Có một số dấu hiệu sai lệch về việc trẻ sẵn sàng ăn dặm dễ gây nhầm lẫn cho các bậc phụ huynh.
Nuôi dạy một đứa trẻ luôn là một trong những quá trình cần sự học hỏi thường xuyên và liên tục của các bậc cha mẹ. Việc cho trẻ ăn dặm là một trong những bước tiến quan trọng trong quá trình chăm con. Có những dấu hiệu cho bạn biết rằng khi nào thì trẻ sẵn sàng cho việc ăn dặm, bên cạnh đó cũng có những dấu hiệu không chính xác gây nhầm lẫn cho các bậc phụ huynh.
Dưới đây là 3 dấu hiệu gây nhầm lẫn cho các bậc phụ huynh rằng con mình đã sẵn sàng để ăn dặm:
1. Tăng cân
Nhiều bậc cha mẹ được truyền miệng rằng nếu trẻ tăng cân gấp đôi so với khi sinh hoặc khi >cân nặng của trẻ đạt 6,4kg trở lên thì đã đến lúc bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Nhiều em bé có thể tăng gấp đôi trọng lượng của mình sau 4-6 tháng khi sinh ra (thời gian phù hợp để cho trẻ ăn dặm) vì vậy điều này được liệt kê vào danh sách những dấu hiệu để bé sẵn sàng ăn đồ ăn dặm. Tuy nhiên, những em bé được sinh ra nhỏ hơn có thể tăng gấp đôi trọng lượng của mình trong thời gian ngắn hơn nhiều và có thể khi đó hệ thống tiêu hóa của trẻ vẫn chưa sẵn sàng cho việc tiêu hóa các loại thức ăn rắn.
Điều này cũng không hoàn toàn chính xác vì trẻ em ở mỗi khu vực khác nhau thì sinh ra với cân nặng không giống nhau. Điều này chỉ có thể áp dụng cho những đứa trẻ có cân nặng trung bình khi sinh ra là 3,2kg. Một số em bé có thể được sinh ra với cân nặng ban đầu là 5kg, do đó cột mốc 6,4kg là quá sớm đối với những đứa trẻ này. Sự tăng cân này không thể thể hiện chính xác thời điểm có thể bắt đầu ăn dặm của trẻ, mà ta chỉ có thể cho trẻ ăn dặm sau nửa năm tuổi đầu tiên.
2. Tăng cân chậm
Trẻ sơ sinh thường được kiểm tra >sức khỏe thường xuyên, mỗi lần kiểm tra bác sĩ sẽ đo cân nặng để xem trẻ có phát triển bình thường theo phác đồ mẫu hay không. Trong vài tháng đầu, đa số các trẻ được bú sữa mẹ đều tăng cân nhanh hơn trẻ bú sữa công thức. Tuy nhiên qua đến tháng thứ 4, tốc độ tăng cân này sẽ không còn nhỉnh hơn nữa mà có xu hướng giảm dần trong nửa cuối năm đầu tiên. Trẻ bú sữa công thức có xu hướng tăng cân đều hơn so với trẻ bú mẹ trong suốt quá trình phát triển, một số ít cũng có thể tăng cân chậm nhưng không nhiều như trẻ bú sữa mẹ.
Một phác đồ tăng cân tiêu chuẩn của trẻ có dạng đường cong và sẽ tăng dần so với lúc bắt đầu. Tuy nhiên, nếu như phác đồ tăng cân của trẻ có dấu hiệu giảm xuống so với đường cong thì bác sĩ có thể sẽ lo lắng rằng trẻ không được cho ăn đầy đủ. Trong thời gian gần đây, các bác sĩ thường xây dựng phác đồ tăng cân cho trẻ dựa trên những trẻ sử dụng sữa công thức. Do đó, trẻ bú mẹ thường được cho là phát triển kém hơn do không được cung cấp đủ chất >dinh dưỡng và thường sẽ được khuyên rằng nên cung cấp thêm chất dinh dưỡng từ việc ăn thực phẩm rắn sớm hơn.
Tuy nhiên, tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã thực hiện một nghiên cứu và chỉ ra rằng các em bé bú sữa mẹ chỉ nên bắt đầu ăn dặm sau 6 tháng đầu. Phác đồ tăng cân của trẻ sẽ dần ổn định và sẽ không có các trường hợp béo phì.
Vì vậy nếu như bạn đang cho con bú sữa mẹ và được bác sĩ yêu cầu cho ăn dặm sớm để đảm bảo tăng cân theo phác đồ, hãy hỏi rằng phác đồ họ sử dụng có phải là của WHO hay không, nếu không hãy đề nghị bác sĩ sử dụng phác đồ đó để có được sự theo dõi chính xác.
3. Mọc răng
Nhiều người chia sẻ với các bậc cha mẹ rằng, trẻ sẽ sẵn sàng cho việc ăn dặm khi bắt đầu mọc răng. Các hành vi thường thấy khi trẻ mọc răng là trẻ hay gặm, cắn ngón tay hay đồ chơi và quấy khóc trong lúc ăn. Tuy nhiên, nhiều em bé khi sinh ra đã mọc sẵn răng hoặc có nhiều em bé chỉ có răng sau khi tròn 1 tuổi, do đó việc sử dụng việc mọc răng để làm thước đo bắt đầu cho trẻ ăn dặm là không chính xác.
Nếu như đến tháng thứ 6 hoặc 7 mà trẻ vẫn chưa mọc răng, đây sẽ là một dấu hỏi dành cho các bậc cha mẹ rằng có nên cho trẻ ăn thức ăn rắn hay không, làm thế nào để trẻ có thể ăn được thức ăn rắn khi chỉ có nướu? Tuy nhiên trẻ sơ sinh có khả năng gặm nhấm các loại thức ăn đã được nấu mềm chỉ với nướu của mình. Nếu như bạn đã từng bị một đứa trẻ chưa có răng cắn, bạn sẽ biết được nướu của trẻ có khả năng nghiền tốt đến cỡ nào.