Thường xuyên làm việc nhà sẽ giúp trẻ phát triển về nhân cách và hình thành các thói quen tốt xuyên suốt cuộc đời.
Mặc dù bố mẹ tự làm việc nhà sẽ nhanh chóng và cẩn thận hơn. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ nên tích cực "sai vặt" và tạo cơ hội làm việc nhà cho trẻ.
Điều này không chỉ giúp bố mẹ có thêm khoảng thời gian nghỉ ngơi mà còn cực kỳ tốt cho sự phát triển của trẻ.
Theo các chuyên gia, thường xuyên làm việc nhà sẽ mang lại cho trẻ 5 lợi ích tuyệt vời sau:
1. Làm việc nhà giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng
Làm tốt công việc nhà được giao có thể khiến trẻ tự hào về bản thân. Trẻ sẽ cảm thấy mình có ích và giúp đỡ được bố mẹ.
Không chỉ vậy, thường xuyên làm việc nhà sẽ khuyến khích tính tự lập của trẻ.
Nếu có thể làm tốt một việc gì đó, những lần sau trẻ sẽ tự động làm mà không cần bố mẹ phải nhờ vả.
Bên cạnh đó, khi trẻ làm tốt công việc nhà, bố mẹ cũng nên có lời khen hoặc một phần quà nhỏ để thưởng, động viên.
2. Làm việc nhà giúp trẻ sống trách nghiệm hơn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trong quá trình phát triển của trẻ, ý thức trách nhiệm liên quan mật thiết với phát triển kỹ năng vận động, năng lực nhận thức. Ở một số quốc gia như Mỹ, trẻ dù lớn hay nhỏ đều được xác định vai trò trong gia đình và được dạy sống có trách nhiệm.
Bố mẹ Mỹ thường yêu cầu >trẻ làm việc nhà. Những công việc mà trẻ có thể tự làm thì bố mẹ sẽ không làm thay. Điều này không chỉ giúp trẻ có năng lực làm việc mà còn sống chăm chỉ, có trách nhiệm suốt cuộc đời.
3. Làm việc nhà giúp trẻ có ý thức giữ gìn mọi thứ sạch sẽ và ngăn nắp
Nếu phải tự dọn dẹp phòng ngủ thì trẻ có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống của mình sạch sẽ, ngăn nắp. Trẻ sẽ hiểu được một điều, nếu bày bừa thì người dọn dẹp vất vả, mệt mỏi sẽ là mình chứ không phải bố mẹ.
Vì vậy, trẻ không dám vứt đồ chơi lung tung hay quăng rác, vỏ kẹo hay vỏ chai nước ngọt bừa bãi ra sàn nhà.
4. Làm việc nhà thường xuyên sẽ tạo thành thói quen cho trẻ
Nếu làm việc nhà từ nhỏ thì khi lớn lên, nó sẽ trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ.
Để trẻ hứng thú với công việc nhà, bố mẹ cần có chiến lược và cách tiếp cận thật khéo léo. Như việc bố mẹ cho phép trẻ lựa chọn và tình nguyện làm công việc nhà mong muốn, hay không nên quá cầu toàn với trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ sắp xếp hợp lý công việc nhà để trẻ không cảm thấy nhàm chán. Chẳng hạn hôm nay bố mẹ giao cho trẻ quét nhà thì ngày mai nên giao việc gấp quần áo,…
5. Làm việc nhà giúp trẻ gắn kết với gia đình hơn
Nếu trẻ thắc mắc tại sao phải làm việc nhà, bố mẹ hãy giải thích cho chúng biết, đây là một phần của gia đình, và mọi thành viên trong gia đình đều phải chia sẻ với nhau.
Bố mẹ không chỉ nói suông mà hãy cùng trẻ làm các công việc nhà. Khi trẻ đang quét nhà thì bố mẹ lau dọn bàn tủ,…
Hãy làm sao để cho trẻ thấy, mọi thành viên trong gia đình phải luôn có trách nhiệm và làm việc cùng nhau. Từ đó, trẻ sẽ thấy công việc nhà không chỉ là việc bắt buộc mà còn là yếu tố gắn kết gia đình hơn.