"Mẹ biết tất cả những hành vi tính cách của con đều là sự sao chụp hoặc học hỏi từ các hành vi đối xử của bố mẹ với con mà ra. Mẹ ân hận vô cùng"...
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
- Á á á...! Mẹ ơi anh Cường đánh con!
- Cường! Sao con cứ gây chuyện với em thế?
- Con có làm gì đâu?
- Con không làm gì sao em lại hét vậy?
- Con chẳng làm gì nó. Mẹ lúc nào cũng bênh nó!
- Anh ấy ném đồ chơi vào đầu con!
...
Đó là "điệp khúc" của rất nhiều buổi tối trong tuần xảy ra tại nhà chị Tươi (Giảng viên đại học, ở Thị xã Chí Linh, Hải Dương) giữa hai con trai lớn tên Cường, 14 tuổi và bé Kiên, 10 tuổi. "Con chẳng làm gì nó. Mẹ lúc nào cũng bênh nó" là câu trả lời trước sau như một của Cường, kể cả có những khi sự việc diễn ra đúng như cậu em nói ngay trước mắt mẹ.
Chị chia sẻ: "Mỗi lần nhìn những hành vi bạo lực mà con đối xử với em mình, tôi lại nhói đau. Đâu rồi cậu bé năm nào hay cười, dễ mến? Đâu rồi cậu bé thật thà nhận lỗi mỗi khi mình làm sai? Ngồi nhớ lại chặng đường 13 năm con đến bên mình tôi càng xót xa...".
Cường chào đời năm 2007 trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả nhà vì là con đầu cháu sớm, lại là cháu đích tôn của ông bà. Cường rất thông minh lanh lợi. 14 tháng đã nói được từ ghép. Biết các con vật kêu như thế nào khi ai đó hỏi. Xa quê nhưng về Tết hỏi ai con cũng nhớ và chỉ đúng người. 18 tháng còn đã đếm được đến 10 và hát được rất nhiều bài hát.
Khi con được 20 tháng, vì điều kiện >sức khỏe của con và đặc thù công việc nên chị Tươi phải gửi con về ở với ông bà. Con rất ngoan và hầu như không bao giờ khóc đòi bố mẹ.
Nhiều sai lầm về >nuôi dạy con bắt đầu nảy sinh từ khi chị Tươi mang bầu con trai thứ 2, đó là lúc Cường được 3 tuổi.
"Khi con hơn 3 tuổi thì >mẹ bầu em trai. Suốt cả thời gian mang bầu em mẹ phải đi học nên ít khi về được với con. Đó cũng là lý do mà 2 anh em con không kết nối tình cảm như với em út, mà mãi sau này khi học về thai giáo mẹ mới biết điều này.
Khi sinh em trai, vì không có kinh nghiệm, sợ con còn bé chưa ý thức được sẽ làm đau em nên mẹ luôn canh chừng và không dám để con chơi lâu với em. Mẹ nhớ mãi ánh mắt cô đơn của con khi chuẩn bị đi học, con chạy vào buồng muốn ngó em nhưng vì em vừa ngủ nên mẹ suỵt con phải khựng lại, rồi lầm lũi cắn vạt áo đi ra. Lúc ấy mẹ đã khóc khi nhìn con quay bước nặng nề.
Rồi khi con vào lớp 1. Nuôi những hình ảnh về một cậu bé thông minh lanh lợi từ bé nên mẹ rất kỳ vọng vào con. Chính vì quá kỳ vọng mà mẹ đã luôn stress khi dạy con, bởi con không tập trung khi ngồi học, hay nói chuyện làm việc riêng trong lớp khiến tuần nào mẹ cũng bị cô giáo mời ở lại nói chuyện hoặc điện thoại phê bình con. Rồi những lời dọa nạt, những trận đòn ngày một tăng cùng số bài tập cô giao về.
Hết một học kỳ mẹ thay đổi, con thay đổi, xưng hô của mẹ với con cũng thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Con từ một cậu bé vui vẻ trở thành một đứa lầm lì. Từ một đứa trẻ hiền lành suốt ngày bị bạn mẫu giáo cấu mà chẳng cả biết mách cô thành một học sinh cá biệt hung hăng với các bạn.
Mẹ đã giật mình nhận ra mình sai khi một lần mắng con và con khóc, nói: "Con chỉ muốn chết thôi" (khi ấy con mới học lớp 1). Tim mẹ tan vỡ. Mẹ ôm con khóc, xin lỗi con và phân tích cho con hiểu điều con nói làm mẹ đau thế nào. Con đã hứa sẽ không bao giờ có suy nghĩ ấy nữa. Và con đã thực hiện đúng lời hứa. Nhưng mẹ hứa là không đánh mắng con nữa thì mẹ đã không thực hiện được vì kỳ vọng vào con vẫn còn. Khi ấy mẹ lại theo quan điểm đáng sợ "yêu cho roi cho vọt" truyền tai bao đời.
