Từ những hình ảnh camera chúng ta mới nhận ra rằng cuộc sống của bố mẹ tràn ngập những khoảng trống, là nơi hoang vu cằn cỗi, không có cây trồng và không có hy vọng thu hoạch được.
Trên mạng xã hội từng có một cuộc thảo luận: “Bạn đã bao giờ nghĩ về cuộc sống của bố mẹ mình khi bạn rời nhà chưa?"
Rất nhiều người đã bày tỏ cảm xúc trong cuộc thảo luận này.
Một người chia sẻ: “Mỗi lần chúng tôi về nhà, bố mẹ luôn chuẩn bị một bàn ăn lớn với rất nhiều trái cây, đồ ăn nhẹ. Cả nhà cùng nhau quây quần, nói chuyện bên mâm cơm. Nhưng những ngày chúng tôi không có nhà, không khí trong nhà chỉ có im lặng. Bố mẹ ít nói, cuộc sống của họ kém màu sắc hơn rất nhiều so với khi có chúng tôi”.
Một người khác cho hay: “Khi chị em chúng tôi không có ở nhà, bố mẹ có thể ăn một món ăn trong nhiều ngày; họ để ý thời tiết nơi chúng tôi làm việc và sinh sống; họ dọn dẹp phòng của chúng tôi nhiều lần; họ luôn mang theo điện thoại di động phòng trường hợp chúng tôi gọi. Để có thể nhìn thấy các con từ xa, bố mẹ sẵn sàng ngồi đợi hàng giờ trước máy tính”.
Ảnh minh họa.
Có quá nhiều bí mật ẩn giấu trong bố mẹ mà chúng ta không thể nhìn thấy.
Đấng sinh thành, đối với người trẻ mà nói, có lẽ giống như một ngôi nhà cũ. Bạn sống trong đó, nó che chở cho bạn khỏi gió mưa, cho bạn sự ấm áp và an toàn. Nhưng một khi đã rời xa, dù bạn có nhớ, có yêu thương cũng hiếm khi chú ý đến nó hoặc hiểu nó.
Chắc hẳn khi còn nhỏ, tất cả chúng ta đều hứa sẽ hiếu kính cha mẹ. Nào là khi con lớn lên, con sẽ mua cho mẹ một căn nhà thật lớn, con sẽ đưa mẹ đi du lịch, cho mẹ tiền tiêu xài,…
Nhưng khi lớn lên, chúng ta dần nhận ra rằng ngay cả việc gặp bố mẹ thường xuyên cũng đã trở thành một điều xa xỉ.
Một nhà văn lớn từng kể câu chuyện về gia đình mình. 3 anh em cô làm ăn ở thành phố lớn, để chăm sóc bố mẹ ở quê nhà, họ đã thuê người giúp việc. Nhưng có một thời gian, mẹ cô luôn phàn nàn người giúp việc hay trộm cắp vặt. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, 3 người con nhận ra rằng người giúp việc chưa bao giờ làm việc đó. Nhưng để xoa dịu mẹ, họ đã lắp camera tại nhà. Nhờ đó, từng chút cuộc sống ở nhà của người mẹ đều hiện rõ trong mắt các con.
Cuối cùng họ cũng biết được nguyên nhân dẫn đến hành vi “vô lý” của mẹ.
Khi không lắp thiết bị giám sát, họ chỉ liên lạc qua điện thoại, bố mẹ luôn trò chuyện với con về những điều thú vị xung quanh, khiến mọi người cảm thấy cuộc sống của mình thật phong phú và nhiều màu sắc.
Sau khi lắp camera, họ nhận ra rằng cuộc sống của bố mẹ tràn ngập những khoảng trống. Những khoảng trống này là nơi hoang vu cằn cỗi, không có cây trồng và không có hy vọng thu hoạch được.
Họ xem những chương trình TV mà họ không hứng thú hàng ngày, có khi suốt đêm không nói một lời. Đặc biệt trong mùa đông lạnh giá, bố mẹ thậm chí còn ngồi trên ghế sofa cả ngày, với một tư thế cố định, xem mãi một kênh truyền hình cho đến khi ngủ quên đi.
Lúc này cô nhà văn mới chợt nhận ra người mẹ nói dối về việc giúp việc ăn trộm để thu hút sự chú ý của các con.
"Chúng tôi ở nơi đất khách xa lạ, nhìn từ xa vùng đất hoang tàn rộng lớn này, lặng lẽ nuốt chửng cha mẹ già của mình ngày này qua ngày khác” – Cô tâm sự.
Ảnh minh họa.
Nhưng dù nỗi cô đơn luôn thường trực nhưng điều những người làm cha làm mẹ mong muốn là không gây rắc rối cho con cái, họ sẽ cố gắng giảm bớt gánh nặng cho con nhiều nhất có thể. Và tất cả những điều này, khi còn nhỏ, chúng ta không thể thực sự hiểu được trước khi trở thành bố mẹ.
Anh Quang Anh, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự rằng cuối năm vừa rồi, anh về quê lắp camera quan sát bố mẹ ở nhà. Anh kể rằng khi còn nhỏ anh rất ghét tiếng ngáy của bố, nhưng hôm qua anh đã cố tình tăng âm lượng camera khi bố đang ngủ, nghe thấy tiếng ngáy như sấm của bố từ xa hàng ngàn dặm khiến anh cảm thấy yên tâm.
Bố mẹ luôn nghĩ rằng không phải con cái không hiếu thảo, chẳng qua chúng quá bận rộn, mình không giúp được, không thể gây thêm phiền toái cho bọn chúng.
Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng bố mẹ không bắt chúng ta phải hiếu thảo vì lòng bao dung và yêu thương của họ, tuy nhiên, chúng ta không thể buông thả mà phớt lờ bố mẹ. Bởi vì cuộc đời là một vòng tuần hoàn, chúng ta là con của bố mẹ và cuối cùng chúng ta cũng sẽ là bố mẹ của con cái mình.