Trong các bậc học, bậc THPT có thời gian học ngắn nhất (3 năm), vậy nên thời gian trôi qua tương đối nhanh. Đây cũng là giai đoạn định hình rõ tương lai của con.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc còn có bút danh quen thuộc là Penci Black được độc giả biết tới với những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đời thường như: "Miếu thành hoàng" (năm 2003), "Những hẻm phố Sài Gòn" (năm 2015), "Hồn quê trong phố" (năm 2019),...
Ngoài mảng truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn là tác giả của nhiều bài viết rất hay và tâm huyết về lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" (xuất bản năm 2019) của anh và đồng tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải từng được phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Ngày 19/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản thông báo chi tiết kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Một mùa thi chuyển cấp căng thẳng nữa lại đến, đây là lúc các em học sinh và cả phụ huynh dốc toàn lực để có kết quả tốt nhất. Nói về vấn đề này, anh Bùi Ngọc Phúc đã có những chia sẻ thiết thực về việc làm thế nào để xây dựng lộ trình học tập, giúp học sinh vượt qua kỳ thi dễ dàng.
Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh:
Dù bước sang năm mới nhưng nỗi lo của các bậc phụ huynh đối với những kì thi chuyển cấp vẫn không hề cũ. Thậm chí sức nóng đang tăng dần đối với phụ huynh có con thi vào các trường THPT hệ công lập.
Hôm nay tôi xin chia sẻ về lộ trình học tập cũng như việc giúp phụ huynh cùng con bước qua các kì thi một cách nhẹ nhàng, có định hướng. Tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
>> Bậc tiểu học
Ở bậc này, phụ huynh hay tổng kết bằng câu: "Cấp một chọn trường". Điều này có lí do cả. Bởi ở 2 năm đầu của bậc Tiểu học, các con vừa học vừa chơi, còn các cô sẽ vừa dạy vừa dỗ là chính. Tiêu chí chọn trường của phụ huynh cũng không giống nhau. Nó phụ thuộc vào quan điểm cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Bản thân tôi đánh giá cao những tiêu chí sau:
Tiêu chí thứ nhất - Gần nhà: Các con vẫn còn bé nên thời gian di chuyển đến trường quá xa không phải là tốt. Hiện nay hầu hết các trường đều có xe đưa đón học sinh an toàn và tiện lợi. Tuy nhiên nhiều gia đình đã không chọn dịch vụ đó. Các bố mẹ tận dụng luôn "lao động nhàn rỗi", tức là nhờ ông bà đưa đón cháu hàng ngày.
Chính vì vậy nhiều trường có hiện tượng, chưa đến 16h30, ông bà đã đến ngồi chờ sẵn. Bởi như các cụ nói, ở nhà cũng không có việc gì. Ưu điểm của việc có người thân đưa rước khiến bố mẹ yên tâm làm việc. Nhược điểm là có thể xảy ra tai nạn bất ngờ trên đường, dù điều này không ai mong muốn.
Tiêu chí thứ hai - Khuôn viên rộng rãi: Điều này thoạt nghe có vẻ khó thực hiện được. Bởi nhiều trường học tại Hà Nội có diện tích khá khiêm tốn. Thậm chí có trường mà tôi đến vào giờ ra chơi, sân trường quá bé so với lượng học sinh đang tuổi hiếu động.
Nhiều người không quen nếu đứng một lúc sẽ cảm thấy ngột ngạt và ầm ĩ, cho nên việc chọn những ngôi trường có khi chưa nổi tiếng mà có sân chơi rộng rãi để các con vận động là ưu tiên của nhiều phụ huynh.
Trường và lớp đã chọn, việc chính yếu là giúp cho con học. Nếu con bạn có sức học thật sự tốt, việc định hướng thi vào các trường THCS đang dạy theo hệ Chất lượng cao sẽ là ưu tiên hàng đầu. Ngay khi con bước sang năm lớp 3, phụ huynh hãy bắt đầu hướng dẫn cho con học và đi thi dù chỉ mang tính cọ xát, bởi có như vậy các con sẽ quen dần tâm lí thi cử.
Đến năm lớp 4 thì hầu như các bạn giỏi sẽ tham gia các kì thi HSG cấp quận các môn Toán, Tiếng Việt và tiếng Anh. Giai đoạn Tiểu học, không ai khác mà chính bố mẹ là người thầy tốt nhất của con em mình. Các con có hứng thú học tập hay không ở giai đoạn này, phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm của cha mẹ.
Khác với hệ THPT, nếu con không vào được những trường THCS thuộc diện tốp của hệ công lập và các trường thuộc hệ dân lập, phụ huynh vẫn còn lựa chọn cho con mình học đúng tuyến theo hộ khẩu.