Cho đến khi con học lớp 3 mẹ đã bỏ được sự kỳ vọng về thành tích học tập của con thì lại phát sinh vấn đề mới: NÓI DỐI. Đó là điều mẹ rất khó chấp nhận, và rồi theo bản năng nóng nảy, mẹ lại chất vấn, đánh mắng con mỗi lần con nói dối. Kết quả: Con còn nói dối nhiều hơn.
Mãi đến khi con học lớp 6 mẹ nghĩ việc đánh mắng con lúc này không còn phù hợp vì con bắt đầu vào độ tuổi nhạy cảm. Nhưng khi mẹ hiểu ra điều đó thì tính cách con đã hình thành quá rõ và nó đã bám rễ vào trong não bộ của con.
Mẹ hoang mang thực sự. Mẹ đã tham gia các khóa học của chuyên gia về cách dạy con tuổi teen, mỗi ví dụ, mỗi tình huống và sự phân tích của chuyên gia làm cho mẹ thấy ân hận vô cùng.
Mẹ đã ngồi cùng con để bắt tay thay đổi. Con và mẹ đã hứa với nhau cùng thay đổi. Nhưng lần này mẹ đã thực hiện lời hứa còn con thì ngược lại. Mẹ biết tất cả những hành vi tính cách của con đều là sự sao chụp hoặc học hỏi từ các hành vi đối xử của bố mẹ với con mà ra. Mẹ ân hận vô cùng. Và mẹ hiểu để thay đổi nó không đơn giản. Con đã mất 5 năm để hình thành tính cách ấy thì giờ đây mẹ muốn con "đập đi xây lại" mẹ sẽ phải mất nhiều hơn thế thời gian ấy. Nhưng mẹ tin, chỉ cần kiên trì sửa sai mẹ con mình sẽ làm được".
Dạy con kỳ công hơn kỳ vọng
Chị Tươi cho biết, chị viết ra những dòng tâm sự này vì hy vọng có bố mẹ nào đó đang hành xử giống mình của 3-7 năm về trước sẽ đọc được để kịp cảnh tỉnh mà tránh khỏi đi vào vết xe đổ ấy. Chị cho rằng, mỗi phụ huynh hãy sáng suốt học nghề làm cha mẹ chứ đừng nuôi con theo bản năng rồi ôm sự dày vò ân hận như mình.
Ngôi nhà kiên cố phải được đầu tư xứng đáng từ nền móng. Con người muốn phát triển tốt trong tương lai phải được đầu tư ngay từ những năm đầu đời. "Mình đã rút kinh nghiệm từ việc dạy con theo bản năng sang dạy con theo khoa học từ lúc con còn trong bụng với bé gái thứ ba và cũng đã nhìn thấy sự khác biệt.
Quan điểm dạy con của mình bây giờ là: Dạy con kỳ công hơn kỳ vọng. Mình ủng hộ quan điểm Giáo dục sớm - Dạy con từ trong trứng. Trước khi làm ba mẹ các cặp vợ chồng cần có kiến thức về giáo dục sớm để xây nền móng vững chắc cho tương lai của con cái sau này".
Chị chia sẻ: "Việc đầu tiên mình làm là phải thay đổi tư duy, học cách kiểm soát cảm xúc trong nuôi dạy con, đặt mình vào địa vị con để thấu hiểu con và lắng nghe quan điểm của con. Tâm sự với con, cả hai cùng nói ra cái đúng và cái sai của mình, bắt tay cùng con xây dựng lại mối quan hệ vui vẻ. cam kết của mẹ: không đòn roi, mắng mỏ, cùng vạch ra kế hoạch giúp con khắc phục những điều chưa được.
Giờ con lớn nên ngang bướng hơn, cái tôi mạnh mẽ hơn nên cũng còn gian nan lắm. Nhưng con bớt nói dối, tự giác hơn trong học tập và đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, anh em hòa thuận hơn. Mỗi khi con có sự thay đổi tốt lên mình đều phải ghi nhận kịp thời thì con rất phấn khởi và cố gắng".
Trên thực tế, bố mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cập nhật thường xuyên kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con… Sẽ có những vấp váp, những sai lầm... ảnh hưởng đến con cái khiến chúng ta hối hận nhiều năm sau.
Vậy nên, muốn dạy con tốt thì trước hết, cha mẹ cần thay đổi chính mình cả về cách tư duy và cư xử. "Đôi khi hành động tiêu cực của trẻ là kết quả phản ứng lại cách xử sự của cha mẹ chứ không phải con mình bản chất không ngoan", chị Tươi nói. Làm cha mẹ vì thế là công việc và bài học trọn đời.