Trong khi đứa trẻ nào cũng cần những điều căn bản này thì không ít cha mẹ Việt đã bỏ qua mà chỉ chú trọng hướng con đến học môn này, học kĩ năng kia.
Trong quá trình học tập và sinh sống của mình, chị Lê Mai Hương - nhà giáo Montessori 3-6 có chứng chỉ do AMI cấp, trực tiếp làm việc cùng các em bé và quản lý B2B (Back to Basics Montessori Education - một trường mầm non theo phương pháp Montessori tại Hà Nội) - đã trải nghiệm và suy ngẫm về cách nuôi dạy con ở nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Anh, Đức, Canada… cũng như của cha mẹ Việt Nam. Chị nhận ra rằng: "Cha mẹ Việt chạy theo những trào lưu nuôi dạy con mới nhất, sẵn sàng tìm hiểu đủ kiểu dạy con Nhật, Mỹ, Pháp, Do Thái nhưng lại quên đi những điều căn bản nhất mà một đứa trẻ cần".
Dưới đây là những điều căn bản và đơn giản nhưng lại rất quan trọng để nuôi dạy một em bé khỏe mạnh, tự tin, hạnh phúc mà trong lúc chạy theo những gì tốt nhất cho con có thể chưa được cha mẹ Việt chú trọng.
Được ăn cùng bố mẹ
Rất nhiều em bé Việt Nam không được hưởng một điều đơn giản nhất mà các bé có thể có trên đời: được ăn cùng bố mẹ, người thân. Thay vào đó, các em bé ăn một mình, bên cạnh là giúp việc/ bà/mẹ đút cho ăn hoặc trợ giúp cho bữa ăn. Thường điều này diễn ra thường xuyên cho đến lúc em bé 3-4 tuổi trở lên có thể tự ăn một cách độc lập, không rơi bẩn.
Nhà giáo Mai Hương cho rằng khi trẻ ăn một mình sẽ không có văn hóa ăn, trẻ em cần được ăn cùng người lớn, nhìn thấy người lớn làm mẫu việc ăn: ăn một cách chậm rãi và tận hưởng, ăn vui vẻ bên những người thân yêu của mình.
Những bữa ăn ở nhà
"Tôi thấy nhiều trẻ em bắt đầu một ngày của mình ở quán phở ngoài vỉa hè, với bát bún phở cắt nhỏ chan nước không thịt vì thịt dai không nuốt được. Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, làm sao trẻ có ngày mới nhiều năng lượng, khỏe mạnh, sẵn sàng cho học tập, với bữa sáng ít dưỡng chất, ít protein – năng lượng cho não - như vậy?" – nhà giáo Lê Mai Hương đặt câu hỏi.
Bữa cơm ngon gắn kết gia đình, là một trong những vitamin yêu thương đơn giản mà quan trọng nhất. Bữa ăn không cần thịnh soạn, mà chỉ cần được nấu với tình yêu thương và được bên những người thân, chỉ cần mớ rau muống luộc xanh non, hay cơm nắm muối vừng cũng ngon.
Theo nhà giáo Mai Hương, cần hạn chế nhờ người khác nấu ăn cho con mình, vì bữa ăn chứa đựng nhiều yêu thương trong đó. Người giúp việc thường không dành tình yêu để nấu một bữa ăn mà chỉ là công việc. Do vậy, các bà mẹ nên vào bếp nấu cơm cho con mình ăn hay tốt hơn cả là nấu cơm cùng con.
Sinh hoạt điều độ: Ngủ sớm dậy sớm
Bây giờ người ta không ngủ sớm, dậy sớm như gia đình Việt ngày xưa nữa. Đồng hồ sinh học lùi lại vài ba tiếng, khi 9-10h đêm ở nhiều nhà trẻ em vẫn cười nói chạy nhảy ầm ầm, để rồi mỗi sáng là một cuộc chiến vật lộn để gọi trẻ dậy đi học. Một em bé ngủ đủ sẽ tự dậy vào buổi sáng không cần ai gọi, đó cũng là cách bạn đo xem con mình có ngủ đủ hay không.
Sau một ngày dài, buổi tối trẻ nên ăn uống nhẹ nhàng, không ăn no hay quá no trước khi đi ngủ 3-4 tiếng bởi nếu vậy, hệ tiêu hóa phải làm việc gây ra khó ngủ. Buổi tối quá nhiều vui chơi, kích thích, vận động sẽ khiến trẻ em ngủ muộn. Não bộ của trẻ cần được nghỉ ngơi sau một ngày một ngày mệt mỏi, là thời gian để tắm rửa, massage, đọc truyện, thư giãn để có thể ngủ sâu và trong thời gian đó cơ thể bé dài ra, lớn lên. Nhờ ngủ sớm, ngủ đủ và sâu trẻ sẽ có >sức khỏe để sẵn sàng cho một ngày mới phía trước, sẽ dậy sớm để vận động, để hoạt động ngoài thiên nhiên, để tận hưởng thời gian trong lành, yên tĩnh nhất của thành phố trước khi trở nên quá ồn ào và ô nhiễm.
Chăm sóc sức khỏe cùng nhau
Người Việt chưa có thói quen vận động, chăm sóc sức khỏe cùng nhau. Do không được hình thành thói quen này từ bé nên lớn lên chúng ta cũng rất khó khăn để có thể bắt đầu chạy bộ, tập yoga… cho dù ý thức được tầm quan trọng của rèn luyện thể lực.
Để trẻ em có thể hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe từ bé và duy trì thói quen này, bố mẹ cũng phải làm mẫu, cùng con duy trì việc vận động mỗi ngày. Trẻ cần vận động để phát triển thể chất.
