Sau bài post hôm thứ 2 vừa rồi, tôi đọc được tâm sự của một người mẹ: con trai em rất ngoan và lễ phép.
Bắt nạt học đường chưa bao giờ là vấn đề thôi nóng. Nó không chỉ khiến học sinh - những >trẻ bị bắt nạt lo lắng mà còn khiến phụ huynh cũng như thầy cô giáo đau đầu.
Bác sĩ Anh Nguyễn - một bác sĩ có nhiều bài viết về >dinh dưỡng và tâm lý trẻ em có lần nhận được tâm sự của một người mẹ kể rằng: Con trai em rất ngoan và lễ phép. Dạo gần đây đi học về kể với mẹ rằng bé hay bị bạn khác trên lớp ức hiếp, kiểu như đánh và đẩy bé để giành đồ chơi hoặc lấy thức ăn.
Khi mẹ hỏi "con đã làm gì?", bé nói là "con không làm gì hết và chỉ nói với bạn là không được làm vậy nữa, đánh bạn rồi con bị phạt thì sao". Thâm tâm một người mẹ em mong con phải mạnh mẽ lên, phản kháng lại và tự bảo vệ mình bởi vì không phải lúc nào cô giáo của bé cũng có thể bảo vệ hay can thiệp kịp thời. Liệu chúng ta nên làm gì trong những trường hợp như vậy?
Đây không phải là quan tâm của riêng người mẹ trẻ này, mà rất nhiều cha mẹ khác cũng quan tâm bởi là cha mẹ ai cũng muốn con mình mạnh mẽ và an toàn.
Vậy cha mẹ phải làm gì khi con rơi vào hoàn cảnh tương tự bà mẹ trong câu chuyện trên? Mời bạn cùng đọc thêm những chia sẻ của bác sĩ Anh Nguyễn dưới đây:
Khi bị ức hiếp, đứa trẻ cần gì?
Đó là dũng khí. Nếu thiếu dũng khí, trẻ sẽ không thể làm bất cứ điều gì bạn hay bất kì ai bảo.
Khi biết trẻ bị ức hiếp là một cảm giác thật sự khó chịu với mọi cha mẹ. Tất yếu là cha mẹ, chúng ta cần 1 giải pháp để chấm dứt điều này sớm. Một số cha mẹ, thậm chí bản thân tôi, đôi lúc mong muốn "con hãy đứng lên, phản kích lại để bảo vệ mình chứ". Tuy nhiên, có 1 vài thứ chúng ta nên xem xét nếu bạn kêu trẻ đánh trả lại.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ không làm theo lời khuyên đó?
- Và nếu dám làm, điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ bị đánh tơi bời?
- Và điều gì sẽ xảy ra khi trẻ đánh thắng?
Chúng ta không chắc liệu trẻ có làm điều bạn khuyên không trừ khi bạn đứng đó hô hào. Mọi tình huống có thể xảy ra, bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét về các tình huống có thể xảy ra.
Có thể trẻ không dám đánh lại và lại tiếp tục bị ức hiếp, và lời khuyên của bạn cho trẻ có thể xem là "thất bại". Tồi tệ hơn nếu trẻ đánh lại, nhưng kết quả không như mong đợi. Ví dụ bị bạn kia đánh tơi tả hoặc đều bị cô phạt. Lúc này, trẻ có thể xem giải pháp của bạn "thật thất bại".
Dĩ nhiên, vẫn có 1 tình huống tốt đẹp hơn, trẻ có thể là người giành chiến thắng. Bạn nghĩ sự bạo lực sẽ chấm dứt không? Tiếc rằng những nghiên cứu cho thấy sự giải quyết bằng bạo lực, dù chiến thắng, vẫn không làm giảm sự tiếp diễn của bạo lực hay ức hiếp.
Vòng tròn bắt nạt
Giáo sư Olweus - một chuyên gia về giáo dục cho rằng sự bắt nạt không phải chỉ đến từ trẻ bắt nạt hay trẻ bị bắt nạt, mà nó cần chú ý đến có sự tham gia của những trẻ đứng ngoài. Như sơ đồ phác họa tâm lý của những nhóm đứng ngoài này, chúng ta dễ dàng thấy số lượng nhóm trẻ đứng ngoài bàng quan hoặc ủng hộ với hành vi bắt nạt là không ít. Nhóm trẻ chủ động giúp đỡ hoặc có ý định giúp đỡ trẻ bị bắt nạt lại khá khiêm tốn.