>> Bậc THCS
Câu nói "Cấp hai chọn lớp" khá chính xác. Hầu hết các trường THCS đều có những lớp chọn. Đây là lớp quy tụ nhiều con có sức học tương đồng. Giai đoạn này các con phải tiếp thu một lượng kiến thức không hề nhỏ.
Nhiều phụ huynh hay than thở: "Học sinh bây giờ học quá nhiều, không có thời gian để nghỉ ngơi",... Thật ra SGK giờ đã giảm tải khá nhiều, việc phân bổ thời gian học sao cho hợp lý sẽ giúp các con có quĩ thời gian học và nghỉ hợp lí. Cá nhân tôi cho rằng các con dù rất giỏi, nhưng không nhất thiết phải giỏi tất cả các môn.
Ngay khi học lớp 8, bố mẹ hãy cùng con định hướng luôn sẽ thi chuyên gì? Xác định xong mới bắt đầu chọn thầy, chọn môn học thêm và ôn luyện. Kiến thức và lực học của con trong 4 năm học bậc THCS sẽ quyết định hướng thi vào bậc THPT sau đó.
Với các con có học lực giỏi, việc hướng tới các trường chuyên là đương nhiên.
Thông thường, để chắc suất vào trường chuyên, các con sẽ chọn thi vào 2 đến 3 trường chuyên, có nhiều con chọn đăng kí 2 môn chuyên khác nhau nhằm biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Đối với những con chỉ xác định giành một suất vào lớp 10 hệ công lập, việc ôn luyện cũng không hề nhẹ hơn, thậm chí sức nóng của nó không hề suy giảm. Để có kết quả chắc chắn và không bám vào câu "học tài thi phận", phụ huynh nên tìm lớp ôn luyện kiến thức cho con mình ngay từ năm lớp 7 là tốt nhất.
Việc học thêm tuần 1 buổi không mất nhiều thời gian của các con. Khoảng thời gian còn lại nên dành cho các hoạt động ngoại khóa. Khi con học lớp 8 và đặc biệt là năm cuối cấp, lúc đó việc tăng cường học thêm ba môn điều kiện, cũng như tăng số buổi học là không tránh khỏi, bởi lúc đó là giai đoạn nước rút.
Thông thường khi học xong HK1 của năm lớp 9, các con đã hoàn thành hầu hết các môn học. Bước vào HK2 các con chỉ tập trung ôn tập và củng cố kiến thức các môn thi vào 10.
Để giúp các con biết sức học của mình, hầu hết các trường sẽ tổ chức từ 2 đến 3 lần thi thử cho các con. Trong kì thi thử các con sẽ được thử sức với chính mẫu đề thi của các năm trước.
Hiện nay nhiều trung tâm uy tín cũng tổ chức kì thi thử cho học phí với mức phí hợp lí. Chính kết quả của những kì thi thử sẽ là dữ liệu quan trọng để bố mẹ tư vấn cho con mình chọn trường NV1 và NV2. Trước khi cùng con chốt lại trường THPT để thi, rất mong các bố mẹ tham khảo thêm điểm chuẩn của các trường THPT từ 3 năm trở lại đây.
>> Bậc THPT
"Cấp ba chọn thầy" là câu mà nhiều phụ huynh nhắc đến. Trong các bậc học, bậc THPT có thời gian học ngắn nhất (3 năm), vậy nên thời gian trôi qua tương đối nhanh. Đây cũng là giai đoạn định hình rõ tương lai của con.
Những con chọn học và thi đại học theo các khối mình có thế mạnh, gia đình sẽ đầu tư học thêm ngay từ năm lớp 10. Nhiều con ngoài việc học trên lớp còn phải luyện thi lấy chứng chỉ IELTS, SAT để đi du học hoặc xét tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu.
Có một điều không thể phủ nhận, nếu con tìm được thầy cô truyền cảm hứng cho mình thì sẽ vô cùng tuyệt vời. Bởi giai đoạn này, những góp ý của bố mẹ đôi lúc bị các con bỏ qua. Nhưng nhiều lúc chỉ một câu nói của thầy cô sẽ định hình tương lai cho con.
Ở thời điểm này ngoài việc học và thi, việc định hướng cho sự nghiệp tương lai vô cùng quan trọng. Nó giống con tàu mà sự bẻ ghi sẽ quyết định đích đến. Giai đoạn này có nhiều bố mẹ muốn chọn ngành học và chọn nghề thay cho con mình. Trong khi con lại muốn hướng theo nghề khác.
Giống như câu tôi viết ở giai đoạn Tiểu học, bố mẹ phải là người thầy tốt nhất của con mình. Muốn được như vậy, ngoài việc đồng hành cùng con, giúp con học tập, bố mẹ cần liên tục cập nhập thông tin để trở thành nguồn tham khảo đáng tin cậy cho con mình.
Xin được trích dẫn câu danh ngôn thay cho lời kết của bài viết: "Thành công không phụ thuộc vào kiến thức mà vào cách áp dụng kiến thức"...