Nhờ Luật Dinh dưỡng học đường được ban hành từ rất sớm và có sự điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, chiều cao của người Nhật đã cải thiện đáng kể.

Thúy Ngọc 09:04 02/12/2024

Chiều cao được cải thiện ngoạn mục

Bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ II, nước Nhật đối diện tình trạng thiếu hụt >dinh dưỡng nghiêm trọng. Trước năm 1950, chiều cao trung bình của người Nhật khá thấp với nam là 1m50, nữ là 1m49. Thời điểm đó Nhật Bản nằm trong nhóm có chiều cao thấp nhất khu vực và thế giới.

Những năm 1990, Nhật Bản có sự thay đổi ngoạn mục: Chiều cao trung bình của một nữ sinh lớp 6 ở Nhật đã cao hơn 16cm so với các bé gái có cùng độ tuổi cuối thập niên 1940.

Theo số liệu từ Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao trung bình của nam giới tăng từ 160,3cm năm 1950 lên 171,5cm năm 2010, tăng hơn 10 cm, tương đương 7,0%. Chiều cao trung bình của phụ nữ cũng tăng trưởng mạnh, từ 148,9cm lên 158,3 m, tương đương 6,3%.

Năm 2024, theo Tạp chí Dân số thế giới, chiều cao trung bình của đàn ông Nhật Bản là 172,06 cm, cao hơn khoảng 0,7cm so với chiều cao trung bình của đàn ông trên toàn thế giới là 171,38cm. Trong khi đó, chiều cao trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 158,5cm.

Vậy điều gì đã khiến chiều cao của người Nhật thay đổi ngoạn mục như vậy?

Luật Dinh dưỡng học đường - "chìa khóa" nâng cao tầm vóc người Nhật

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt (Lần II) - Dinh dưỡng học đường, G.S Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ câu chuyện đất nước này đã cải thiện tầm vóc nhờ dinh dưỡng học đường ra sao.

Sau Thế chiến II, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản. Để cải thiện, người Nhật bắt đầu điều chỉnh dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường cho trẻ em. Năm 1951, bữa trưa hoàn chỉnh cho học sinh gồm protein (thịt), bánh mì, rau quả. Hiện tại, khẩu phần bữa trưa hàng ngày của mỗi học sinh đều có sữa tươi.

Năm 1954, "Luật Bữa ăn học đường" của Nhật Bản được ban hành, bao gồm các điều luật tác động đến nhiều khía cạnh gồm: "Bữa ăn học đường đóng góp vào sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của học sinh, cũng như cải thiện thói quen ăn uống của người dân" (Điều 1), và "nhằm thực hiện mục tiêu> giáo dục tại các trường thuộc giáo dục bắt buộc", làm rõ nguyên tắc cơ bản rằng bữa ăn học đường là một phần của hoạt động giáo dục trường học (Điều 2).

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức các trường thuộc giáo dục bắt buộc phải nỗ lực để thực hiện bữa ăn học đường (Điều 4), và chính phủ quốc gia cũng như các chính quyền địa phương phải nỗ lực để phổ biến, phát triển một cách lành mạnh bữa ăn học đường (Điều 5).

Luật cũng quy định về hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng cơ sở vật chất khi bắt đầu triển khai bữa ăn học đường và hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí bữa ăn, kéo dài cho đến ngày nay.

Năm 2003, sau cuộc khảo sát dinh dưỡng và >sức khỏe quốc gia, phát hiện tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng, nhiều người trẻ bỏ bữa sáng, Nhật Bản tiếp tục ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act)" vào năm 2005. Luật định nghĩa, Shokuiku là nắm bắt kiến thức về thực phẩm cũng như khả năng lựa >chọn thực phẩm thích hợp.

Giáo dục thực phẩm hay kinh tế gia đình được phổ biến tại các trường học ở xứ sở mặt trời mọc. Kinh tế gia đình là môn học bắt buộc đối với cả nam và nữ trong các trường học Nhật Bản. Có 4.000 giáo viên dinh dưỡng trên cả nước. Học sinh nghiên cứu môn học này từ lớp 5 đến lớp 12.

