ bị ốm các mẹ thường nghĩ ngay đến dùng kháng sinh cho con và tự ra ngoài mua thuốc nhưng không biết rằng chính những hành động này lại gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính con của bạn.
Dùng không hết liệu trình!
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) phải “kêu trời” vì thói quen dùng thuốc của các bà mẹ. “Bác sĩ kê kháng sinh là 5 ngày, có trường hợp là 7 ngày. Thế nhưng không ít bà mẹ, sau khi con dùng được 3 ngày, hết sốt, hết triệu chứng thì dừng lại luôn, không uống tiếp kẻo “hại người”. Điều này là vô cùng nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây kháng kháng sinh”, TS Dũng nói.
TS Dũng giải thích, nguyên tắc là chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Khi đã xác định nhiễm khuẩn thì phải dùng ngay kháng sinh và phải diệt sạch vi khuẩn. “Nếu một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, điều trị thích hợp là làm sạch vi khuẩn (khỏi lâm sàng tối đa, giảm tối thiểu nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc). Còn nếu điều trị không thích hợp, thất bại khiến bệnh nhân có thể nhiễm tái phát, có thể gây kháng thuốc.
Vì vậy, liệu trình dùng kháng sinh là phải đảm bảo, dùng đủ liều để tiêu diệt vi khuẩn. Chứ không thể uống nửa chừng, thấy đỡ triệu chứng thì dừng lại. Chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn tốt thì bệnh mới khỏi, đỡ kháng thuốc”, TS Dũng khuyến cáo. Cũng theo chuyên gia này, việc dùng kháng sinh tiêu diệt sạch vi khuẩn càng cao thì tỉ lệ thất bại lâm sàng càng ít. Nếu thất bại lâm sàng càng nhiều, thất bại vi khuẩn cũng càng nhiều.
Tùy tiện dùng thuốc!
Theo một nghiên cứu của BV Nhi trung ương thì có tới 44% bà mẹ tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho >sức khỏe của trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là một sai lầm rất đáng trách của các bà mẹ. “Việc tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác… khiến nhiều trẻ bị biến chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn”, TS Dũng nói.
TS Dũng cho biết thêm, tình trạng tự làm bác sĩ của các bà mẹ ngày càng phổ biến. Họ lý giải, đưa con đi khám, thấy bác sĩ nghe nghe, nhòm vào miệng con thế là xong, kê đơn cũng chẳng có gì đặc biệt, sốt vi rút thì không dùng kháng sinh, mà nhiễm khuẩn thì vẫn kê các loại kháng sinh thông thường nên lần sau, họ tự biến mình thành bác sĩ.
Theo TS Dũng, để người bác sĩ khám phân phân biệt vi-rút hay vi khuẩn đã khó huống hồ chỉ định kháng sinh. Dùng kháng sinh gì, liều bao nhiêu, cho thời gian bao lâu… là cả một nghệ thuật, trình độ của bác sĩ. Không học, cứ hồn nhiên cho con dùng thuốc tưởng là giỏi, là tiết kiệm, không mất thời gian, không phải đưa con đến viện là một sai lầm.
Từ những viêm nhiễm thông thường đường hô hấp trên có thể biến chứng viêm phổi, điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Nguyên tắc đầu tiên của việc dùng kháng sinh, đó là chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn (vi khuẩn).
Thống kê tại Mỹ, tất cả các trường hợp dùng kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp trên, số đơn được kê kháng sinh so với bệnh nhân có bằng chứng nhiễm vi khuẩn thì lớn hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, thực trạng cũng như vậy. TS Dũng cho biết, một nghiên cứu do BV Bạch Mai phối hợp trường ĐH Harvard taok 16 huyện ở Việt Nam cho thấy, có đến 97 – 99% các cháu dưới 5 tuổi đến các phòng khám vì ho, sốt, chảy nước mũi được chỉ định dùng kháng sinh. Như vậy, việc dùng kháng sinh bừa bãi không chỉ ở phía người dân, mà cũng có một phần từ bác sĩ, đặc biệt ở tuyến cơ sở.
Ví dụ, một bệnh đơn giản là viêm họng (ở cả người lớn trẻ em) việc chẩn đoán khó nhất là xác định do vi rút hay vi trùng liên cầu (có thể có biến chứng, thấp tim, khớp)… người bác sĩ cần liệt kê giữa các triệu chứng do vi rút (có kèm đau mắt, chảy mũi, ho, đặc biệt là ho, bởi viêm họng có ho thường do vi rút), trong khi đó, triệu chứng của liên cầu (sưng đau hạch cổ, xuất tiết ở họng). Chỉ cần dựa vào lâm sàng này là bác sĩ đã có thể kê thuốc hợp lý. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trẻ chỉ viêm họng, ho do vi rút nhưng vẫn được chỉ định dùng kháng sinh.
Tùy tiện đổi thuốc
Theo TS Dũng, cũng chính vì thói quen tùy tiện dùng thuốc, tự mua thuốc uống mà không ít người đang uống kháng sinh A được 2 – 3 ngày không đỡ liền đi mua kháng sinh khác về uống. Với thuốc kháng sinh, không chỉ cứ thích là uống. Bởi khi đi vào cơ thể, kháng sinh tồn tại trong huyết thanh, đi đến vị trí nhiễm khuẩn như vào phổi, vào não… Chính nồng độ kháng sinh tại vị trí nhiễm khuẩn này sẽ cho chúng ta hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, kháng sinh không chỉ đi như vậy, nó còn vào các cơ quan khác. Như chỉ viêm phổi, kháng sinh không chỉ vào phổi mà vẫn đi vào các cơ quan khác như thận, gan… và gây độc. “Vì thế, mục đích là àm thế nào để kháng sinh vào cơ quan đích nhiều hơn, vào các cơ quan khác ít hơn.
Nghiên cứu vấn đề này giúp chúng ta chọn liều lượng thích hợp, đặc biệt là chế độ liều, để trả lời khi nào dùng liều cao, khi nào rút ngắn khoảng liều, khi nào đổi kháng sinh khác, khi nào phối hợp kháng sinh. Và để làm được điều này, chỉ có thể là bác sĩ để ra chỉ định hợp lý, vì thế, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc”, TS Dũng cảnh báo.
Hậu quả khi sử dụng kháng sinh không đúng cách
Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực song chính việc dùng thuốc thiếu khoa học đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc. Hiện nay có rất nhiều quan niệm sai lầm trong việc sử dụng kháng sinh như: Sốt là phải dùng kháng sinh hay đã có viêm là phải dùng kháng sinh; có thể giảm liều hoặc ngưng hẳn việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi đã cảm thấy khỏe hơn…
Chúng ta cần hiểu rằng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu cho trẻ sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể trẻ sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
Ngoài ra, việc phụ huynh tự ý cho trẻ dừng kháng sinh trong những ngày điều trị cuối cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Trong quá trình điều trị, phụ huynh cho rằng có thể cho trẻ giảm liều hoặc ngưng hẳn việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi cảm thấy trẻ đã khỏe hơn. Tuy nhiên, thực tế các triệu chứng thường được cải thiện trước một khoảng thời gian, khi các vi khuẩn đã bị tiêu diệt và xử lý. Nếu tự ý giảm liều lượng hoặc cắt giảm thuốc, số lượng kháng sinh sẽ không đủ để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh còn sót lại. Những vi khuẩn còn sót lại này có thể sẽ sinh sản và tái tạo lại quần thể. Kết quả là trẻ sẽ dễ bị tái phát bệnh sau một thời gian.
Việc cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: Tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, trẻ sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.