Tôi đã từng "chiến đấu" với bố mẹ của mình. Có lẽ trong mắt họ tôi là một đứa con hư hỏng, thất bại vì tôi đã cãi lời và không trở thành người mà bố mẹ mong muốn.
Một ông bố 30 tuổi nhưng trong mắt bố mẹ vẫn không bao giờ trưởng thành. Tuy được sinh ra trong một gia đình khá sung túc, có bố mẹ thành đạt và rất yêu thương con nhưng anh lại cô độc trong căn nhà của mình.
Hiện tại, vợ anh sinh một cô con gái rất dễ thương nhưng lại khiến anh sợ rằng sẽ hủy hoại cuộc sống của con gái. Dưới đây là dòng tâm sự của ông bố 30 tuổi:
Vợ tôi sinh cho tôi một đứa con gái rất dễ thương, nhưng sự kiện hạnh phúc này lại gần như khiến tôi sợ hãi. Tôi sợ rằng mình sẽ phá hủy cuộc sống của con gái vì cách >nuôi dạy con sai lầm. Bởi làm cha mẹ tốt chưa chắc đã nuôi dạy con tốt.
Tôi bỗng nhớ về bố mẹ – hai người cha mẹ tốt. Họ làm việc chăm chỉ để tôi có thức ăn, quần áo và cuộc sống no đủ. Nhưng bù lại, bố mẹ luôn yêu cầu tôi phải đáp ứng những gì mà họ đưa ra, đồng thời bố mẹ vô cùng nghiêm khắc với tôi.
Tôi đã từng "chiến đấu" với bố mẹ của mình. Có lẽ trong mắt họ tôi là một đứa con hư hỏng, thất bại vì tôi đã cãi lời và không trở thành người mà bố mẹ mong muốn.
Trên thực tế, có hàng triệu đứa trẻ ngỗ ngược, hỗn xược, cãi lời cha mẹ và trở thành một đứa con tệ hại trong mắt bố mẹ giống như tôi. Nhưng tôi biết rằng lỗi không hoàn toàn nằm ở đứa trẻ. Chỉ là do bố mẹ đã mắc một số sai lầm trong quá trình nuôi dạy con. Để tôi kể bạn nghe:
1. Kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của con
Bố mẹ tôi đã cố gắng kiểm soát toàn bộ cuộc sống của tôi vì họ cho rằng nếu không làm thế thì làm sao họ có thể bảo vệ được con trước thế giới đầy rẫy cạm bẫy ngoài kia. Bố mẹ đặt ra các quy tắc và ranh giới nghiêm ngặt: Tôi không được ở nhà bạn bè quá lâu, phải đi ngủ sớm và mỗi ngày phải dành ít nhất 3 giờ đồng hồ để làm bài tập.
Bố mẹ tôi lựa chọn cho tôi từ quần áo, thức ăn, sách vở, cho đến >âm nhạc. Trước 18 tuổi, tôi không biết mình thích loại nhạc nào hay ban nhạc yêu thích của mình là ai. Tôi cũng không được xem bất kỳ bộ phim hoạt hình nào khi tôi còn là một đứa trẻ. Vì bố mẹ là người quyết định tôi nên xem và nghe gì.
Cho đến khi sự thất bại trong kỳ thi đại học như một cái tát giáng xuống khiến tôi thức tỉnh. Tôi mới suy nghĩ liệu mình đã chọn đúng chuyên ngành yêu thích hay chưa. Lúc đó, tôi mới ngộ ra rằng, hóa ra tôi đã không chuẩn bị gì cho cuộc sống riêng của mình. Sự giúp đỡ của bố mẹ vô cùng quan trọng đối với một đứa trẻ, nhưng nếu bố mẹ can thiệp quá nhiều lại chẳng khác nào gây hại cho con.
2. Quá kỳ vọng ở con
Tôi muốn nói rằng bố mẹ tôi là những cha mẹ tốt. Họ yêu thương và quan tâm tôi cũng như cho tôi nhiều kỷ niệm hạnh phúc. Chỉ có điều bố mẹ muốn "nhào nặn" tôi trở thành người mà họ đã vẽ ra trong đầu. Tuy nhiên, những gì tôi mong muốn lại khác hoàn toàn với bố mẹ.
3. Không bao giờ khen con
Bố mẹ chưa bao giờ khen tôi dù chỉ một lần trong đời. Những cụm từ: "Con làm tốt lắm!", "Tuyệt lắm con trai!" hay "Cố lên con!" hình như chưa bao giờ tồn tại trong đầu của họ. Bố mẹ chỉ toàn nói theo kiểu "vừa đấm vừa xoa": "Con làm tốt rồi nhưng con đã làm sai ở chỗ đó. Sẽ tốt hơn nếu con làm như thế này…".
