Dù rất thương con nhưng cha mẹ Nhật vẫn để con làm mọi thứ, từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Tôi không biết có ai cảm thấy như tôi không.
Trước khi làm mẹ, tôi quyết tâm trở thành người mẹ tuyệt vời nhất trong thời đại mới. Nhìn cảnh 4 người lớn trong một gia đình bận rộn chăm lo cho một đứa trẻ, tôi thực sự không thể chịu nổi.
Thế nhưng, kể từ khi trở thành mẹ, nhìn đứa trẻ lớn lên từng ngày, tôi mới nhận ra hiện thực phũ phàng. Đó là bản chất của mọi bà mẹ, lúc nào cũng muốn bảo vệ con mình bằng được. Tôi muốn tập cho con ăn một mình, nhưng không nỡ để chúng đói. Tôi bận rộn mỗi ngày để mặc quần áo, rửa mặt, gấp chăn, lau miệng cho chúng…
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ làm mọi thứ cho con, làm sao con có thể phát triển những thói quen tốt và đối mặt với thế giới một cách tự lập?
Tại Nhật Bản, có một chương trình >giải trí nổi tiếng đã lên sóng suốt 29 năm tên là “First Go”. Nhân vật chính của chương trình này không phải là những ngôi sao thông thường, mà trẻ em từ 2-7 tuổi.
“First Go” quay lại trải nghiệm lần đầu ra ngoài một mình của nhóm trẻ (có bố mẹ và đội ngũ làm chương trình bí mật đi theo và bảo vệ). Đó là lần đầu tiên các em được đi mua thức ăn cho gia đình một mình.
Dù đây là chương trình thực tế dành cho trẻ em, nhưng nó cũng gây ấn tượng mạnh cho người lớn. “Rất cảm động, đem lại năng lượng tích cực và những đứa trẻ thì dễ thương”, “Đứa trẻ quá dũng cảm”, “Cách giáo dục của các bà mẹ Nhật Bản thực sự rất nghiêm khắc và trẻ em được giáo dục rất tốt”.
Chẳng hạn, cô bé Kairi Ai 3 tuổi được giao nhiệm vụ một mình đi mua thức ăn, lấy bánh và chuẩn bị một món quà cho mẹ nhân Ngày của mẹ. Trước khi đi, cô bé đã khóc và nhìn cha mình. Cha của Ai đã nhét rất nhiều kẹo vào túi em để động viên: “Con phải tiến về phía trước”.
Người cha lặng lẽ nhìn Ai bước đi. Cô bé quay đầu nhìn cha lần cuối, sau đó lấy hết can đảm để rời khỏi nhà. Vừa đi mua đồ Ai vừa khóc, nhưng cô bé đã hạ quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ ngày hôm nay. Em lấy kẹo bố cất trong túi ra ăn và từ từ ngừng khóc.
Cuối cùng, Ai cũng hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng - tới cửa hàng hoa. Em đã mua tặng mẹ một bó hoa cẩm chướng nhiều màu. Khi trở về, cô bé thấy cha mình đang ngồi chờ ở cửa nhà từ xa. Nhìn con tay xách nách mang các các thứ, người cha dù rất đau lòng nhưng vẫn phải ngăn mình không chạy ra giúp đỡ.
Trong chương trình giải trí này, nhiều bậc cha mẹ tại Nhật Bản đã dạy con tự lập từ rất sớm, mỗi ngày từng chút một.
Gia đình cô bé Satoshi 3 tuổi sở hữu một quán ăn nhỏ ở Tokyo. Ngày nào, cha của Satoshi cũng yêu cầu em giúp sắp xếp bát đũa ở quán. Yêu cầu của ông cũng không hề dễ dàng: bát cần được đặt một cách thẳng hàng.
Khi tham gia chương trình “First Go”, cô bé đã khóc vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, Satoshi đã dắt theo em trai 2 tuổi theo trong lần thử thách tiếp theo. Lần này, tinh thần trách nhiệm khiến cô bé trở nên mạnh mẽ hơn. Satoshi thậm chí còn bắt chước mẹ dỗ em trai nín khóc: “Em tuyệt vời lắm!”
