Sau hàng loạt trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, xâm hại... rất nhiều lớp kỹ năng sống cho trẻ được dịp minh chứng cho sự cần thiết của mình.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức và chương trình đào tạo cũng như người giảng dạy chưa được chuẩn hóa, đã khiến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra...
Đừng quá kỳ vọng
Hiện tại, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là cần thiết để ứng phó trong những tình huống xảy ra thường nhật, trong khi thời lượng giảng dạy môn học này trong hệ thống trường công lập hiện nay còn tương đối ít nếu không muốn nói là còn quá thiếu. Nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống đã ra đời. Các trung tâm này thu hút khá đông phụ huynh học sinh tại các thành phố lớn, nhất là vào các dịp nghỉ hè.
Thực chất, nhiều lớp kỹ năng sống đã được tổ chức thành những chương trình thường niên với những tên gọi khá thân thuộc và thu hút rất đông học sinh tham gia như “Học kỳ quân đội”, “Học kỳ công an”; các khóa tu tập mùa hè; các khóa học “làm người có ích”; trại hè trong nước, trại hè quốc tế... Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập bậc mầm non, tiểu học cũng lồng ghép trong chương trình giảng dạy chính khóa nhiều nội dung về kỹ năng sống để thu hút học sinh.
Theo các chuyên gia giảng dạy thì kỹ năng sống là hành vi mà mỗi người cần dùng mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, không chỉ cho bản thân mà cho cả người khác. Kỹ năng sống bao gồm rất nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần chỉ là ứng xử, mà còn gồm kỹ năng sống tự lập, thuyết trình, giao tiếp, tư duy học tập hiệu quả, ứng phó sự cố...
Khi chọn các khóa học kỹ năng sống cho trẻ em, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ chương trình học cụ thể bao gồm những nội dung gì, trẻ được trải nghiệm các hoạt động như thế nào... vì có rất nhiều nơi tổ chức khóa học kỹ năng sống, với nhiều nội dung khác nhau. Và đặc biệt, kỹ năng sống là môn học thay đổi từ nhận thức cho đến hành vi, cảm xúc nên cần cả một tiến trình lâu dài, phụ huynh cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng sau một khóa học, trẻ sẽ thay đổi thành người khác hẳn.
Cần “kỹ năng sống” cho cả người dạy
Bắt đầu từ năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định các trung tâm dạy kỹ năng sống phải được sự thẩm định chương trình của các viện nghiên cứu. Với một chương trình phải được thẩm định qua 7 chuyên gia. Bên cạnh đó, các giáo viên mầm non và tiểu học muốn dạy kỹ năng sống phải có chứng chỉ dạy kỹ năng sống.
Còn việc giáo dục kỹ năng cho học sinh được thực hiện theo Công văn số 463 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, Bộ GD&ĐT không xác định thời gian giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học là bao nhiêu mà để các trường tự xác định. Về nội dung học cũng không được chuẩn hóa, bởi công văn này chỉ nêu những định hướng chung chung, chưa quy định về sách giáo khoa chuẩn dùng để giảng dạy.
Theo đánh giá của BS. Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, vì chỉ quy định chung chung đã dẫn tới hiện tượng các trường liên kết với các cơ sở giáo dục kỹ năng sống bên ngoài để tổ chức giáo dục cho học sinh ngoài chương trình học. Hơn nữa, kỹ năng sống nếu không được dạy theo phương pháp, chương trình chuẩn, sự truyền đạt của giáo viên còn hạn chế thì thành “lợi bất cập hại”. Khi đó, học sinh không những không thu nhận được kiến thức mà còn có thể gây ra những tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.
TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, quá trình tổ chức cho trẻ trải nghiệm kỹ năng sống phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Đặc biệt là về thể chất, trẻ phải tuyệt đối được bảo vệ khỏi những tổn thương thực thể, tránh nguy cơ bị tai nạn thương tích. Về phương diện tinh thần, trẻ phải được tôn trọng, an toàn trong bầu không khí thân thiện khi học tập.
Ngoài ra, việc giảng dạy kỹ năng sống hiện nay hầu hết đều nặng về lý thuyết và không theo một quy chuẩn nào. Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng, kỹ năng sống nếu chỉ dạy lý thuyết thì không đạt hiệu quả như mong muốn vì kỹ năng chỉ được xử lý tốt nhất khi học sinh tiếp cận, va chạm trong cuộc sống.