Trong mắt những đứa trẻ, việc tương lai thành người giàu có, thành đạt, giỏi giang, nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì, điều chúng muốn bây giờ là được vui vẻ, thoải mái, nô đùa… Nhưng bố mẹ thì không hiểu điều đó.
Bất cứ người cha, người mẹ nào sau khi sinh con cũng đều ước mơ con mình lớn lên sẽ trở thành người giỏi giang, hạnh phúc. Ước mơ đó là chính đáng, nhưng nó sẽ tạo thành thảm họa khi cha mẹ biến nó thành một thứ áp lực tinh thần, bắt con phải thành người như họ kỳ vọng.
Câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh phải giật mình
Tâm sự của những đứa trẻ gánh trên mình trọng trách phải thành người “khiến bố mẹ nở mày nở mặt”.
Trong khi nhiều bà mẹ ngồi “tám chuyện” với nhau, họ hào hứng kể về thành tích học tập xuất sắc của con mình, kể về con giỏi giang ra sao, được khen ngợi như thế nào… thì ở những nơi khác, lại có những câu chuyện đầy suy ngẫm:
“Từ khi bắt đầu vào năm học mới, bố tôi không thích ra ngoài sân để uống trà nữa. Bởi lẽ mẹ con nhà trên cứ đúng ngày đó, giờ đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến. Tiếng người mẹ sẽ quát tháo ầm ĩ, và cậu bé sẽ lại gào khóc… Những điều đó lặp đi lặp lại mỗi ngày khiến bố tôi không thể nào chịu đựng được.
Đây không phải là một lời nói quá. “Người mẹ vĩ đại” đó luôn gào thét những câu kiểu như:
- Mẹ đếm đến 3, vào học ngay!
- Tắt ngay tivi, học bài đi!
- Con đang làm bài tập chưa vậy? Sao giờ này còn đi vệ sinh, nhanh lên, vào học đi.
- Tại sao lại là trang này? Con làm cái quái gì vậy, nửa giờ tối qua con viết được vài chữ thế này à? Đừng để mẹ phải đánh con…
Sau đó sẽ là tiếng khóc của thằng bé, rồi cả những lời xin lỗi rối rít của người mẹ khi trót mạnh tay đánh con. Những việc này cứ hiển hiện trước mắt bố tôi, khiến ông chán nản tới mức đập cả ấm trà đi vào nhà”.
Trên đây là lời kể của một người hàng xóm, ngày ngày phải chứng kiến cảnh gia đình nhà bên dạy con học như cực hình.
Còn đây là câu chuyện của những đứa trẻ khác:
- Cậu bé 1: Khi tớ đi học về, mẹ tớ đuổi theo tớ, hét lên, bắt tớ vào bàn ngồi làm bài tập về nhà. Điều đó thật khó chịu.
- Cậu bé 2: Mẹ tớ cũng vậy, bà dữ dằn y như một mụ phù thủy già. Tôi ghét mẹ nhất. Tại mẹ mà tôi không có chút thời gian nào để chơi.
- Cậu bé thứ 3: Mẹ tớ còn khó chịu hơn. Mẹ tớ mua hàng loạt những quyển sách nâng cao, tư vấn, các sách bài tập về bắt tớ làm. Còn một món đồ chơi nhỏ bà cũng không mua cho tớ. Có cảm giác không mua sách để ép tớ học thì mẹ tớ sẽ chết ngay vậy.
Đây là thực tế đau lòng đang diễn ra tại nhiều gia đình châu Á, trong đó có Việt Nam, nơi mà trẻ em bị mất đi quyền tự quyết và độc lập, bị áp lực quá nhiều bởi những kỳ vọng của bố mẹ. Mỗi ngày qua đi, có rất nhiều đứa trẻ phải vật lộn, khủng hoảng và chiến đấu với sự bắt ép làm bài tập của bố mẹ sau khi tan học.
Trong mắt những đứa trẻ, việc tương lai thành người giàu có, thành đạt, giỏi giang, nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì, điều chúng muốn bây giờ là được vui vẻ, thoải mái, nô đùa… Nhưng bố mẹ thì không hiểu điều đó. Thậm chí ngay từ khi con vào lớp 1 họ đã áp dụng một chế độ học khủng khiếp để con “không mất gốc từ đầu”.
