Sốt siêu vi là một tình trạng bị nhiễm virus, bệnh này khá phổ biến ở trẻ em, phần lớn không gây nguy hiểm. Vậy bệnh có triệu chứng nào đặc trưng dễ nhận biết để bậc cha mẹ có những biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả.
Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên là sốt virus, chính là tình trạng sốt do nhiễm phải các loại virus khác nhau. Sốt siêu vi thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu.
Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày, thường sẽ không nguy hiểm. Những người bị nhiễm virus cũng bị đau cơ thể, da nổi mề đay và đau đầu. Hiện nay có nhiều thuốc có sẵn để điều trị, trong một số trường hợp biện pháp khắc phục tại nhà cũng giúp bạn điều trị tình trạng này.
12 triệu chứng sốt siêu vi
1. Sốt cao không giảm
Đây là một biểu hiện thường gặp ở bệnh sốt siêu vi, bình thường sẽ sốt từ 39 – 40 độ
- Đối với trẻ sơ sinh 38,5 độ là sốt cao, cần phải đi viện
- Đối với trẻ nhỏ sốt từ 39 – 40 độ thậm chí cao hơn
2. Đau đầu
- Đầu óc quay cuồng, đau nhức dữ dội
- Huyệt Thái dương đập mạnh, đau ở hai bên thái dương và sau gáy
- Có xu hướng nhắm nghiền mắt, nằm co lại, li bì và choáng váng, nhìn khuôn mặt như phù nề, mắt sưng húp
- Trẻ bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, ở nhiều trường hợp có thể chảy mủ tai, hoặc tai có nhầy và ngứa hơn bình thường
3. Viêm đường hô hấp
- Kèm theo với sốt cao và nhức đầu thì xuất hiện thêm các biểu hiện về viêm đường hô hấp như cổ họng đau, sưng đỏ, tấy, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi
- Khó thở, trẻ thở nhanh hoặc thở nông
4. Viêm kết mạc mắt
Dấu hiệu: đỏ mắt, mắt có rỉ, chảy nước mắt, mắt nhìn lờ đờ
5. Nôn trớ
- Trẻ nôn nhiều, thường diễn ra sau bữa ăn
- Bệnh ở người lớn cũng có thể nôn mửa
6. Phát ban
- Cơ thể xuất hiện các nốt mẩn, ban đỏ, mắt đỏ sau từ 2 – 3 ngày sốt (lúc xuất hiện ban đỏ trẻ đã bớt sốt do đã qua thời kỳ ủ bệnh và bước vào giai đoạn phát bệnh).
7. Đau nhức mình mẩy
- Trẻ lớn sẽ đau cơ bắp, trẻ kêu đau khắp mình mẩy
- Trẻ sơ sinh hoặc trẻ chưa biết nói sẽ quấy khóc
- Người lớn cũng có triệu chứng này và cảm nhận rất rõ
8. Rối loạn tiêu hóa
Xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus đường tiêu hóa. Cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt, đặc điểm là đại tiện phân lỏng, không có máu hay chất nhầy
9. Viêm hạch
Xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, viêm hạch vùng đầu, mặt, cổ sưng to có thể sờ thấy, đau.
10. Tay chân lạnh
Mặc dù bị sốt cao nhưng tay chân trẻ vẫn bị lạnh, đây là biểu hiện thường gặp khi bước vào ngày thứ 3 - 4 mà trẻ không giảm sốt
11. Đau bụng và đi ngoài ra phân đen
Ở một số trẻ có thể xuất hiện đau bụng, đi ngoài ra máu, phân đen. Vì thế cha mẹ cần phải theo dõi tình trạng của con mình trong suốt quá trình bị bệnh
12. Co giật
Trẻ bị sốt siêu vi đôi khi còn có dấu hiệu co giật. Khi xảy ra tình trạng này, cha mẹ cần thực hiện đúng những quy tắc sơ cứu tạm thời và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Sốt siêu vi khi nào thì nguy hiểm cần gặp bác sĩ?
Sốt cao có thể gây nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Khi cho trẻ sử dụng thuốc nhưng không đỡ, kèm theo những biểu hiện dưới thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có những phương pháp điều trị kịp thời:
- Trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi: Sốt 38°C hoặc cao hơn
- Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi: Sốt trên 39°C và trẻ dễ bị kích thích hoặc buồn ngủ
- Trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi: Sốt trên 39°C kéo dài hơn một ngày. Nếu có các triệu chứng khác, chẳng hạn như phát ban, ho hoặc tiêu chảy.
- Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, hãy gọi bác sĩ nếu trẻ bị sốt liên tục tăng trên 40°C.
Điều trị sốt siêu vi ở trẻ nhỏ
Sốt siêu vi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và bù dịch, điện giải
Hạ sốt: Chế phẩm nào cũng được
- Paracetamol liều 10 - 15mg/kg không quá 20mg/kg/lần. Ngày không quá 60mg/kg/24h.
- Iburofen liều 8 - 12mg/kg (tạm nhớ 10mg/kg)
*** Lưu ý: thời gia dùng thuốc hạ sốt là > 4giờ/liều. Không dùng liều nhắc lại dưới 4giờ
Vitamin C liều cao: các chế phẩm vitamin C khác nhau với liều có tác dụng là từ 500mg/ngày (1 viên vitamin C 500mg).
*** 1 cốc nước cam chỉ cho khoảng 50mg vitamin C.
Điện giải: Nếu có thể hãy cho trẻ uống dung dịch điện giải thay nước trong ngày.
*** Lưu ý: cho trẻ dùng dung dịch điện giải từng thìa nhỏ 5 - 10ml, cho liên tục trong ngày. Không nên cho trẻ uống 1 lúc 50 - 100ml sẻ khó hấp thu gây nôn nhiều và đi ngoài.
Nằm phòng thoáng mát, mặc thoáng mát, tắm hàng ngày. Và nếu có điều kiện hãy bật điều hòa với nhiệt độ >26°C.
Không tự ý mua thuốc phòng chống co giật cho trẻ. Trừ khi được sự tư vấn và kê đơn của bác sỹ
Sốt siêu vi có lây không?
Bệnh sốt siêu vi có thể lây từ người sang người. Chính vì vậy, khi người lớn bị bệnh, không nên tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Còn khi trẻ nhỏ bị sốt, cần cho bé nghỉ học và không đến những nơi đông người để không làm lây lan bệnh cho người khác.
Một số con đường lây của sốt siêu vi:
Bệnh lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua các hoạt động như giao tiếp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của bệnh nhân. Đa phần virus lây truyền qua dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, hắt hơi, ho, sổ mũi. Cũng chính vì vậy mà virus có thể lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng.
Bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua các vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay cầm nắm đồ chơi đối với trẻ em. Những vật dụng này có thể dính dịch tiết có chứa virus gây bệnh, khi chúng ta vô tình chạm phải sẽ bị lây bệnh.
Cách phòng ngừa sốt siêu vi
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vậy làm sao để có thể phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ, mọi người cần lưu ý và thực hiện những việc sau:
- Chế độ ăn uống cho trẻ phải đầy đủ chất >dinh dưỡng, khoa học để nâng cao thể trạng và sức đề kháng
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh cho sạch sẽ, thoáng mát, ngăn chặn phát triển các tác nhân gây bệnh
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Cho trẻ em tiêm phòng đầy đủ
- Không cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh
- Khi trẻ hắt hơi, ho, sổ mũi thì người lớn phải hướng dẫn cho trẻ nên dùng khăn giấy hoặc dùng tay che miệng lại.