Người mẹ quá lo lắng con đi học mẫu giáo lần đầu sẽ bị bỡ ngỡ nên cẩn thận ghi kín 2 tờ giấy những yêu cầu đặc biệt và gửi cho cô giáo.
Lần đầu con đi học mẫu giáo là một cột mốc quan trọng trong hành trình trưởng thành. Bởi từ đây, con bắt đầu rời xa vòng tay của cha mẹ để hòa nhập vào 1 môi trường rộng lớn hơn, mới mẻ hơn. Đương nhiên, cha mẹ nào cũng sẽ cảm thấy thấp thỏm lo âu liệu con có nhanh chóng thích nghi không, con có ăn được không, có hòa đồng với bạn bè không, cô giáo có yêu quý con không...
Tuy nhiên, một số cha mẹ lại lo lắng thái quá mà không cho con có cơ hội để khám phá môi trường mới. Thậm chí, đưa ra những yêu cầu khiến các thầy cô ở trường mầm non cũng thấy phiền phức.
Cô Giang, một người phụ nữ bị hiếm muộn, mãi 35 tuổi mới sinh được cô con gái đầu lòng sau nhiều năm chạy chữa. Vì thế, cô hết mực yêu chiều, bao bọc con gái. Thậm chí, vì không tin tưởng bất cứ 1 ai có thể >chăm sóc con tốt hơn bản thân nên cô Giang đã nghỉ việc ở nhà làm nội trợ và nuôi con.
Suốt những năm đầu đời của con gái, cô Giang đã chăm chút rất kỹ lưỡng. Thậm chí, vì >sức khỏe của con, cô còn nghiên cứu riêng các công thức nấu ăn của trẻ em, việc uống nước thôi cũng trở nên rất nghiêm trọng.
Nhiều người bạn của Giang cảm thấy con gái cô không có sự độc lập vì được bao bọc quá mức. Họ còn khuyên cô nên cho con gái đi học mẫu giáo, dẫu thế Giang vẫn cứ lần nữa mãi.
Tới khi con được 4 tuổi cô Giang mới quyết định cho đi học ở trường mầm non gần nhà dù trong lòng không hề muốn. Cô sợ con gái sẽ phải chịu khổ, bị bắt nạt, không được quan tâm...
Chính vì thế, cô đã dành thời gian ghi ra tất cả những điều lưu ý về con gái như thích ăn gì, ăn giờ nào, ngủ ở vị trí ra sao... để mang tới trường học. Ngày đầu dắt con tới lớp, bà mẹ chìa ra 2 tờ giấy chi chít chữ, giáo viên phụ trách lớp đã rất bất ngờ.
Nhưng khi liếc mắt đọc, cô giáo liền nói với phụ huynh 1 cách bất lực: "Chúng tôi không phải là người giữ trẻ đặc biệt và không thể làm mọi yêu cầu này cho con gái chị được. Tốt hơn hết chị nên đưa cô bé về nhà!"
Sau khi nghe cô giáo nói, cô Giang cảm thấy sửng sốt, rồi bối rối... Như vậy cô buộc phải lựa chọn cho con gái đi học và "bị" đối xử như tất cả mọi đứa trẻ, hoặc đưa con về và tự mình chăm sóc. Cuối cùng, cô Giang phải bật khóc cho con ở lại lớp và vứt bỏ đi tờ giấy yêu cầu kín 4 mặt kia đi.
Việc cha mẹ lo lắng khi cho con đi học mẫu giáo là điều bình thường. Tuy nhiên, lo lắng quá mức sẽ không chỉ mang lại gánh nặng tâm lý cho bản thân mà còn làm tăng áp lực lên giáo viên, điều này không tốt cho cả hai bên.
Làm thế nào giảm bớt sự lo lắng khi con lần đầu đi học?
1. Điều chỉnh suy nghĩ của cha mẹ
Cha mẹ lo lắng rằng con cái của họ sẽ không thích nghi được, gặp vấn đề gì đó ở trường học. Nhưng lo lắng quá mức sẽ trở thành một "căn bệnh". Tại thời điểm này, cha mẹ có thể cố gắng chuyển hướng sự chú ý, tập trung làm điều gì đó để đánh lạc hướng bản thân.
2. Tin vào con của mình
Cha mẹ chăm sóc con cái từ nhỏ tới khi lớn lên, nhưng một ngày nào đó vẫn phải học cách buông tay. Hãy tin rằng, con cái hoàn toàn có khả năng đối mặt với những thách thức trong tương lai. Nếu cha mẹ luôn bảo vệ con cái quá đà thì lại tước đi cơ hội học hỏi, đối mặt với khó khăn của trẻ.
3. Tin vào giáo viên
Miễn ngôi trường đó là một tổ chức giáo dục chính thức, phụ huynh nên cố gắng tin rằng giáo viên có trách nhiệm với con mình. Chỉ khi cha mẹ đủ tin tưởng giáo viên, họ mới có thể giáo dục trẻ một cách tốt nhất.
Làm thế nào để dạy trẻ tự lập?
1. Bắt đầu những việc nhỏ
Khi trẻ tới một độ tuổi nhất định, cha mẹ nên cho con học cách tự làm mọi việc. Ví dụ, mặc quần áo, ăn một mình, đi vệ sinh... Ban đầu, có thể sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng bạn hãy kiên trì để hướng dẫn trẻ.
Việc dạy con tự lập là cách tốt nhất để bảo vệ con, bởi sau này dù miễn cưỡng thì các bé cũng phải đối mặt với xã hội 1 cách độc lập. Hãy trang bị cho con mọi kiến thức, kỹ năng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của con bạn.
2. Tìm một hình mẫu cho con của bạn
Trẻ học bằng cách bắt chước. Do đó, cha mẹ có thể hướng dẫn con cái thông qua lời nói và hành động của mình hoặc nhân vật hoạt hình yêu thích của chúng. Với cách này sẽ khiến trẻ dễ dàng học theo hơn.