Các bậc phụ huynh nghĩ rằng bằng cách này họ đang từng ngày tạo ra một đứa trẻ ưu tú. Nhưng họ đã lầm. Các chuyên gia chia sẻ rằng: “Trẻ em sẽ làm tốt hơn khi chúng cảm thấy thích. Khi trẻ cảm thấy kết nối cảm xúc và tình yêu, chúng có động lực hơn để làm việc, học tập, yêu thương và tôn trọng người khác”
Bởi vậy, dưới đây là những điều mà bố mẹ nên làm khi dạy con học bài ở nhà thay vì quát tháo, đe nẹt và mắng mỏ con:
Gợi ý cùng nhau học tập chứ không ép buộc
Trẻ em cần phải được tôn trọng và chúng rất mong muốn được khẳng định bản thân. Khi chúng ta mở miệng ra lệnh, bắt ép, lớn tiếng, quát tháo, ngay lập tức chúng sẽ cảm thấy không vui, chống cự, thậm chí là gào khóc phản đối tới cùng.
Hãy dùng thử cách này, nói với con những câu như:
- Mẹ con mình cùng làm bài tập về nhà đi, con sẵn sàng chưa nào?
- Hôm nay con đã học được những gì thế? Con dạy lại mẹ với được không?
- Cô giáo cho điểm bài tập hôm qua của con bao nhiêu vậy? Con có được cô khen không? Hôm nay mẹ con mình cùng làm bài tập để mai cô phải ngỡ ngàng đi.
Điều này sẽ không chỉ đánh lạc hướng trẻ, giúp trẻ bỏ sở thích đang xem truyền hình hay chơi đồ chơi để quay sang tập trung chinh phục một thứ khác cùng với mẹ. Nó giống như một trò chơi mới. Còn ngược lại, nếu cha mẹ chạy tới, ném đồ chơi của con đi, lôi xềnh xệch vào bàn học bắt làm bài, tất yếu sẽ gây ra một cuộc chiến.
Khen ngợi là động lực lớn nhất
Lời khen ngợi, sự tin tưởng là một thứ năng lượng tích cực được trao đi, sẽ giúp trẻ thêm tự tin, nâng cao lòng tự trọng để vui vẻ học tập và đạt được những thành tích tốt.
Khi trẻ làm bài tập về nhà, chúng ta phải phát hiện ra những lợi thế của trẻ đúng lúc. Mỗi đứa trẻ đều có một năng khiếu, một lĩnh vực mà trẻ làm tốt hơn. Đừng chỉ nhìn vào những thứ mà trẻ chưa làm được để chê bai hay bắt trẻ làm đi làm lại cái sai. Thay vào đó, hãy khen ngợi trẻ với những thứ mà trẻ đã làm tốt.
Thực chất với trẻ, chúng không hề hiểu được mối quan hệ giữa việc học tập bây giờ và sự sinh tồn sau này. Chúng sẽ chỉ quan tâm tới cảm giác hiện tại trong mình, vui hay buồn, hào hứng hay chán nản, vì thế người lớn muốn tính chuyện lâu dài thì ngay từ lúc này phải tự khiến trẻ thấy vui và có niềm đam mê với học tập.
Hãy nghỉ ngơi, đừng quá lo lắng và đợi ngày hoa nở
Các bà mẹ mỗi ngày qua đi đều nỗ lực rồi ra sức ép con học với hi vọng tương lai con sẽ giỏi giang, thành tài, kiếm được nhiều tiền. Thực tế, bạn không cần phải làm quá lên như vậy, nhiều khi cha mẹ càng “chăm chỉ thái quá” thì họ càng sai.
Hãy để đứa trẻ lớn lên một cách tự nhiên, tạo niềm cảm hứng cho cuộc sống của con. Một đứa trẻ yêu đời, vui vẻ tự khắc sẽ có ngày thành công. Đừng ép hoa phải nở sớm, đừng ép con phải đạt được những kì vọng của bạn khi con còn quá nhỏ.