Bố mẹ tôi tin rằng lời khen sẽ không có tác dụng nếu nó không đi kèm sự góp ý. Họ luôn kỳ vọng tôi sẽ làm tốt hơn, tốt hơn nữa. Họ háo hức chỉ ra những sai lầm của tôi và cho tôi một số lời khuyên về cách sửa chữa chúng. Có những lúc tôi chán nản đến mức không nghe và làm theo bất cứ điều gì bố mẹ bảo. Tại sao tôi phải làm chúng trong khi tôi không hề nhận được một lời khen hay phần thưởng nào?
4. Ra điều kiện với con
"Bố mẹ sẽ không mua đồ chơi cho con nếu con không dọn phòng", hay "Con sẽ không được đi xem phim nếu học kỳ này không được học sinh giỏi"… là những câu ra điều kiện rất quen thuộc của các ông bố bà mẹ. Vì họ thường nghĩ rằng khi con không đáp ứng được yêu cầu của mình nghĩa là con thiếu động lực để cố gắng, nên họ đặt phần thưởng như một miếng mồi "câu" con.
Bố mẹ tôi bị ám ảnh về điểm số của tôi. Nếu tôi bị điểm kém, tôi sẽ không được nhận bất kỳ món quà sinh nhật nào. Để phản đối chuyện này, tôi đã từng cãi nhau rất to với bố mẹ, và cho dù họ giận dữ hay thất vọng như thế nào thì tôi cũng mặc kệ.
5. Đánh con
Tôi cũng đã từng bị bố mẹ đánh. Lúc bấy giờ tôi rất giận bố mẹ và tôi đã ngừng nói với họ bất cứ điều gì kể từ khi tôi lên trung học. Tôi không biết tại thời điểm đó bố mẹ có hiểu đánh con sẽ gây tổn thương cả tinh thần và thể xác của con hay không, nhưng sau này tôi biết một điều, đánh con là lúc bố mẹ đã rơi vào thế yếu.
6. Biến việc nhà thành công việc kiếm tiền
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng thay vì cho con tiền tiêu vặt thì sao lại không trả tiền khi con làm việc nhà. Điều này sẽ được 1 công đôi việc, con vừa biết làm việc nhà vừa có tiền tiêu vặt.
Hồi xưa, bố cũng cho tôi 1 ngàn đồng mỗi khi đi vứt rác, dọn phòng cũng được trả 1 ngàn đồng. Nhưng đến một lần, ông nói với tôi rằng tôi đã lớn rồi nên bố sẽ ngừng trả tiền khi tôi làm việc nhà. Vậy là tôi nổi cơn thịnh nộ. Đó là một cú sốc vì tôi không hiểu tôi đã làm sai điều gì mà lại bị trừng phạt như thế. Còn nếu tôi không sai thì sao bố lại không trả tiền cho tôi nữa.
7. Trong nhà chỉ có một ý kiến đúng và đó luôn là ý kiến của bố mẹ.
Ngay cả bây giờ khi tôi đã 30 tuổi, đã lấy vợ rồi mà bố mẹ tôi vẫn luôn cố gắng can thiệp vào cuộc sống của tôi bằng cách góp ý kiến. Tôi đã phải đấu tranh về vấn đề này rất là nhiều lần. Ngay cả việc kết hôn, tôi cũng phải tranh cãi rất dữ dội. Mỗi cuộc họp gia đình của chúng tôi luôn kết thúc trong sự thất vọng và phẫn nộ. Và điều đáng buồn nhất là bố mẹ không bao giờ lắng nghe tôi nói.
Thế đấy các bố mẹ ạ, có những điều bạn tưởng rằng làm như vậy là tốt cho con, là con sẽ nên người, thì ngược lại trong suy nghĩ của trẻ những hành động này lại mang một ý nghĩa khác. Đó không phải là sự yêu thương, sự động viên, khích lệ mà nó mang một màu sắc u ám, ảm đạm của những bức xúc, căng thẳng bị dồn nén lâu ngày.
Suy cho cùng, bố mẹ nào cũng yêu con, và đứa trẻ nào cũng yêu bố mẹ. Nhưng hành trình nuôi dạy con là một hành trình dài. Và trên con đường gồ ghề đó, cả bố mẹ và con cần phải luôn nắm tay nhau đi từng bước thật chậm để hiểu nhau, để dành thời gian cho nhau, để yêu thương nhau bằng sự thấu hiểu. Con có bay cao và bay xa được hay không không nằm ở sự kỳ vọng của bố mẹ, mà nằm ở cách bố mẹ đồng hành cùng con.