Cô bé đã vĩnh viễn không tỉnh lại sau khi người mẹ trút cơn thịnh nộ lên đầu bé chỉ vì bé tè dầm trên giường.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ nhỏ sẽ không ngừng phạm sai lầm và bố mẹ nên là người kiên nhẫn cho con cơ hội được sửa sai. Một số phụ huynh trong lúc nóng giận đã trừng phạt con khắc nghiệt và cuối cùng trả giá là sự hối hận cả đời.
Chị Trần (Trung Quốc) có tính cách rất nóng nảy, mỗi khi có gặp chuyện không vừa ý là chị liền trút giận lên con gái nhỏ 4 tuổi. Ngày hôm ấy, vào lúc 2 giờ sáng, chị Trần phát hiện bé Tiểu Hy tè dầm.
Chị đánh con một trận và mắng chửi thậm tệ: "Con 4 tuổi rồi còn tè dầm à? Mẹ nhặt đứa trẻ khác về nuôi còn tốt hơn là sinh một đứa trẻ phiền phức như con. Mẹ phạt con ra đứng góc tường!".
Bé Tiểu Hy sụt sịt đáp: "Mẹ ơi, con không dám nữa". Bé vừa khóc vừa run rẩy ra đứng góc tường. Chị Trần chưa nguôi cơn giận, chị cầm quyển tạp chí ném vào đầu bé. Chị hét lên: "Con hãy đứng yên đấy chịu phạt". Sau đó, chị Trần lên giường ngủ và mặc kệ cô bé 4 tuổi khóc thút thít.
Sáng hôm sau, chị Trần tỉnh giấc phát hiện bé Tiểu Hy đã bất tỉnh và nằm sõng soài ở góc tường. Đưa tay thăm dò hơi thở của con, chị kinh hoàng nhận ra con đã ngừng thở. Chị lập tức gọi xe cấp cứu nhưng mọi phương pháp cứu chữa đều vô vọng. Bé Tiểu Hy vĩnh viễn không tỉnh lại sau khi người mẹ trút cơn thịnh nộ lên đầu bé chỉ vì bé tè dầm trên giường.
Tại sao bé 4 tuổi vẫn tè dầm trên giường?
1. Bé 4 tuổi tè dầm là hiện tượng bình thường
Bác sĩ khoa nhi cho biết, trẻ 4 - 5 tuổi tè dầm là hiện tượng khá phổ biến và thuộc về vấn đề sinh lý. Nguyên nhân là do cơ vòng (cơ co giãn ở hậu môn, bàng quang) chưa phát triển hoàn thiện. Chức năng sinh lý chưa phát triển hoàn toàn nên chuyện bé tè dầm là hiện tượng rất bình thường.
2. Kiểm tra cơ thể bé liệu có gặp vấn đề bất thường?
Trước tiên, mẹ cần kiểm tra xem dạo gần đây bé có gặp áp lực về tâm lý không? Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến gia đình hoặc đi nhà trẻ. Đối với trẻ nhỏ, giải tỏa áp lực thường ở phạm vi giới hạn nên có thể dẫn đến hiện tượng trẻ tè dầm.
Điều tiếp theo, mẹ cần xem xét có dành thời gian và sự quan tâm đúng mức cho con không? Đôi khi, trẻ cảm nhận được sự lạnh nhạt đến từ cha mẹ, bé không thể bày tỏ cảm xúc ấm ức nên cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tè dầm, điều này được xem như là cách tiềm thức đang giải tỏa cảm xúc.
Sau khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ nên phản ứng thế nào?
1. Ổn định cảm xúc của chính mình
Khi phát hiện trẻ phạm lỗi, bố mẹ cần ổn định cảm xúc của chính mình. Trẻ còn nhỏ, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nếu ngay cả phụ huynh cũng kích động sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Hãy đợi khi cảm xúc của bố mẹ lắng dịu rồi mới trò chuyện với trẻ.
2. Lắng nghe suy nghĩ của con
Khi trẻ chưa bày tỏ cảm xúc mà phụ huynh đã vội trút giận sẽ chỉ khiến mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái không thể hàn gắn. Cha mẹ cần lắng nghe suy nghĩ của trẻ và bình tĩnh giải quyết mới là điều đúng đắn.
3. Đánh con không giải quyết được vấn đề
Trẻ nhỏ phạm sai lầm là điều khó tránh khỏi, thay vì dùng roi vọt, cha mẹ nên răn dạy để trẻ nhận thức được sai lầm và từng bước sửa đổi. Cha mẹ có thể phạt trẻ bằng cách cho trẻ về phòng tự vấn lại sai lầm, tuy nhiên thời gian và hoàn cảnh cha mẹ phải giới hạn và theo dõi sát sao. Đánh con không thể giải quyết vấn đề.
Con người thường dịu dàng với người lạ nhưng khắt khe với người nhà của mình. Khi cha mẹ khắt khe với con nghĩa là đang tàn nhẫn với chính bản thân mình, nắm tay con, từng bước dẫn dắt con phát triển theo hướng tốt đẹp chính là điều cha mẹ nên làm.