Sau khi xem chương trình này, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận: “Nếu có những đứa con ngoan ngoãn và bình tĩnh thế này, tôi sinh bao nhiêu đứa cũng được” hoặc “Nỗi sợ kết hôn và sinh con của tôi đã vơi đi ít nhiều nhờ chương trình”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bà mẹ tỏ ra lo lắng con mình sẽ gặp chuyện không hay khi ra ngoài một mình, chẳng hạn như bị bắt cóc hay tai nạn. “Để đứa con 3 tuổi ra ngoài một mình ư? Có đánh chết tôi cũng không dám!”, một người bày tỏ.
Tất nhiên, chương trình không khuyến khích phụ huynh để con nhỏ đi ra ngoài một mình và phụ huynh cũng không nên làm như vậy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể rèn cho con tự lập từ những việc nhỏ bé hàng ngày.
Trong bộ phim tài liệu “Thời thơ ấu ở nước ngoài” (Childhood Elsewhere), cách giáo dục con cái ở nhiều quốc gia đã được đề cập, trong đó có Nhật Bản. Đứa trẻ Wakamatsu trong phim luôn tự thức dậy và vệ sinh cá nhân trước khi đi học mẫu giáo. Cô bé đứng lên một chiếc ghế nhỏ, tự mình rửa mặt rồi treo khăn. Xong xuôi, em sẽ cất ghế, tự gập quần áo ở nhà và tự mặc đồng phục. Trên đường tới trường, Wakamatsu cũng tự đeo cặp sách và cầm túi đồ ăn.
Mẹ của Wakamatsu cho biết, dù cô bé không thể lúc nào cũng hoàn hảo nhưng cô bé sẽ học được nhiều điều bằng cách tự lập để trở thành người hữu ích nhất trong một ngày.
Cách dạy con này có nguy hiểm cho trẻ không? Tôi nghĩ là không. Vấn đề là hầu hết các phụ huynh đều không đủ tin tưởng con mình, để chúng tự làm các thứ trong khả năng.
Trong cuốn sách “Giáo dục tốt nhất là không cần mắng chửi”, tác giả viết: “Trong cuộc sống, nhiều đứa trẻ rất phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng không có khả năng tự mình xử lý vấn đề. Không phải là chúng không dám làm, mà là vì chúng không tin mình có thể làm tốt. Trẻ em không phải ai sinh ra cũng có tự tin. Chúng không tự tin là do bố mẹ không đủ tin tưởng chúng.
Cha mẹ càng làm hộ, trẻ em càng ít có cơ hội để thử sức mình, dẫn đến năng lực ngày càng yếu kém. Chỉ khi chúng ta tin tưởng con trẻ, chúng mới có thể làm chủ bản thân.”
Cách dạy con của các bà mẹ Nhật Bản có thể tóm tắt bằng một câu: “Nuôi đứa trẻ 18 tháng cũng như lúc 18 tuổi”. Nếu chúng ta tin tưởng một đứa trẻ 18 tuổi thì cũng nên làm vậy với một đứa trẻ 18 tháng tuổi.
Chẳng hạn, khi trẻ em làm việc nhà, phụ huynh nên khuyến khích và tin tưởng con sẽ làm được. Khi trẻ tự mặc quần áo một cách lúng túng, cha mẹ cũng không nên can thiệp mà phải tin rằng chúng có thể làm được.
Có thể bây giờ trẻ chưa thể làm tốt được ngay từ đâu, nhưng sau này chắc chắn chúng sẽ giỏi hơn.
Trong bộ phim truyền hình Mỹ “Young Sheldon”, cậu bé Sheldon đã tự mình bán báo kiếm tiền từ năm 9 tuổi. Cậu bé thức dậy từ 6h sáng để lấy báo từ tòa soạn, sau đó đạp xe giao từ nhà này sang nhà khác, kể cả khi trời mưa bão dữ dội. Mặc dù mẹ của Sheldon rất đau lòng khi nhìn con mình vất vả như vậy, cô vẫn lặng lẽ đi theo cậu bé từng ngày, không can thiệp mà để con mình thử sức với công việc. Nhờ trải nghiệm này mà Sheldon đã hiểu được những khó khăn của cuộc sống.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một hành trình phát triển dần dần. Học cách buông tay cũng là một bước tiến trong quá trình làm cha mẹ. Nhờ đó, con cái sẽ học được cách tự lập và tự mình trưởng thành trong cuộc đời sau này.
Bài chia sẻ của Tiến sĩ Vương Vinh Huy - Chuyên gia giáo dục trẻ em người Trung Quốc.