Những biện pháp này giúp bảo vệ mắt cũng như sức khỏe của trẻ mà lại cực kỳ dễ thực hiện.
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số thông minh như ti vi, điện thoại.Và tốt nhất là nên giữ trẻ tránh xa các thiết bị này cho đến khi con được 4 – 5 tuổi. Tuy nhiên, để làm được điều này là rất khó vì hầu như cha mẹ nào cũng đều dùng điện thoại trước mặt con khiến con tò mò, hoặc vì bất đắc dĩ đành phải biến điện thoại thành "người giữ trẻ" trong khi mình đang bận rộn.
Do đó, nếu không thể cấm con tuyệt đối, cha mẹ hãy áp dụng 7 biện pháp an toàn dưới đây để bảo vệ trẻ trước vấn đề nghiện smartphone.
1. Cho trẻ xem điện thoại ở nơi có ánh sáng tốt
Bác sĩ nhãn khoa Lee Sao Bing - Giám đốc Y khoa và Bác sĩ phẫu thuật Mắt tại Trung tâm Mắt Shinagawa, Singapore nói: "Cha mẹ hãy cho con xem điện thoại ở một nơi có ánh sáng tốt. Nếu căn phòng tối, trẻ sẽ phải căng mắt để nhìn, từ đó dẫn đến bị mỏi mắt".
Bên cạnh đó, bác sĩ Linda Hồ, chuyên gia nhi khoa tại Bệnh viện Quốc tế Matilda ở Hồng Kông, cho biết thêm rằng bạn cũng nên đảm bảo màn hình của điện thoại không sáng quá, vì nếu ánh sáng của nó quá mạnh cũng khiến trẻ bị mỏi mắt.
2. Cho trẻ ngồi trên bàn khi xem điện thoại
Thật không dễ dàng gì khi bắt một đứa trẻ phải ngồi vào bàn trong lúc xem điện thoại hay ipad. Song, cha mẹ cần yêu cầu con phải thực hiện điều này nhằm bảo vệ mắt của trẻ. "Nếu trẻ cầm hoặc nằm trong khi xem điện thoại thì con sẽ có nguy cơ bị cận thị cao do thiết bị điện tử để quá gần mắt. Thế nên, bạn hãy cho con ngồi vào bàn và đặt thiết bị cách xa trẻ ít nhất 30cm", Bác sĩ Lee chia sẻ.
3. Không xem điện thoại trước khi đi ngủ
"Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều cần thời gian để thư giãn sau một ngày dài, vì vậy hãy tắt hết ti vi, điện thoại, ipad ít nhất hai giờ trước khi lên giường đi ngủ", bác sĩ Hồ nói. "Vì việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số quá gần giờ đi ngủ sẽ kích thích não bộ và điều này sẽ khiến trẻ bị khó ngủ".
Ngoài ra, cha mẹ không nên sử dụng điện thoại hay mở ti vi trong phòng ngủ. Bởi một khi não của trẻ nhận được ánh sáng của các thiết bị này, nó sẽ hoạt động và trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn.
4. Cho trẻ xem điện thoại 10 phút/lần, không quá 30 phút/ngày
Bác sĩ Hồ khuyến nghị các cha mẹ nên hạn chế cho trẻ xem điện thoại trong khoảng 30 phút mỗi ngày. Lý tưởng nhất là khi con xem được 10 phút, cha mẹ nên yêu cầu con tắt điện thoại để cho mắt được nghỉ ngơi.
Không chỉ vậy, đây còn là cách để ngăn chặn chuyện trẻ bị nghiện smartphone. Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần nhiều thời gian cho hoạt động thể chất để tăng cường sự phát triển, chẳng hạn như học bò, đi, leo trèo, khám phá môi trường xung quanh. Và nếu con cứ ngồi một chỗ dán mắt vào điện thoại thì nguy cơ béo phì càng tăng.
5. Chọn chương trình phù hợp theo lứa tuổi của trẻ
Bác sĩ Phuah Huan Kee, bác sĩ nhi khoa chuyên ngành về thần kinh trẻ em công tác tại SBCC - chuỗi chăm sóc >sức khỏe thuộc Tập đoàn Y tế Healthwayở Singapore cho biết: "Cha mẹ nên chọn cho con những chương trình phù hợp với lứa tuổi của trẻ và mang tính giáo dục cao. Ví dụ như chương trình dạy âm thanh của động vật, nhận dạng các bộ phận cơ thể, màu sắc…".
6. Ngồi xem cùng con
Thay vì để con ngồi xem một mình, bác sĩ Phuah khuyên các cha mẹ nên dành thời gian xem cùng con. "Bạn sẽ giúp trẻ kết nối những âm thanh sao cho phù hợp với từng con vật hoặc cùng con hát những bài hát, đọc những bài thơ mà con yêu thích. Chưa hết, bạn còn có thể dạy con múa bằng tay và sự chuyển động của cơ thể", Bác sĩ Phuah nói.
7. Không cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại
Trong giờ ăn, cha mẹ hãy nói không với ti vi và điện thoại để trẻ tập trung vào việc thưởng thức đồ ăn của mình. Đồng thời, vì không có thiết bị điện tử mà trẻ sẽ nhìn và giao tiếp với mọi người trong bữa ăn.