Bé ngủ nhiều hơn mức bình thường đối với một đứa trẻ sơ sinh, dẫu vậy 2 vợ chồng vẫn lạc quan cho rằng con mình dễ nuôi.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam dẫn nguồn từ Daily Mail, Charlotte Lake (23 tuổi) và chồng sắp cưới Nathanael Guide sống tại Scotland hạnh phúc chào đón bé Ava-Rose chào đời vào ngày 25/6/2023. Bé Ava ngủ nhiều hơn mức bình thường đối với một đứa trẻ sơ sinh, dẫu vậy 2 vợ chồng vẫn lạc quan cho rằng con mình dễ nuôi. Tuy nhiên, có một dấu hiệu khiến họ lo lắng là bé không tăng cân.
Sau khi chia sẻ nỗi lo lắng này với một y tá, bé Ava nhanh chóng được cha mẹ đưa tới bệnh viện kiểm tra và phát hiện có một lỗ thủng ở tim. Cô bé được sắp xếp phẫu thuật khi mới 3 tháng tuổi, may mắn là mọi thứ đã suôn sẻ. Hiện tại, cô bé khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Sau sự việc này, hai vợ chồng muốn chia sẻ câu chuyện về con gái mình, hy vọng có thể nâng cao nhận thức về dị tật tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tới mọi người.
Charlotte chia sẻ: "Tôi từng nói với mọi người là con gái có gì đó không ổn, trông giống như con bé bị cảm lạnh vậy. Bác sĩ vẫn cho rằng điều đó là bình thường và mọi thứ sẽ ổn thôi. Theo thời gian, tình trạng của con bé ngày càng tệ hơn".
Vào ngày 4/7, chỉ sau 9 ngày kể từ lúc chào đời, người mẹ nói với y tá rằng hơi thở của con gái mình rất kỳ lạ. Các xét nghiệm cho thấy nhịp thở và nhịp tim của cô bé cao gấp đôi bình thường, nghĩa là nó đang ở mức cao nguy hiểm.
Trong vòng 5 phút, y tá đã gọi cho bác sĩ nhi khoa ở Dumfries và xe cấp cứu đã đến.
Lúc đầu, các triệu chứng của bé Ava khiến các bác sĩ bối rối. Họ nghĩ rằng cô bé có thể bị nhiễm trùng phổi hoặc viêm phổi. Sau nhiều lần kiểm tra, bác sĩ xác định Ava bị dị tật tim, nhanh chóng đưa cô bé đến Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Glasgow.
Các xét nghiệm được thực hiện vào ngày 6/7 cho thấy Ava có một lỗ thủng trong tim - một dị tật tim đe dọa tính mạng, có thể gây thở nhanh và khó thở ở trẻ sơ sinh. Động mạch chủ truyền máu từ tim tới hệ tuần hoàn ở sai vị trí, điều đó khiến cho tim của cô bé phải vật lộn để bơm máu đi khắp cơ thể. Đó là lý do khiến cô bé khó thở.
Trong giai đoạn sinh học đầu đời, trẻ ngủ nhiều là rất tốt. Những ngày đầu mới sinh, trẻ có thể ngủ 20 giờ mỗi ngày và thời gian này sẽ dần được rút ngắn những tháng tuổi tiếp theo. Giấc ngủ trong giai đoạn này có vai trò trong sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì vậy, bố mẹ không nên quá lo lắng vì đây là điều hết sức bình thường, không ảnh hưởng tới >sức khỏe của trẻ.
Trẻ cũng có thể ngủ nhiều vào ban ngày và ban đêm thức dậy để bú. Độ dài của mỗi giấc ngủ khoảng 2 - 3 giờ và tùy theo cơ thể của mỗi trẻ mà thời gian, thời điểm ngủ sẽ khác nhau.
Một chu kỳ ngủ của bé gồm giai đoạn ngủ sâu 10 - 15 phút và giai đoạn ngủ động 10 - 15 phút. Hai giai đoạn này xen kẽ nhau kéo dài khoảng 2 - 3 giờ. Trẻ thường bị giật mình tỉnh giấc vào giai đoạn ngủ động nếu có tiếng động mạnh hoặc đang vặn người.
Một số lưu ý cho bố mẹ như sau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi: Tổng thời gian ngủ mỗi ngày khoảng 16 - 20 giờ.
- Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi: Trẻ dần quen với giấc ngủ vào ban đêm nên thời gian ngủ sẽ rút ngắn lại khoảng 14 giờ mỗi ngày.
- Trẻ 6 tháng đến 1 tuổi: Trẻ chỉ ngủ khoảng 12 - 15 tiếng mỗi ngày.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều là tốt. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đây lại là dấu hiệu bất thường của một số lý do sau:
- Trẻ bị viêm đường hô hấp trên: Nếu theo dõi trẻ thấy trẻ bị ho, hắt hơi, chảy nước mũi kèm sốt cao tức là trẻ đã bị cảm lạnh. Lúc này cơ thể mệt mỏi khiến trẻ ngủ nhiều
- Trẻ tiêu chảy, mất nước: Tiêu chảy, mất nước khi trẻ chán ăn, bỏ bú và ngủ nhiều hơn trước.
- Trẻ ngủ không đủ giấc: Nếu trước đó trẻ không được ngủ đủ giấc do môi trường xung quanh trẻ ồn ào, nhiệt độ khiến trẻ không thoải mái thì trẻ có xu hướng ngủ nhiều hơn khi môi trường yên tĩnh.
- Những trẻ sinh non cũng ngủ nhiều hơn trẻ khác.
- Trẻ bị vàng da.
- Rối loạn nhịp thở, nhịp tim.
Nguồn: Bệnh viện đa khoa MEDLATEC