Từ vụ nguyên Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng 'nựng' bé gái trong thang máy khiến dư luận bức xúc, các bậc phụ huynh thêm hoang mang cho an toàn của con gái mình khi đi thang máy. Để đảm bảo cho con trẻ tránh bị xâm hại, quấy rối, các bậc phụ huynh nên dạy con 2 quy tắc quan trọng sau.
"Quy tắc đồ lót"
Tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh NSPCC đã xây dựng một bộ quy tắc được gọi là “Talking PANTS” (Quy tắc Đồ Lót) để hướng dẫn các phụ huynh giáo dục con tự bảo vệ mình trước yêu râu xanh. PANTS (đồ lót) là cái tên viết tắt của 5 điều luật dạy con sau:
* P – Privates are Private: Chỗ kín là riêng tư
Đồ lót là vật giúp con che lại vùng kín của mình, và không ai được phép nhìn hoặc đụng vào những nơi con mặc đồ lót. Trong trường hợp đặc biệt khi bác sĩ, y tá hoặc thành viên gia đình bắt buộc phải làm vậy, họ phải giải thích với con và được con đồng ý trước.
* A – Always remember your body belong to you: Hãy nhớ cơ thể của con là của riêng con.
Cơ thể của con thuộc về con. Không ai được phép làm bất kì điều gì khiến con không thoải mái hoặc xấu hổ. Nếu có ai tỏ ý muốn đụng chạm và nhìn vào những nơi con mặc đồ lót (vùng kín), hãy lập tức nói “Không” và báo ngay với người con tin cậy hoặc bố mẹ con.
* N – No means No: Không là không
Không nghĩa là không và con luôn có quyền từ chối người lớn, dù đó là một thành viên trong gia đình hay một người con yêu quý. Con là người kiểm soát cơ thể của con và cảm giác của con là quan trọng nhất. Nếu con không thoải mái và không thích, hãy mạnh dạn nói “không”, vì đó là lựa chọn của con
*T – Talk about secrets that upset you: Kể về những bí mật làm con khó chịu.
Có những bí mật xấu và bí mật tốt. Bí mật tốt là những thứ làm con vui như món quà bí mật ông già Nô-en sắp tặng. Còn bí mật xấu sẽ làm con lo sợ và buồn bã. Hãy luôn luôn tâm sự với những người lớn con tin tưởng khi con có bí mật xấu.
* S – Speak up, someone can help : Hãy lên tiếng, sẽ có người có thể giúp đỡ.
Hãy nói ra những điều làm con lo lắng và sợ hãi. Khi con cảm thấy bồn chồn, lo sợ, hãy tâm sự ngay với một người lớn con tin tưởng – có thể là bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, hoặc một người thân của gia đình.
"Quy tắc 5 ngón tay" trong giao tiếp giúp trẻ tự bảo vệ mình
Để giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục, một trong những quy tắc bố mẹ có thể dạy con là 'quy tắc 5 ngón tay'. Quy tắc này cực đơn giản, sẽ giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình.
Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Cha mẹ có thể dạy con xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.
Vòng 1: Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
Vòng 2: Nắm tay, khoác tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
Vòng 3: Bắt tay: Khi gặp người quen.
Vòng 4: Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
Vòng 5: Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Theo thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý Share (Hà Nội), những bài học về "quy tắc 5 ngón tay" hay "quy tắc đồ lót" nói trên rất quan trọng nhưng chưa đủ.
Việc giáo dục con trước nguy cơ bị xâm hại tình dục cần phải giáo dục trẻ một cách toàn diện. Không chỉ dạy con trở thành những đứa trẻ tự tin, độc lập mà còn phải dạy con những kỹ năng khác như kỹ năng kiên định, kỹ năng nói không, kỹ năng nói ra ý kiến của mình và một số kỹ năng xử lý tình huống như gọi cho bố, mẹ, cảnh sát…
Khi con trẻ tự tin và có đủ các kỹ năng bảo vệ bản thân thì không chỉ có tác dụng phòng chống xâm hại tình dục mà còn giúp trẻ vững vàng trước những nguy cơ khác như khi bị bắt nạt hay đứng trước một sự đe dọa nào đó.