Đây là những việc phụ huynh nên làm giúp con có thể đạt kết quả học tập cao hơn.
Tạo áp lực, quát mắng, so bì chưa bao giờ là phương pháp khoa học trong việc nuôi dạy trẻ. Điều này chẳng những không mang lại lợi ích cho trẻ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển. Trẻ sẽ trở nên nên tự ti, mặc cảm và điểm số thậm chí còn bị tụt lùi.
Vì vậy, cha mẹ không nên tạo áp lực. Thay vào đó, hãy áp dụng những cách sau để trẻ cảm thấy luôn có cha mẹ đồng hành. Nhờ đó, trẻ sẽ tăng cơ hội đạt điểm cao.
Khi trẻ bị điểm kém có rất nhiều nguyên nhân xuất phát như: mệt, ốm lúc làm bài; học bài chưa kỹ; mải chơi; chán học,... Phụ huynh nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và hỏi con bằng thái độ thông cảm, thể hiện thiện chí muốn giúp con sửa sai. Chứ cha mẹ không nên vội vàng "phủ đầu" trẻ bằng hàng loạt lời phán xét, kết tội. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Chỉ khi tìm ra nguyên nhân, cha mẹ mới có thể giúp trẻ cải thiện điểm số bằng nhiều cách như: Đi học thêm, nhờ thầy cô và bạn bè giảng lại,… Trước việc con bị điểm kém, cha mẹ cũng cần giữ thái độ bình tĩnh, tránh nóng giận. Hãy nhẹ nhàng động viên, khích lệ để trẻ có động lực học tập tốt hơn.
Một số đứa trẻ sau khi bị điểm kém nảy sinh tâm lý xấu hổ, mặc cảm. Trẻ mắc lỗi sai nhưng không dám hỏi bạn bè, thầy cô về cách làm đúng hay nguyên nhân sai. Việc không hỏi lại khiến phần kiến thức đó mãi bị hổng, không có cách lấp đầy. Dần dần, trẻ bị rỗng kiến thức, càng học lên cao càng cảm thấy khó hiểu.
Vì thế, cha mẹ nên động viên trẻ cần mạnh dạn hỏi bạn bè trong lớp, anh chị khóa trên cùng thầy cô. Chẳng hạn với phép tính không biết làm, hãy đi hỏi bạn ngay; với bài luận chưa có ý tưởng, hãy trò chuyện với người khác để nâng cao sự sáng tạo. Trẻ cần cố gắng, nỗ lực và dũng cảm mới thoát ra được tâm lý tự ti, ngượng ngùng khi bị điểm kém.
Các bậc phụ huynh cần giúp trẻ lập ra kế hoạch chi tiết theo ngày, tháng, năm và sắp xếp thời gian hoàn thành hợp lý. Chẳng hạn, đối với bài tập về nhà, trẻ cần hoàn thiện trước 11 giờ tối mỗi ngày, không được để sang hôm sau. Điều quan trọng là trẻ luôn cần có kế hoạch tự học hiệu quả, không phụ thuộc vào việc học thêm.
Khi trẻ đang học bài, cha mẹ nên giúp trẻ cất điện thoại, iPad, truyện tranh,… để tập trung tối đa. Ngoài ra, hãy hướng dẫn trẻ lập thời gian biểu và dán lên tường. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần ghi lại một số mục tiêu kèm những lời khích lệ bản thân. Chẳng hạn đó là mục tiêu chinh phục điểm số, thứ hạng hoặc môn học nào đó cần vượt chỉ tiêu.
Ghi chép lại kiến thức là một cách học hiệu quả. Cha mẹ nên khuyên trẻ chuẩn bị một cuốn sổ tay ghi chép lại kiến thức trọng tâm hay những phần kiến thức thường bị quên, bị làm sai. Trẻ cần kiên trì ghi chép mỗi ngày và dành thời gian đọc lại để tích lũy vốn hiểu biết. Việc đọc lại nhiều lần kiến thức trọng tâm trong cuốn sổ sẽ hữu ích hơn rất nhiều việc lướt qua một bài phân tích dài dằng dặc.
Đặc biệt, để làm dày thêm cuốn sổ, cha mẹ hãy động viên con đi hỏi thêm những bạn có thành tích xuất sắc trong lớp rồi ghi chép lại. Điều này rất có lợi trong quá trình làm bài kiểm tra. Trong quá trình ghi chép, trẻ cũng cần học cách chọn lọc ý, trình bày khoa học để dễ học hơn.
Nhiều cha mẹ thường có thói quen so sánh con mình với những người khác, nhất là khi con chuẩn bị bước vào kỳ thi cam go. Họ có thể dùng nhiều câu nói để "đánh động": "Con nhà cô A cũng đỗ trường đó đấy", "Con phải đạt điểm cao, trúng tuyển như chị B nhé", "Con không được để điểm số thấp hơn bạn C",…
Cha mẹ cho rằng bằng sự so sánh, trẻ sẽ càng quyết tâm học tập để đạt được ước nguyện.
Tuy nhiên, cách làm này có thể phản tác dụng. Việc cha mẹ so sánh con với người khác không giúp trẻ tiến bộ mà chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực, rầu rĩ. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ hình thành khái niệm không đúng về các cuộc thi và có thể cạnh tranh không công bằng để bằng mọi giá đạt thứ hạng cao.