Khi làm cha mẹ, có thể bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên, nhưng không phải lời khuyên nào cũng có thể giúp ích cho bạn, bởi đôi khi, điều bạn cần nhất chính là sự tự tin vào trực giác làm cha mẹ của chính mình.

06:30 06/02/2018

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nhi khoa William Sears và vợ là bà Martha Sears với 40 năm kinh nghiệm làm cha mẹ của 8 người con và 35 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh và chăm sóc nhi khoa cho các bệnh nhân và gia đình họ, đã tích lũy được rất nhiều bài học cùng trải nghiệm về những điều cần thiết để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh và làm thế nào để cha mẹ có thể tận hưởng niềm vui của hành trình làm cha mẹ.

Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Babytalk (một tờ tạp chí về trẻ nhỏ có lịch sử lâu đời nhất tại Mỹ với ấn bản đầu tiên năm 1935), khi biên tập viên "hỏi khó" ông với một câu hỏi rằng: "Những lời khuyên hàng đầu mà ông nghĩ rằng mọi cha mẹ trẻ cần nhận được từ những chuyên gia như ông là gì?", ông đã chia sẻ 6 điều cơ bản nhất về chăm sóc trẻ nhỏ mà ông cho rằng sẽ mang đến nhiều niềm vui và những điều tốt đẹp nhất cho cả bố, mẹ và các em bé.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần ghi nhớ khi trở thành cha mẹ, đó là làm sao để nuôi dạy con trở thành một em bé khỏe mạnh và hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là 6 bí mật giúp bạn xây dựng niềm tin và nuôi dưỡng cảm xúc của mình vào việc nuôi dưỡng những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc.

1. Sự gắn kết

Vợ chồng Giáo sư William Sears có xây dựng một công thức dành cho các cha mẹ để áp dụng ngay từ khi con vừa chào đời, đó là công thức "Baby B's" (Những chữ "B" cần thiết cho trẻ sơ sinh), theo ông, công thức này bao gồm những thói quen, cảm xúc, hành động của cha mẹ với trẻ sơ sinh giúp họ cảm thấy thích thú, hạnh phúc và hào hứng hơn với công việc chăm sóc em bé và làm cha mẹ của mình.

Cho con bú sữa mẹ là một cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để gắn kết tình cảm mẹ con. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là công thức "Baby B's" mà ông nói tới:

"Birth bonding": Những tiếp xúc lúc chào đời của cha mẹ với em bé là vô cùng cần thiết. Trong suốt khoảng thời gian từ khi sinh con cho tới lúc xuất viện, hãy yêu cầu các bác sĩ cho phép bạn được da tiếp da, ở bên cạnh và ôm ấp em bé của bạn càng nhiều càng tốt.

"Breastfeeding": Cho con bú mẹ thực sự là một trải nghiệm kì diệu và tuyệt vời. Bên cạnh rất nhiều các lợi ích về >dinh dưỡng, >sức khỏe đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh, cho con bú mẹ còn là một cơ hội hoàn hảo và sợi dây kết nối thiêng liêng giúp mẹ và bé làm quen và thấu hiểu nhau nhanh hơn.

"Babywearing": Những em bé được âu yếm, chăm sóc và thường xuyên được ở gần những người thân (được bế ẵm, được nằm cạnh, được massage, được hát cho nghe…) thường sẽ ít quấy khóc và gây phiền phức, cũng như phát triển toàn diện hơn những em bé không được chăm sóc như vậy. Vì thế, hãy cố gắng luôn ở bên em bé của bạn càng nhiều càng tốt.

"Believing in your baby's cries": Tin tưởng và tiếng khóc của trẻ nhỏ. Tiếng khóc là ngôn ngữ của con bạn. Chúng dùng tiếng khóc để giao tiếp chứ không phải để điều khiển bạn.

2. Đừng quên chăm sóc bản thân và cảm giác yên ổn của chính mình


Một người mẹ hạnh phúc là em bé sẽ hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Vài năm sau khi em bé chào đời, Giáo sư William Sears cho rằng, cha mẹ cần bổ sung thêm một chữ B nữa vào công thức "Baby B's", đó chính là "Balance" – Sự cân bằng. Khi bạn quay cuồng trong việc xử lý và đáp ứng các nhu cầu của em bé, bạn sẽ rất dễ dàng bỏ rơi chính mình và chồng (hoặc vợ) của mình. Chỉ cần bạn luôn nhớ: "Một người mẹ/người bố hạnh phúc = Một em bé hạnh phúc" để đừng bao giờ cảm thấy có lỗi khi dành thời gian để chăm sóc cho bản thân và bạn đời của mình.

3. Hãy luôn nhìn thật sâu vào mắt của con

Vào những lúc kiệt sức, cáu giận và mất kiểm soát nhất, hãy cố gắng nhìn thật sâu vào đôi mắt trẻ thơ trong veo, đầy cảm xúc của con, chắc chắn bạn sẽ luôn tìm thấy câu trả lời/phương án đúng đắn nhất cho hành động của mình và tránh được những việc làm sai làm, đáng tiếc gây tổn thương cho con và chính bản thân bạn nữa.

4. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tin tưởng bạn

Khi có con, bạn sẽ bị ngập lụt trong vô số lời khuyên trái ngược nhau của bạn bè, ông bà, bố mẹ, hàng xóm, các chuyên gia làm cha mẹ và thậm chí là cả những người xa lạ và những người mà bạn tin cậy để trao quyền cùng bạn chăm sóc cho em bé – người liên tục hối thúc bạn phải luyện ngủ cho con bằng phương pháp "cry it out", để cho bé khóc cho đến khi bé học được cách tự xoa dịu bản thân. Những chuyên gia "huấn luyện trẻ sơ sinh" này thường khiến bạn cảm thấy bạn đang làm điều gì đó sai lầm với con của mình.

Vợ chồng Giáo sư William Sears cho rằng, có một sự thật, bạn là chuyên gia giỏi nhất về con của mình, vì vậy, hãy chỉ nên tìm kiếm sự giúp đỡ, chia sẻ từ những người có cùng quan điểm >nuôi dạy con với bạn, những người có thiện chí và sẵn sàng ủng hộ con đường mà bạn đang đi chứ không phải là những người chỉ nhăm nhe phê phán hay đánh giá những việc mà bạn đang làm.

5. Tìm một bác sĩ nhi khoa tin cậy cho con

Điều này là vô cùng cần thiết và quan trọng. Hãy tìm một bác sĩ nhi khoa tin cậy để theo dõi và khám bệnh cho con bạn ngay từ những ngày đầu tiên khi bé chào đời và sau này. Hãy coi bác sĩ nhi khoa là một người bạn đồng hành trên con đường nuôi dạy con của bạn chứ không phải là một "nhân vật quyền lực" mà bạn cần nhờ cậy những lúc khó khăn, và biết cách để biến chính mình trở thành "bác sĩ Mẹ" của con.

Khi trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, ốm đau, hãy bắt đầu bằng việc ghi chú lại những thay đổi bất thường của con về vẻ bên ngoài cơ thể, cảm xúc và hành vi, những dấu hiệu, tiến triển hoặc nặng thêm của trẻ cũng nên được ghi lại càng tỉ mỉ càng tốt bởi đây chính là căn cứ quan trọng giúp bác sĩ nhi khoa thăm khám, chẩn đoán bệnh cho trẻ. "Đừng rụt rè hay ngại ngùng bày tỏ quan điểm, đánh giá của bạn, bởi một người bác sĩ nhi khoa chân chính và thực sự giỏi nghề sẽ luôn tin tưởng đầu tiên vào bản năng làm mẹ và trực giác của bạn", là lời khuyên của GS William dành cho bạn.

6. Nuôi dưỡng chất lượng giấc ngủ

Ngay từ nhỏ hãy giúp cho em bé của bạn học được rằng, đi ngủ là một trạng thái vô cùng dễ chịu và thư giãn, giúp bé lớn lên và bảo vệ sức khỏe. Bạn có thể làm được điều này bằng cách chuẩn bị cho con một không gian ngủ dễ chịu, êm ái, yên tĩnh và đủ tối cùng với việc duy trì những thói quen trước giờ đi ngủ một cách đều đặn và đúng trình tự, bao gồm: tắm nước ấm cho trẻ, massage cho trẻ, thủ thỉ hát ru và đọc sách, hôn chúc trẻ ngủ ngon…

Chất lượng giấc ngủ rất có ý nghĩa đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)

Theo GS William, nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn về chuyện "em bé sẽ ngủ ở đâu?", "ngủ chung hay ngủ riêng"…, câu trả lời của ông là "hãy cho trẻ ngủ ở bất cứ nơi nào giúp cả gia đình có thể ngủ ngon", đó có thể là phòng riêng của trẻ, một chiếc cũi riêng cho trẻ trong phòng của bố mẹ, hay một chiếc nôi đặt sát ngay cạnh mẹ trong những ngày đầu tiên em bé mới chào đời… Bố mẹ hoàn toàn có thể thay đổi và có những sự điều chỉnh phù hợp hơn khi em bé lớn dần lên.

Không chỉ là những người dày dặn kinh nghiệm về nhi khoa và chăm sóc trẻ nhỏ, vợ chồng Giáo sư William Sears còn là tác giả và đồng tác giả của hơn 35 cuốn sách nổi tiếng về chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ và nuôi dạy con, những chia sẻ gần gũi và thực tế của họ thực sự là kim chỉ nam giúp cho nhiều cha mẹ tự tin hơn, thư giãn hơn trong công việc nuôi con của mình và cùng với con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh của những cha mẹ khỏe mạnh và hạnh phúc.

Theo Happy Moms/Afamily/Helino