Thời điểm mẹ có thể tập cho con thói quen tự ngủ là giai đoạn từ 6- 8 tuần tuổi. Đây là thời kỳ mẹ dễ dàng hình thành cho trẻ phản xạ có điều kiện, giúp con có thói quen tự ngủ theo đúng giờ giấc.
Khi con được 6 - 8 tuần tuổi, mẹ đã có thể tập thói quen để con tự ngủ. Giúp con phân biệt giữa ngày và đêm, lập thời gian biểu trong ngày và điều chỉnh âm thanh, ánh sáng... là những cách làm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại yêu cầu sự kiên nhẫn cao của mẹ để con có thể tự đi ngủ mà không cần dỗ dành.
Giai đoạn mới sinh đến trước 1 tháng tuổi, trẻ sơ sinh ngủ suốt ngày đêm. Cứ khoảng 2 đến 3 giờ, trẻ sẽ thức dậy để bú một lần. Vì thể tích dạ dày trẻ rất nhỏ nên con thường mau đói và thường phải thức dậy để bú mẹ.
Do chưa phân biệt được ngày và đêm nên nhiều trẻ sẽ ngủ liên tục vào ban ngày và thức giấc chơi đùa vào ban đêm. Trung bình, bé sơ sinh sẽ ngủ tổng cộng từ 8 – 9 tiếng vào ban ngày và khoảng 8 tiếng vào ban đêm.
Khi tỉnh giấc, mẹ có thể thấy con mở mắt nhìn xung quanh. Tiếp đến, trẻ sẽ khóc để thu hút sự chú ý.
Khi được 6 tuần tuổi, mẹ đã có thể tập cho con thói quen tự ngủ. Ở độ tuổi này, mẹ nên áp dụng một số cách để giúp bé ngủ ngon như sau:
Từ 6 – 8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh không nên thức quá 2 giờ đồng hồ. Nếu thức lâu hơn, trẻ sẽ mệt mỏi và rất khó ngủ trở lại. Do đó, mẹ nên nhận biết những dấu hiệu chứng tỏ con đã buồn ngủ của con như: liên tục chớp mắt, mắt lim dim, hay ngáp, vừa khóc vừa nhắm mắt. Nếu thấy con có dấu hiệu này, mẹ nên lập tức cho con đi ngủ.
Nhiều trẻ sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ. Thời gian mang thai, nếu >mẹ bầu thấy con đạp trong bụng nhiều hơn vào ban đêm nghĩa là con đang thức giấc. Khi chào đời, bé sẽ tiếp tục duy trì thói quen này và khiến đồng hồ sinh học của mẹ bị đảo ngược. Mẹ không thể thay đổi thói quen của con ngay lập tức mà phải kiên nhẫn tập cho con thói quen đi ngủ khi bé được hai tuần tuổi.
- Tăng cường hoạt động cùng con vào ban ngày: Nếu ngủ nhiều vào ban ngày, ban đêm bé sẽ thức khiến mẹ dễ mệt mỏi. Vì vậy, mẹ cần thực hiện một số hoạt động để con luôn tỉnh táo vui chơi:
+ Chơi đùa cùng con.
+ Trò chuyện và hát cho con nghe khi con bú.
+ Để phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
+ Để các âm thanh (tiếng ti vi, chuông điện thoại, tiếng nói chuyện) diễn ra bình thường ở cường độ phù hợp với thính giác của trẻ.
+ Khi bé bú mẹ chưa đủ sữa mà đã thiu thiu ngủ, mẹ nên nhẹ nhàng thức con dậy.
- Giúp con nhận biết ban đêm: Để con nhận biết trời đã về đêm, sắp đến giờ đi ngủ, mẹ cần:
+ Giữ không gian yên tĩnh, đi nhẹ, nói khẽ khi con bú vào ban đêm.
+ Phòng ngủ vặn nhỏ đèn, không gian yên tĩnh và không trò chuyện với bé.
Con được 6 – 8 tuần tuổi, mẹ có thể bắt đầu >tập cho con tự ngủ. Lúc này, nhận thấy con có các dấu hiệu buồn ngủ, mẹ hãy đặt bé vào nôi.
Việc tập cho con tự ngủ vào giai đoạn này sẽ quyết định thói quen ngủ của bé về sau. Vì vậy, nếu mẹ cho bé nằm võng hay nôi để đung đưa hoặc ôm bé khi chuẩn bị vào giấc ngủ thì bé sẽ quen và không ngủ nếu không được mẹ làm như vậy những lần sau. Do đó, nhiều chuyên gia khuyên mẹ không nên đung đưa và cho bé ngậm vú giả để dỗ bé ngủ. Đây là thói quen xấu cần xóa bỏ để giúp con tự ngủ ngoan hơn.
Mẹ nên thực hiện một số thói quen khác để dỗ bé vào giấc ngủ như: hát ru, nghe nhạc, xoa nhẹ đầu… Nếu mẹ cho con nằm võng hoặc nôi thì chỉ nên đưa nhẹ lúc con thiu ngủ và dừng lại khi bé ngủ say.
Mẹ cần xây dựng thời gian biểu cho con, cụ thể: thời gian ngủ, thời gian bú, thời gian tắm, thời gian chơi đùa. Thực hiện đều đặn mẹ sẽ giúp con hình thành thói quen tự ngủ. Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ nên dùng khăn ấm lau người cho con, massage nhẹ. Trẻ sơ sinh cần đi ngủ trước 8 giờ tối để não bộ và thể chất phát triển toàn diện.
Mẹ cần để nhiệt độ phòng vào khoảng 28oC để bé ngủ ngon giấc. Phòng ngủ cần được đặt ở nơi kín đáo nhưng thoáng mát, tránh gió lùa. Mẹ lưu ý không nên để quạt chĩa thẳng vào người bé hoặc điều hòa quá lạnh. Mẹ cũng đừng quên giữ cho con được khô ráo để bé có giấc ngủ chất lượng.
Kiên trì thực hiện trong một thời gian ngắn, mẹ sẽ tập cho con cách tự ngủ ngoan, êm giấc suốt đêm.