Bố mẹ nào cũng thường nói với con câu này nhưng tiến sĩ tâm lý học chỉ ra, đó có thể là nguyên nhân khiến trẻ quá sức và lâm vào cảnh tuyệt vọng.
Eileen Kennedy là một tiến sĩ tâm lý học ở Princeton, New Jersey (Mỹ). Bà kể mình từng biết một nữ sinh trung học viết 15 trang tiểu luận dù giáo viên chỉ yêu cầu nộp 3 trang. Chỉ vì quá cầu toàn và muốn "cố hết sức" theo lời bố mẹ, cô bé đã tốn hàng chục giờ để làm xong và kiệt sức ngất xỉu phải nhập viện.
"Thật không may, giáo viên đã cho nữ sinh này điểm A , từ đó càng khuyến khích xu hướng làm gấp năm lần mức yêu cầu của cô bé", tiến sĩ Kennedy kể lại.
Theo bà Eileen Kennedy, nhiều phụ huynh thường hay khuyến khích con "hãy cố hết sức". Tuy nhiên, trong khi bố mẹ muốn truyền đi thông điệp "con chỉ cần cố gắng là được" song đứa trẻ cầu toàn, hay lo lắng sẽ hiểu thành "con phải đạt kết quả tốt nhất có thể".
Đôi lúc, câu nói nhằm mục đích hỗ trợ có thể phản tác dụng và tạo ra áp lực không mong muốn, nhất là với những đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo. Do đó, đứa trẻ dồn mọi nỗ lực để tạo ra sản phẩm hoàn hảo và vô tình tự đẩy bản thân vào trạng thái quá tải. Đến lúc quá mệt mỏi, không còn sức để đạt được những gì mà chúng tự cho là "tốt nhất", trẻ sẽ cảm thấy tuyệt vọng.
Hãy thay câu "hãy cố hết sức" bằng "hãy nỗ lực hợp lý"
Để trẻ không làm quá sức, phụ huynh nên hỏi con: "Công việc này đáng bao nhiêu thời gian?". Nếu thấy thời gian trẻ đưa ra chưa hợp lý, bố mẹ hãy điều chỉnh và giúp con hoàn thành công việc trong thời gian đó.
Bố mẹ nên giảng giải cho con điều gì quan trọng và điều gì "có thì tốt, không cũng chẳng sao". Phụ huynh cũng có thể đề cập đến những áp lực mà cả con lẫn người khác phải chịu nếu trẻ làm một việc quá lâu.
"Đứa trẻ nhiều khả năng sẽ không yên tâm khi kết thúc một công việc ở mức độ vừa tốt chứ chưa hoàn hảo nhưng cuối cùng, nó sẽ nhận ra mọi thứ vẫn ổn và Trái Đất vẫn quay", tiến sĩ Kennedy nói.
Tiến sĩ Kennedy cũng khuyên bố mẹ thay câu "hãy cố hết sức" bằng "hãy nỗ lực hợp lý".
"Nỗ lực hợp lý" phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ mức độ quan trọng của nhiệm vụ, thời gian trẻ có đến các công việc khác và tâm trạng của trẻ. Nỗ lực hợp lý tức là đưa ra các lựa chọn khôn ngoan dựa trên thực tế chứ không phải tiêu chuẩn trong tưởng tượng của chủ nghĩa cầu toàn. Câu nói này sẽ dạy đứa trẻ nhận biết hoàn cảnh và điều chỉnh năng lượng của mình.
"Học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên là một kỹ năng sống quan trọng", tiến sĩ Kennedy nói. "Cần thời gian để trẻ học cách xác định thế nào là nỗ lực hợp lý, nhưng đó là con đường dẫn trẻ đến cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả hơn".