Do đó, trẻ bị bắt nạt khó có thể đánh trả hay tự phản kháng lại. Trong trường hợp này, việc sử dụng bạo lực để phản kháng sự bắt nạt có thể không phải là cách khôn ngoan.
Nuôi dưỡng dũng khí ở trong trẻ và lôi kéo sự thánh thiện trong con người của những người chứng kiến
Nuôi dưỡng dũng khí ở trẻ là điều quan trọng để tránh bị bắt nạt học đường
Cách tốt hơn, thay vì dạy trẻ đánh trả lại, chúng ta cần dạy trẻ sự dũng cảm để chấm dứt hành vi này và lôi kéo sự giúp đỡ của nhóm trẻ hỗ trợ.
Trong một khảo sát 30 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ, phần lớn các chuyên gia cũng khuyên trẻ nên dùng lời nói cứng rắn và thể hiện sự bình tĩnh, đừng bao giờ thể hiện sự giận dữ hay khóc lóc yếu đuối, đó là đòn đáp trả hiệu quả hơn là vũ lực đánh trả lại.
Các chuyên gia giáo dục cũng từng chia sẻ điều gì đứa trẻ bị bắt nạt nên nói với người bắt nạt: khi bị bắt nạt, trẻ bị bắt nạt nên hét thật lớn: "Không đời nào! bạn không được bắt nạt tôi!", câu nói có thể không chấm dứt ngay hành vi bắt nạt, nhưng là đòn đánh trả đầy quyết tâm của trẻ, nó sẽ cho người bắt nạt và nhóm ủng hộ sự bắt nạt nhận ra "tôi biết bạn đang bắt nạt tôi, và tôi không cho nó diễn ra nữa", và nó cũng là tiếng chuông báo động cho nhóm trẻ hỗ trợ 1 và 2 có động lực để giúp trẻ.
Điều cuối cùng, hãy dạy trẻ đừng bao giờ khóc trước ai làm điều gì đó xấu với mình và cần phải mạnh mẽ hơn họ, ít nhất là không phí nước mắt của con. Dạy điều này cần thời gian, vì trẻ cần xây dựng đủ cứng rắn trong tâm hồn của trẻ. Có nhiều cách có thể hỗ trợ như đọc sách cho trẻ nghe, hoặc dẫn trẻ đến nghe các câu chuyện truyền cảm hứng thực tế của những người bị bắt nạt và đã thành công vượt qua như thế nào.
Cách ứng phó với sự bắt nạt khi nó diễn ra như sau:
1. Nếu trẻ là người đứng xem, hãy dạy trẻ là người hỗ trợ tích cực, đừng chỉ là người quan sát hay là người ủng hộ hành vi bắt nạt. Xã hội ít đi những người cổ xúy cho bắt nạt sẽ ít đi kẻ bị bắt nạt. Trẻ có thể hỗ trợ tích cực bằng những lời nói như "tại sao lại bắt nạt bạn ấy?" hoặc "nếu là em của bạn, bạn nghĩ sao?".
2. Nếu trẻ là người bị bắt nạt, hãy nói thật lớn, thậm chí hét lên cho tất cả mọi người có thể nghe thấy: "không đời nào! bạn không được bắt nạt tôi!".
3. Nuôi dưỡng sự mạnh mẽ trong tâm hồn trẻ bằng những câu chuyện, và dạy trẻ đừng bao giờ khóc, hãy dũng cảm và cứng rắn hơn ai đó bắt nạt trẻ.
4. Chúng ta không thể che chở con trong tất cả tình huống cũng không thể mong đợi ai đó sẽ giúp mình trong mọi tình huống, nhưng vẫn rất khôn ngoan để người quản lý khu vực đó biết là có vấn đề bạo lực đang diễn ra. Chúng ta nên dạy trẻ tin vào hệ thống và sự quản lý của hệ thống trừ khi chúng ta tách trẻ ra khỏi hệ thống hoàn toàn.
Trong bắt nạt, trẻ thường nắm giữ 1 suy nghĩ chưa đúng về hệ thống quản lý (ví dụ ở đây là thầy cô trong trường): trẻ sợ sệt gặp thêm rắc rối, nên tránh nói với thầy cô và cha mẹ. Bạn nên là người giúp trẻ hiểu nói với người lớn là không có rắc rối, mà điều đó cần để tất cả mọi người có thể hỗ trợ tốt nhất cho con.