"Không ít trẻ em đã chịu bạo hành từ người lớn và chịu tổn thương nghiêm trọng về thể xác, lẫn tinh thần, trong đó có đôi mắt. Việc rung lắc, tung trẻ lên cao có thể khiến trẻ chấn thương nghiêm trọng, giảm thị lực, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Tại buổi hội thảo “Bạo hành trẻ em - Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị tổn thương Mắt” do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 1.2, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Cơ thể non nớt, các tổ chức của mắt, não là các mô mềm chưa ổn định, còn khá lỏng lẻo.
Khi các em bị đánh, tát, rung lắc các tổ chức mô mắt, não rất dễ bị tổn thương. Nặng thì ảnh hưởng đến thần kinh, nguy hiểm đến tính mạng. Nhẹ cũng làm tổn thương dây thần kinh thị giác, rách giác mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực.
Bác sĩ Nguyên nhắc đến nhiều vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận trong thời gian gần đây như vụ trẻ bị cô giáo tát, đánh vào đầu, mặt bằng nhiều vật dụng nguy hiểm tại trường mầm non Mầm Xanh (Tp Hồ Chí Minh), hay vụ bà giúp việc tung, rung lắc trẻ sơ sinh tại Hà Nam... "Những hành động này đều có nguy cơ gây tổn thương não, mắt của trẻ" - bác sĩ Nguyên nói.
Tuy nhiên, các >tổn thương mắt thường kín đáo, trẻ em sẽ không biết kêu mắt mình mờ, kém. Thường chỉ khi con lớn, xem phim, đi học nhìn quá gần hoặc đọc chữ không đúng, cha mẹ mới phát hiện. Khi đó, việc điều trị, phục hồi thị lực cho trẻ rất khó.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ Nhãn nhi- Đại học Nhãn khoa New England (Hoa Kỳ) đưa ra một con số giật mình: Một nghiên cứu y tế cho thấy trong số các vụ bạo hành trẻ em có đến 40% trẻ bị tổn thương ở mắt, trong đó 20% trẻ bị tổn thương trực tiếp vào mắt, có đến 5-10% trẻ được đưa đến khám chuyên khoa mắt ngay sau khi bị bạo hành.
GS B.Moore đặc biệt nhấn mạnh đến "hội chứng rung lắc" ở trẻ nhỏ khiến trẻ bị giảm thị lực và mù lòa. GS cũng nhắc đến một vụ bạo hành mà ông từng chứng kiến, khi cô bảo mẫu tức giận, điên cuồng rung lắc một đứa bé mới vài tháng tuổi. Sau đó, em bé này đã chấn thương não và tử vong. Ngoài ra, với nhưng chấn thương mắt do bạo hành có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng như rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tử vong.
Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt từ khi trẻ mới vài tuần tuổi mà không đợi lúc mắt "có vấn đề" mới đi khám. Với các kỹ thuật chuyên sâu, các bác sĩ mắt sẽ phát hiện ra trường hợp mắt bị dị tật, thị thực kém và kịp thời điều trị. Còn khi trẻ bị bạo hành như bị rung lắc, đánh, tát, cha mẹ càng cần phải đưa trẻ đi khám. Có thể các cháu sẽ gặp những tổn thương mắt kín đáo, tuy nhiên nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.