Yêu thương chính bản thân mình
Khi được yêu cầu điền chỗ trống vào câu: Làm cha mẹ là một công việc….. nhiều bố mẹ đã điền từ: khó nhất trên đời, thử thách nhất, thậm chí là "ác mộng" vì vẫn chưa tìm ra cách nuôi dạy con phù hợp, bên cạnh những từ như "hạnh phúc", "tuyệt vời". Làm cha mẹ là một công việc đặc biệt, 24/24, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, một công việc bắt chúng ta phải thay đổi bản thân mình từng phút giây một.
Công việc này cũng đầy áp lực, chúng ta tự hỏi mình đã làm đúng chưa, sao mỗi việc cho con bú cũng không xong, nhìn ra thấy các bà mẹ làm điều này điều kia cho con mình… chúng ta cảm thấy thua kém… Thế là thay vì yêu thương bản thân mình, chúng ta dìm mình xuống sâu hơn, tạo áp lực lên chính mình. "Chúng ta nói về chăm sóc và yêu thương bản thân, nhưng đó chỉ là nói thôi chứ chưa thực sự yêu thương được trong thực tế. Các bố mẹ Việt đều chịu áp lực, các ông bố thì căng thẳng vì tiền tài danh vọng, các bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con lúc nào cũng cuống cuồng nhà cửa cơm nước, không có thời gian cho mình, cảm thấy kiệt sức và về đến nhà thì rất dễ cáu lên.
Có nhiều bà mẹ quát con, đánh con sau đó hối hận, không phải vì họ muốn quát đánh con mà do không đủ thời gian để nghỉ ngơi, quá mệt mỏi bận rộn và không kiên nhẫn được với con. Lý trí thì yêu thương con nhưng hành động thì không như vậy do chúng ta cũng không có đủ thời gian chăm sóc yêu thương mình."
Nhà giáo Lê Mai Hương cho rằng yêu con bắt đầu từ yêu chính bản thân mình. Khi bố mẹ học cách yêu thương bản thân, dành thời gian cho bản thân thì lúc đó bố mẹ có thể bình tĩnh quan sát và hiểu rõ nhu cầu của con. Khi được tôn trọng, được đáp ứng đúng những nhu cầu chính đáng con sẽ cảm nhận được tình yêu của bố mẹ.
Những cái ôm và nắm tay
Ở đây có ai thường xuyên ôm bố mẹ mình không? Câu hỏi này được đặt ra cho các bố mẹ và rơi vào im lặng với những cái lắc đầu. Thế hệ chúng ta những người 8X, đầu 9X không bao giờ dám ôm bố mẹ - những người chúng ta yêu thương và gần gũi nhất, cả một xã hội đói khát tình yêu thương.
Nhiều em bé cứ thấy người lạ là ôm, lao vào lòng, lúc nào cũng muốn được bế… có thể là do ở nhà không được ôm ấp đủ. Điều này sẽ tăng nguy cơ trẻ bị lạm dụng và phụ thuộc tình cảm vào người khác, khi lớn lên lúc nào cũng có nhu cầu ở bên cạnh một ai đó, lúc nào cũng phải có người yêu vì sợ phải một mình.
Hãy ôm con mình thật nhiều, bởi chúng ta không thể nào biết đó liệu có phải là cái ôm cuối cùng. "Nếu không thể làm cho nhau hạnh phúc bằng những điều nhỏ bé thì sao có thể làm được những điều lớn" – nhà giáo Mai Hương nói.
"Một điều nhỏ khác là những cái nắm tay, tôi thường thấy người lớn, bố mẹ, các cô giáo nắm lấy cổ tay trẻ và lôi đi, kéo đi. Đó không phải là cái nắm tay bình đẳng song hành mà con trẻ cần". Đó là người lớn buộc em bé phải theo mình. Một cái nắm tay nhẹ nhàng, để em bé hướng mình thay vì mình áp đặt sẽ giúp mối quan hệ trở thành song phương thay vì một chiều.
Yêu con không so sánh, đánh giá và phán xét
Có một câu nói rất hay của Dalai Lạt Ma: "What is love. Love is the absence of Judgment""Tình yêu là gì? Tình yêu không có chỗ cho sự phán xét". Trẻ em Việt Nam thường bị bủa vây bởi khen chê, chỉ trích, bị gánh nặng bởi những mong đợi và kỳ vọng của bố mẹ, bởi hệ thống thi đua và thành tích của trường học, bởi quan niệm "Thành công là phải dẫn đầu, còn lại là thất bại". "Khi người ta khen đứa trẻ đứng nhất lớp nhất trường, hàm nghĩa là chê tất cả những em bé còn lại là công dân hạng hai. Điều này sẽ lập trình vào tiềm thức, ảnh hưởng đến niềm tin của đứa trẻ đối với bản thân mình".
Trẻ em Việt từ nhỏ thường xuyên bị so sánh, được kỳ vọng thành công nên làm gì cũng sợ sai, sợ vấp váp, sợ thất bại, sợ thử điều mới, vì sợ nên không dám làm, không dám thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, đón nhận các thử thách và rủi ro. Nhưng những người thành công thực sự luôn là những người dám mạo hiểm, dám nghĩ dám làm và làm những điều chưa ai dám làm.
"Tôi thường chia sẻ bí mật với con mình, những điều mẹ sai, vấp ngã, thất bại để con thấy rằng thất bại là một điều bình thường, như những người khác, để con không sợ thất bại, sẵn sàng chia sẻ với mẹ về điều con sai sót, để con thấy rằng con không cần phải nghe lời mẹ vì mẹ chưa chắc đã đúng và đương nhiên là con có thể thoải mái kể cho mẹ nghe chuyện của mình, dù đó là một thất bại" – nhà giáo Lê Mai Hương chia sẻ.