Chăm sóc vùng kín cho bé đúng cách là một vấn đề quan trọng mà bà mẹ nào cũng nên lưu tâm.
Những dấu hiệu bất thường ở “vùng kín” của bé
– Viêm nhiễm: dịch âm đạo của bé có màu xanh, nâu và có mùi khó chịu. Đồng thời, bé cũng khó “đi tè” hơn, tiểu nhắc, khó tiểu, hay quấy khóc, khó chịu, ngứa ngáy “vùng kín”,…
– Môi nhỏ của “cô bé” bị dính: da của môi nhỏ bị viêm và dính với nhau làm cho lỗ tiểu và lỗ âm đạo bị che kín; nước tiểu ra ngoài bị chia nhỏ tia mà không thành dòng; nhiễm khuẩn đường tiểu…
– Dị vật âm đạo: dị vật thường thấy nhất là giấy vệ sinh với biểu hiện tiết dịch hoặc chảy máu.
Tất cả các trường hợp trên, mẹ đều cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.
Những hiểu lầm phổ biến về vùng kín bé gái hầu như mẹ nào cũng mắc
1. Trẻ nhỏ khó có nguy cơ mắc viêm phụ khoa
Thực tế, không chỉ người lớn, vùng kín trẻ nhỏ, đặc biệt là bé gái cũng rất dễ bị kích ứng và là đối tượng nguy cơ của viêm âm hộ, âm đạo do thiếu các “rào chắn” sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng. Ngoài ra, âm đạo của bé gái còn có độ pH trung tính và thiếu các kháng thể bảo vệ, nên vi trùng càng có điều kiện để phát triển.
Cũng theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ HCM, vùng kín bé gái rất dễ viêm nhiễm do cấu trúc phức tạp, cộng thêm việc thường xuyên đóng bỉm che kín hậu môn và đường tiểu.
2. Con sẽ bị đau nếu mẹ vệ sinh vùng kín?
Không như người lớn, trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ trong giai đoạn từ 0-3 tuổi thường tiêu, tiểu nhiều lần trong ngày, đa phần ở thế thụ động. Vùng mông, bộ phận sinh dục và hậu môn của bé vì thế trở nên vô cùng nhạy cảm và dễ nhiễm khuẩn hơn lúc nào hết. Do đó, mẹ cần chăm sóc đúng cách để không kích ứng cho làn da non nớt của trẻ và tránh nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục nhất là các bé gái.
Tuy nhiên, nhiều mẹ lại hạn chế vệ sinh vùng kín vì sợ làm con đau hay thậm chí không biết về sự cần thiết của việc làm này.
3. Dùng xà bông tắm để vệ sinh vùng kín cho con là được
Trong 2 tuần đầu tiên sau khi bé chào đời, tốt nhất mẹ chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín cho con. Trước 1 tuổi mẹ có thể chọn lựa các loại sữa tắm nhẹ dịu để có thể vệ sinh toàn bộ cơ thể cũng như những vùng xung quanh vùng kín. Tuyệt đối không thụt rửa sâu vào vùng kín cũng như dùng các dung dịch tự chế để vệ sinh cho con.
Khi trẻ được 1 tuổi, các bác sĩ khuyên mẹ nên sử dụng sản phẩm dung dịch vệ sinh chuyên biệt, không mùi, không màu, không thành phần hóa học có hại, ít bọt chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên được nuôi trồng ở vùng hữu cơ sẽ giúp cân bằng pH vùng kín và an toàn với da bé. Tuyệt đối không sử dụng xà bông để vệ sinh vùng kín vì các loại xà bông này có thể “tẩy” sạch mọi loại vi khuẩn cư trú trong vùng kín kể cả các vi khuẩn có lợi.
Nếu nhận thấy vùng kín của bé có bất cứ sự thay đổi bất thường nào như: hăm, viêm, ngứa ngáy, màu lạ xuất hiện, bất chợt có dịch tiết âm đạo hoặc vùng kín bốc mùi… Thay vì dùng nước muối sinh lý hay nước lá trầu bà để rửa mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ thăm khám ngay lập tức bởi đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng vùng kín cần được điều trị kịp thời.
Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái
1. Rửa tay của mẹ thật sạch trước khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh.
2. Chuẩn bị một cái khăn xô sạch và một thau nước ấm., mẹ có thể dùng xà phòng chuyên biệt cho trẻ sơ sinh.
3. Nhúng khăn vào thau nước ấm, thực hiện thao tác lau nhẹ nhàng từ trước ra sau, để tránh vi khuẩn từ hậu môn lây truyền vào bộ phận sinh dục của bé.
4. Tuyệt đối không thụt rửa sâu hoặc chà xát mạnh vì có thể gây tổn thương cho bé.
5. Nếu dùng xà phòng, mẹ chỉ nên rửa bên ngoài cho bé, không rửa sâu bên trong vì sẽ làm “chết” đi các vi khuẩn có lợi tại đây. Đồng thời, bé gái sơ sinh thật sự không cần dùng các loại dung dịch vệ sinh.
6. Sau khi hoàn tất, mẹ nên dùng một chiếc khăn khô, sạch khác, thấm khô cho bé.
Mỗi ngày mẹ nên vệ sinh “vùng kín” của bé gái từ 2-3 lần và lau chùi sạch sẽ sau mỗi lần thay tã cho bé. Mặt khác, mẹ tuyệt đối không được tự ý bôi bất cứ thuốc gì lên khu vực này của bé gái nếu như không có sự chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: không nên cho bé mặc bỉm suốt 24/24 tiếng vì những vi khuẩn có trong chất thải của trẻ sơ sinh có thể tấn công “vùng kín” của bé.