Có những thói quen nếu duy trì lâu sẽ không tốt cho sức khỏe của con. Chính vì thế, trước 3 tuổi, cha mẹ nên cai 3 món đồ này cho con.

13:00 22/01/2021

Cai bình sữa cho con

Bình sữa là món đồ không thể thiếu với mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, bình sữa chỉ tốt với những trẻ dưới 2 tuổi mà thôi.

Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ nên cố gắng cho trẻ uống nước bằng cốc thay vì uống bằng bình sữa. Nguyên nhân vì nếu trẻ dùng bình sữa lâu sẽ dẫn tới trẻ bị phụ thuộc. Bú bình lâu sẽ dần tới sâu răng, mòn răng, ảnh hưởng đến việc nhai thức ăn thô của trẻ.

Ngoài ra, răng vĩnh viễn chỉ bắt đầu mọc thay răng sữa khi trẻ khoảng 6 tuổi. Do đó, nếu trẻ bị mòn răng, sún răng, nhai kém, chúng phải chịu đựng vấn đề ăn không ngon ít nhất vài năm. Điều này sẽ khiến trẻ lười ăn, bỏ ăn, gây ảnh hưởng tới thể chất và trí tuệ của trẻ.

Chưa kể, việc sử dụng bình ti lâu dài làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ. Nhiều trẻ nghiện ti bình tới mức khi bú no vẫn bú thêm bình sữa, làm năng lượng đưa vào quá nhiều. Nhưng nhiều phụ huynh lại vui mừng vì nghĩ rằng con ăn được nhiều.

Hại hơn nữa, một số trẻ kén ăn có thể “mượn cớ” ngậm bình sữa để tránh ăn làm chế độ ăn của trẻ bị lệch đi và không khỏe mạnh.

Chưa kể, bú bình lâu có thể làm thay đổi vị trí răng vĩnh viễn, gây hại tới sự phát triển các cơ mặt và vòm hầu, dẫn đến nguy cơ lệch răng và phải chỉnh nha khi trẻ lớn lên.

 

Trẻ bú bình còn phải đối mặt với nguy cơ bị viêm tai giữa khi nằm bú. Do đó, bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo cha mẹ không nên cho bé bú bình, hoặc dùng bình sữa uống nước trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến >sức khỏe của trẻ.

Cai núm vú giả

Trẻ em được khuyến cáo nên ngừng hoàn toàn sử dụng núm vú giả khi được 3 tuổi, thậm chí là sớm hơn.

Bởi lẽ việc sử dụng núm vú giả kéo dài sẽ gây ra một số thay đổi không tốt trong quá trình phát triển khuôn mặt của trẻ.

Trẻ bị nghiện ti giả càng lớn càng khó cai, vì thế cha mẹ để con dùng ti giả nếu bé đã hơn 3 tuổi, con sẽ phát triển một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như gặp rắc rối trong việc cắn. Do đó, con có thể không có đủ khả năng để thực hiện hành vi này như trẻ bình thường.

Việc ngậm núm ti giả lâu dài trong thời điểm trẻ mọc răng cũng dẫn tới hiện tượng răng khấp khểnh thiếu thẩm mỹ.

Thêm nữa, việc việc sử dụng núm vú giả còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ. Nguyên nhân là do động tác mút liên tục của bé làm cho các ống thính giác bị mở bất thường, cho phép dịch tiết từ cổ họng thấm vào tai giữa. Điều này vô tình tạo điều kiện cho tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra một cách dễ dàng.

Chưa kể, nếu trẻ ngậm ti giả không vệ sinh còn gây ra đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Tã, bỉm

Ngay từ khi mới sinh, bé sẽ được dùng tã, bỉm để đảm bảo vệ sinh cho con. Chưa kể khi bé ti mẹ, sẽ đi tiểu và đi nặng ''xì xoẹt'' suốt ngày. Việc dùng tã, bỉm rất tiện cho con, lại giúp mẹ được nghỉ ngơi.

Chính vì tiện lợi, nên nhiều mẹ cho con mặc tã bỉm tới tận khi con 3 tuổi. Thậm chí là khi con lớn hơn vẫn được mẹ đóng bỉm cho. Tuy nhiên, sử dụng bỉm, tã nhiều sẽ gây ra những điều không tốt cho con.

Các chuyên gia cho rằng, bé phải được dạy cách ngồi bô khi được 18 tháng tuổi, tức là 1 tuổi rưỡi.

Trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi, các bé tập trung nhiều vào việc đi tiêu và đi tiểu. Dạy bé ngồi bô trong độ tuổi này, bé sẽ nhanh chóng nắm bắt được, còn ngoài độ tuổi này, bé sẽ có khả năng chống đối.

Khoảng từ 18 tháng trở ra, mẹ nên hạn chế đóng bỉm cho con, chỉ dùng ban đêm khi bé ngủ. Trẻ từ 3 tuổi bỏ bỉm sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đi vệ sinh tự chủ, ngoài ra việc sử dụng bỉm trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, chẳng hạn như gây bí bách, ngứa da.

Theo Thạch Thảo/Gia Đình Mới