Mẹ hỏi thấy gì trên bầu trời, cậu bé 28 tháng đáp: 'Con nhìn thấy ông trăng đang đắp chăn nằm ngủ. Chăn là đám mây đó mẹ'.
Vợ chồng anh Vỹ Long (kỹ sư) đã quyết định một người đi làm, một người ở nhà >nuôi dạy con, với mong muốn dành cho con những điều tốt nhất trong 3 năm đầu đời. Không dạy con học chữ sớm là một phần trong cách dạy con của anh chị.
Tôi xin phép giơ trước mặt bạn tấm thẻ có 2 chữ "Cùn củn".
Có lẽ bạn bối rối không hiểu "cùn củn" là gì. Đây là một sinh vật có 3 chân được phát hiện gần đây, nó ăn cây xương rồng để sống, đẻ trứng ở dưới nước và khi ngủ thì nó lơ lửng trong không khí.
Bạn đã hình dung ra con "cùn củn" chưa? Tôi cá là mỗi người trong chúng ta sẽ có những hình dung rất khác nhau về con "cùn củn". Đơn giản vì chúng ta chưa hề nhìn thấy nó.
Vậy, bạn nghĩ hình ảnh nào sẽ xuất hiện trong tâm trí trẻ khi nhìn thấy tấm thẻ có 2 chữ "con chó" mà trẻ chưa từng nhìn thấy con chó.
Tệ hơn nữa là ý tưởng dạy cho con biết các chữ cái riêng lẻ a, b, c. Bạn nhảy cẫng sung sướng lên khi con nhặt được đúng chiếc thẻ có chữ "a" theo yêu cầu. Rồi một ngày đẹp trời, trẻ ngây thơ hỏi bạn: "Mẹ ơi, vì sao đây lại là chữ 'a' thì bạn lại bối rối bỏ qua câu hỏi này và tiếp tục hướng dẫn trẻ học chữ 'b', chữ 'c'.
Có lẽ bạn đã bắt đầu nhận thấy chữ viết chỉ là một công cụ biểu đạt tư duy của con người, và việc học cách tư duy, cảm nhận thế giới và khả năng đặt những câu hỏi thiên tài mới chính là chìa khóa của cánh cửa thông tuệ.
Joe Vitale, trong tác phẩm "Thôi miên bằng ngôn từ", cho biết ông và các cộng sự của mình thường tư duy bằng hình ảnh, sau đó chuyển các ý tưởng đó thành câu chữ. Theo ông, đó là cách tư duy đầy sáng tạo mà những nhà viết quảng cáo hàng đầu thế giới đang áp dụng rất thành công.
Bản thân tôi cũng có trải nghiệm tương tự, khi hướng dẫn Soda tư duy bằng hình ảnh. Bạn hãy cùng tôi tham gia một buổi học tưởng tượng của trẻ học chữ, và một buổi học mà mình đã hướng dẫn con. Trong cả 2 buổi học, chúng ta đều cố gắng dạy trẻ về "đám mây".
Buổi học của trẻ biết chữ:
- Mẹ: Chỉ cho mẹ chữ "đám mây" nào.
- Con: Đây là chữ "đám mây" mẹ ạ!
Buổi học của Soda chưa biết chữ:
- Mẹ: Con nhìn thấy gì trên bầu trời?
Soda: Con thấy đám mây lớn đang nắm tay đám mây nhỏ, đi dạo trên bầu trời mẹ ạ. À, con nhìn thấy ông trăng đang đắp chăn nằm ngủ. Chăn của ông trăng là đám mây đó mẹ ạ.
Bạn cảm thấy buổi học nào thú vị hơn? Và trẻ nào cảm nhận rõ nét hơn về cái thực thể được gọi là "đám mây"? Bạn có nhận ra rằng, con chữ vô hồn đã nhẫn tâm tàn phá lối vào khu vườn tưởng tượng hết sức đẹp đẽ của trẻ.
Thay vì dạy con cách nhận biết các chữ cái, gia đình tôi dành toàn bộ tâm trí và sức lực để giúp Soda cảm nhận thế giới chung quanh thông qua các giác quan của mình. Bé được đi chân đất, sờ vỏ cây, nghịch nước, ngửi mùi các loại rau thơm mẹ nấu, thường xuyên được kết nối cảm xúc với bố mẹ và mọi người chung quanh.
Còn nhớ lúc bé được 28 tháng 5 ngày tuổi, khi cả nhà đang ngồi thư giãn sau bữa cơm tối, tôi thư thả dạo bài Romance bằng cây đàn guitar thì Soda nói: "Ba đánh đàn nhanh lên. Con buồn".
Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi lại: "Vì sao con buồn?". Và tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi Soda nói: "Ba đánh đàn chậm, con buồn. Ba đánh đàn nhanh, con mới vui".
Tôi lặng người, nhưng trong lòng cuồn cuộn những cảm xúc mãnh liệt. Ôi, phải chăng đó chính là những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh trí tuệ. Trí tuệ cảm xúc, chiếc chìa khóa của cuộc sống an yên và thành công viên mãn, đã tượng hình trong cậu bé mới vừa bước qua tuổi thứ hai. Ắt hẳn bạn đồng ý với tôi một điều rằng, nét mực vô hồn trên những tấm thẻ không thể dạy cho bé biết "buồn" khi nghe một giai điệu chậm.
Còn vô số các câu chuyện thú vị về cậu con trai của chúng tôi, mà tôi nghĩ lý do chính là bé... không biết chữ. Dĩ nhiên, bé vẫn sẽ học chữ. Có điều, bé chỉ học khi nào thực sự sẵn sàng.