Nhiều trường học có vườn và tự trồng lúa. Học sinh được tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, luân phiên phục vụ thức ăn cho thầy cô và bạn học mỗi ngày. Tất cả mọi người ngồi cùng và ăn chung ở trường. Trong khi ăn, các em cũng được học về dinh dưỡng.

Phụ huynh, các nhà giáo dục tận dụng mọi cơ hội, từ nhà, đến trường học, nơi công cộng, hoặc bất cứ đâu để giới thiệu cho trẻ nhiều kinh nghiệm và hoạt động liên quan đến thực phẩm, nâng cao nhận thức và đánh giá cao ẩm thực truyền thống.

Luật Shokuiku còn chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp thực phẩm. Cụ thể, bộ luật quy định: "Các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, phân phối, kinh doanh thực phẩm cung cấp bữa ăn cần tuân theo các nguyên tắc cơ bản, đồng thời nỗ lực tự giác và tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục dinh dưỡng thông qua hoạt động kinh doanh của mình, cũng như hợp tác với các chính sách và hoạt động thúc đẩy giáo dục dinh dưỡng do quốc gia hoặc chính quyền địa phương triển khai".

Việc kiểm tra chất lượng và nguồn gốc thực phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo các bữa ăn không chỉ an toàn mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng.

Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản cũng tăng cao. Theo các báo cáo, ngày càng nhiều doanh nghiệp thực phẩm tổ chức các sự kiện, cung cấp thông tin trực tiếp, hướng dẫn cải thiện chế độ ăn uống, chia sẻ thông tin qua trang web, tổ chức các lớp học ngoại khóa tại trường học và nhà trẻ, hay tổ chức các sự kiện trải nghiệm nông nghiệp và giao lưu cộng đồng.

Nhờ các đạo luật phù hợp với thực tiễn xã hội, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Nhật Bản giảm đáng kể. Thanh niên nước này ngày càng phát triển về thể chất và trí tuệ. Từ trẻ em đến người lớn tuổi đều tăng hiểu biết về dinh dưỡng.

Bài học cho Việt Nam

Cũng tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt (Lần II), PGS.TS Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế) đã chia sẻ 4 gánh nặng dinh dưỡng mà người Việt đang phải đối mặt bao gồm: Tình trạng suy dinh dưỡng; thừa cân, béo phì; thiếu vi chất dinh dưỡng và sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Trước thực trạng này và từ câu chuyện của Nhật Bản, các chuyên gia có mặt tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng, cần cải thiện dinh dưỡng bắt đầu từ lứa tuổi học đường, thông qua bữa ăn học đường và để đạt hiệu quả thì hành lang pháp lý trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường là rất cần thiết, cấp bách.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, do chưa có hành lang pháp lý nên việc tổ chức, quản lý giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các chương trình về dinh dưỡng học đường (như Sữa học đường, Bữa ăn học đường) chưa được thực hiện lâu dài, bền vững và đồng bộ trên cả nước.

"Bữa ăn học đường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên hiện nay chưa có các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường nên chưa có sự kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm pháp luật", PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng đến từ Hà Lan cũng chỉ ra mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sự phát triển não bộ. Bà cảnh báo rằng việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhiều đường và chất béo có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và dưỡng chất để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, trong công tác cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh, nhiều trường học tại Việt Nam chưa có chuyên gia dinh dưỡng và thường sử dụng các công ty dịch vụ bên ngoài. Điều này dẫn đến việc bữa ăn bán trú chưa đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, chưa ngon miệng, đa dạng, chưa đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm,...

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, một bộ luật về dinh dưỡng học đường cần được nghiêm túc cân nhắc bởi đó chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước. "Khi can thiệp dinh dưỡng phù hợp, những lợi ích gặt hái được có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động".

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Thanh Dương cũng cho rằng, nếu Việt Nam xây dựng được Luật Dinh dưỡng học đường thì chắc chắn sẽ có quy định chặt chẽ đối với các loại thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tại trường học. Từ đó, không chỉ hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng mà còn hạn chế được các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học như hiện nay.

Theo Quang Vũ/Tổ Quốc