Đây cũng là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu được chăm sóc tốt trong giai đoạn này, trẻ có thể có được chiều cao vượt trội trong tương lai.
Trong điều kiện đời sống ngày càng được cải thiện như hiện nay, trẻ em có nhiều điều kiện hơn để phát triển thể lực và tinh thần. Trong đó, chiều cao của trẻ chắc hẳn là mối quan tâm đặc biệt của các cha mẹ. Nhất là đối với những bậc phụ huynh có chiều cao khiêm tốn, họ lại càng "sốt vó" lo bồi bổ để con mình cao lớn cho bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng di truyền chỉ chiếm khoảng 23% trong sự tăng trưởng chiều cao của trẻ, 77% còn lại phụ thuộc vào chế độ >dinh dưỡng, chế độ tập luyện thể chất và giấc ngủ. Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, khuyến khích chúng tập thể dục và chăm sóc giấc ngủ ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là trong "giai đoạn vàng", chắc chắn trẻ hoàn toàn có thể sở hữu chiều cao vượt trội trong tương lai.
Giai đoạn 1: 1000 ngày đầu đời của trẻ
Đây là giai đoạn mà trẻ sẽ phát triển rất nhanh, có sự khác biệt rõ rệt về chiều cao, cân nặng theo từng mốc thời gian. Đây cũng là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Nếu được chăm sóc tốt trong độ tuổi này, trẻ có thể cao thêm khoảng hơn 40cm so với lúc mới chào đời.
Bác sĩ Jay Hoecker, thành viên danh dự của Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ cho biết: "Từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, em bé có thể phát triển khoảng 1,5-2,5cm mỗi tháng và từ 6 đến 12 tháng tuổi, một em bé sẽ tăng khoảng 1cm/tháng. Trong hai năm tiếp theo, bé sẽ cao thêm 10cm/năm".
Nói cách khác, khi đến sinh nhật tròn 1 tuổi, chiều cao của bé đã tăng gấp rưỡi so với lúc mới sinh. Sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng của bé bắt đầu chậm dần, chỉ khoảng 10cm mỗi năm, đồng thời, mật độ xương cũng chỉ tăng lên khoảng 1% một năm ở cả bé trai và bé gái. Và hết 1000 ngày vàng đầu đời cho đến khi bắt đầu dậy thì, tốc độ tăng chiều cao của bé chậm hẳn lại, chỉ còn 5 – 6cm/năm.
Do đó, trong 6 tháng đầu đời, sẽ là tốt nhất nếu trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn. Ở lứa tuổi ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng phải đảm bảo đủ 4 nhóm: protein, đường, chất béo, vitamin.
Tuy nhiên, đừng ép con ăn quá nhiều. Trẻ em không nên ăn quá nhiều carbohydrate, chất béo, đồ ngọt để tránh béo phì. Ngoài ra, hãy để trẻ được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, mặc quần áo thoải mái và đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để thúc đẩy chiều cao phát triển tối đa.
Giai đoạn 2: Dậy thì (10 - 18 tuổi)
Dậy thì thường xảy ra ở giai đoạn 10-16 tuổi với bé gái và 12-18 tuổi đối với các bé trai. Đây là giai đoạn "tăng tốc" và "về đích" của chiều cao, vì sau thời gian này, trẻ không thể cao thêm được nữa.
Đặc trưng của thời điểm dậy thì là sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Đặc biệt, chiều cao của bé sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng 10-15cm/năm.
Cụ thể: Ở giai đoạn 10 tuổi, cứ mỗi năm bé gái tăng 10cm chiều cao và tăng dần đến khi đạt được 15cm/năm ở độ tuổi 12. Trong khi đỉnh của tốc độ tăng trưởng chiều cao của bé trai là 10cm/năm khi được 12 tuổi và đạt tối đa 15cm/năm khi bé 14 tuổi. Tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ chậm dần khi bé gái được 15 tuổi và khoảng 17 tuổi ở bé trai.
Như vậy, thời điểm phát triển chiều cao mạnh nhất ở trẻ là từ 10 - 18 tuổi. Nó quyết định đến 23% chiều cao trung bình khi các bé trưởng thành. Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương cũng sẽ tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn bé được 10 tuổi cho đến hết dậy thì.
Do đó, trong khoảng thời gian này, cha mẹ nên tập trung bổ sung cho trẻ những gì bổ dưỡng nhất, đồng thời khuyến khích trẻ hướng đến một lối sống lành mạnh. Hãy ăn nhiều các nhóm thực phẩm để cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn nhanh và giảm đồ ngọt, nước ngọt có ga để tránh nguy cơ béo phì. Tập thể dục, chơi thể thao, đi bộ ngoài trời mỗi ngày cũng sẽ giúp trẻ ngày càng cao lớn hơn.