Một điều đặc biệt, không giống như người lớn chúng ta nghĩ, rằng những món đồ chơi như tấm chăn hay thú nhồi bông là những đồ vật chỉ đơn giản là "Đồ trẻ con".
Một khám phá mới vô cùng thú vị về Blankie (Chăn/Thú nhồi bông yêu thích) với trẻ em mình đã được học, xin chia sẻ cùng các cha mẹ!
Thật tình cờ và kỳ diệu, vì khoảng 1 tuần nay Ốc bắt đầu cực kỳ thân thiết và thường xuyên chơi cùng bạn sư tử bông. Cho sư tử ngồi ghế sofa để nghe nhạc, đu quay cùng bạn, đọc sách cho bạn nghe, cho bạn ti mẹ, cho ngồi cùng lên tô tô, đeo ba lô, mặc quần áo cho bạn, ôm bạn rồi thơm bạn và... đi ngủ cùng bạn. Mọi chuyện diễn ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ kể từ khi bạn bắt đầu yêu mến sư tử đến mức kỳ lạ, dù mẹ đã mua sư tử cho bạn ấy từ rất lâu chứ không phải mới.
Bố mẹ cũng chưa hiểu tại sao, thì hôm nay ngồi học bài và đọc tài liệu mới biết "À, hoá ra là như vậy".
Từ 2-5 tuổi, trẻ em thường sẽ có một đồ vật yêu thích ngoài các món đồ chơi: có thể là một chiếc chăn hoặc một con thú nhồi bông, hoặc bất cứ vật gì đó mềm mại, thoải mái. Những đồ vật này có tên khoa học là "transitional objects" - tạm dịch là Những món đồ chuyển tiếp.
Một nghiên cứu từ năm 1951 của Tiến sỹ Tâm lý học trẻ em D.W.Winnicott đã lần đầu tiên xác định Những món đồ chuyển tiếp này là "đồ vật có ý nghĩa đặc biệt giúp một đứa trẻ có thể thực hiện việc dịch chuyển cần thiết khi thay đổi môi trường và mối quan hệ" - hay nói một cách đơn giản, chúng là những món đồ giúp những đứa trẻ tự làm dịu đi sự lo lắng, sợ hãi khi không có sự giúp đỡ hay ở bên của bố mẹ. Những món đồ chuyển tiếp này cũng cho phép trẻ thiết lập với những kết nối bên ngoài, ngoài người mẹ. Và chúng cũng được mang theo, cầm theo khi trẻ đi học hay ra ngoài mà giảm bớt được sự lo lắng khi rời xa cha mẹ.
Một điều đặc biệt, không giống như người lớn chúng ta nghĩ, rằng những món đồ như tấm chăn hay thú nhồi bông là những đồ vật chỉ đơn giản là "Đồ trẻ con". Trên thực tế, các đồ vật thoải mái này có thể cho phép con độc lập hơn so với các bạn cùng lớp. Với sự trấn an và tin cậy từ một chiếc chăn, một chiếc mũ ở bên cạnh mình, con sẽ cảm thấy an toàn hơn trong những tình huống hay hoàn cảnh không quen thuộc khi ở trường mẫu giáo hay thậm chí cả ở trường tiểu học. Khi con ngã ở sân chơi và mẹ không có ở đó để thơm lên má hay xoa chỗ đau, gấu teddy hay một chiếc khăn có thể xoa dịu sự sợ hãi của trẻ.
Có nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em có những món đồ như vậy thực sự ÍT NHÚT NHÁT VÀ TẬP TRUNG nhiều hơn những đứa trẻ không có chúng. Một chiếc chăn hay con gấu bông yêu thích giống như một lời thì thầm đầu tiên trong đời con, để tự nói với mình rằng "Tất cả đều ổn thôi". Với cảm giác an toàn có được từ những đồ vật này, trẻ cảm thấy an toàn vừa đủ để đương đầu với những rủi ro hay khó khăn nhỏ, để tự do khám phá và phát triển.
Bởi vậy, trước khi bố mẹ khước từ một món đồ chơi nào đó kiểu như những món đồ chuyển tiếp này, hãy suy nghĩ kỹ lại, bởi vì các chuyên gia đã khẳng định rằng bất kỳ lời chỉ trích hay khước từ nào khi bé chọn món đồ yêu thích rất có thể sẽ gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn cuộc sống sau này của con. Ngược lại, nếu bố mẹ quan tâm và tôn trọng tới cả những đối tượng mà con yêu thích (dù chỉ là một con gấu bông), thì mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ đều được cải thiện và gắn bó hơn rất nhiều.
Theo các thống kê, những đồ vật thoải mái như blankie khá phổ biến trong trẻ em: khoảng 60% trẻ có chúng, và thậm chí người lớn cũng vẫn có (khoảng 35%). Các bạn có thể nhận ra hoặc không, nhưng rất nhiều người lớn trong chúng ta, có đôi khi cảm thấy thoải mái chỉ bởi vì một món đồ vật nào đó. Ví như cả ngày đi làm về căng thẳng và nhìn thấy một món đồ lưu niệm treo trên tường, nhắc tới một kỷ niệm đẹp trong quá khứ... và chúng ta nhẹ lòng mỉm cười. Nó cũng giống như một tấm chăn tạo cảm giác an toàn với con trẻ vậy.
Chuyên Gia Tâm Lý Học Colleen Goddard
Những đồ vật chuyển tiếp này đại diện cho một quá trình mà con người muốn định hướng cuộc sống, cảm thấy một sự cân bằng hay là tạo ra cảm giác gắn kết của hạnh phúc ở một giai đoạn nào đó.
Và một điều quan trọng là trẻ sẽ tự quyết định khi nào chúng chán hoặc bỏ không chơi với những món đồ vật này nữa.
Hoá ra, mọi thứ đều có lời giải cả. Nên là càng học, càng đọc, càng tìm hiểu, càng khám phá ra những điều thú vị và vô cùng hữu ích xung quanh những đứa trẻ.