Các ông bố bà mẹ muốn con mình khôn lớn tài giỏi thì nhất định không được bỏ qua 3 giai đoạn hoàng kim này.

06:54 22/05/2018

Từ góc độ khoa học cho thấy, não bộ của một đứa trẻ 10 tuổi đã được định hình, kể từ lúc này mọi hành vi, suy nghĩ của trẻ về cơ bản sẽ không có gì thay đổi. Một nghiên cứu khoa học khác cho rằng: “3, 7, 10” tuổi là giai đoạn bước ngoặt trong quá trình phát triển não bộ của trẻ, cũng là giai đoạn hoàng kim để phát triển não bộ. 

Vì vậy, các ông bố bà mẹ muốn con mình khôn lớn tài giỏi thì nhất định không được bỏ qua 3 giai đoạn hoàng kim này.

 KHI TRẺ 3 TUỔI

 Trẻ 3 tuổi đã bắt đầu hình thành ý thức tự chủ mạnh mẽ, có ý thức về bản năng sinh tồn, yêu cầu, đòi hỏi và tìm bạn… Những bản năng này khiến cho trẻ có thể xuất hiện những biểu hiện: thích cạnh tranh, thích bắt chước, muốn tự mình làm mọi việc hoặc muốn làm bạn và chơi với những người xung quanh.

Tại giai đoạn này, chúng ta cần biết tận dụng có hiệu quả “ý thức cạnh tranh” của trẻ. Ví dụ: Khi chúng ta nói với con rằng: “Cất dọn đồ chơi vào”, thế nhưng trẻ không hề có một động thái gì thì chúng ta có thể nói như sau: “Mẹ với con thi xem ai cất đồ chơi nhanh hơn nhé!”, khi nghe thấy vậy chắc chắn trẻ sẽ hào hứng với việc cất dọn đồ chơi. 

Khi bạn muốn trẻ chạy nhanh hơn nhưng trẻ vẫn cố tình đi chậm về phía sau, càng nói lại càng lề mề. Thế nhưng chỉ cần bạn nói với con rằng: “Chúng ta hãy chạy thi nhé!” thì ngay lập tức trẻ sẽ chạy thật nhanh về phía trước.

Trong giai đoạn này, có nhiều trẻ vẫn chưa biết thể hiện cảm xúc, tâm tư tình cảm, con vẫn chỉ biết khóc và ăn vạ để người lớn đáp ứng nhu cầu. Bố mẹ trước tiên phải hiểu được con mình muốn gì, sau đó có thể đưa ra những phương án để trẻ lựa chọn, tuyệt đối là không được dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Ví dụ như trẻ la hét và khóc lóc khi không được xem ti vi nữa, mẹ có thể đưa ra lựa chọn khác để đánh lạc hướng của trẻ như: đi tắm, dắt chó đi dạo hoặc chơi đồ chơi cùng bố mẹ… cách làm như vậy sẽ hiệu quả hơn việc bạn tự động tắt ti vi mà không thông qua sự thỏa hiệp với con.

KHI TRẺ 7 TUỔI

Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu đi học tiểu học, đây cũng chính là giai đoạn khó bảo lần 2. Trong độ tuổi này bất kể là làm việc gì thì cũng luôn lề mề và hình thành một thái quen xấu. Trẻ có thể sẽ nói: “Đợi tí nữa rồi con làm” hoặc những câu nói tương tự thể hiện suy nghĩ mình không muốn làm.

Những đứa trẻ hay nói “Đợi con một tí” thì không thể hình thành suy nghĩ tự chủ động làm một việc nào đó, trí nhớ và khả năng tư duy cũng sẽ không được phát huy.

Trong trường hợp này chúng ta có thể cho trẻ sự lựa chọn: “Giờ con hãy dọn dẹp phòng của mình, sau khi dọn xong thì con có thể tiếp tục chơi điện từ, con thấy thế nào?”. Mẹ hãy tỏ ra thiện chí và không nên dùng ngữ điệu ra lệnh đối với trẻ, để con tự nguyện trả lời: “Con sẽ dọn phòng ngay bây giờ”.

Trong trường hợp với một đứa trẻ không bao giờ thích dọn dẹp thì mẹ phải đầu tư thêm một chút công sức trong việc thuyết phục trẻ, bạn có thể thiết kế một trò chơi để cùng trẻ vừa làm vừa chơi, như vậy sẽ có hiệu quả hơn việc bạn ép buộc trẻ phải thực hiện yêu cầu của mình.

 KHI TRẺ 10 TUỔI

Giai đoạn 7 đến 10 tuổi là giai đoạn trẻ bước vào giai đoạn học hành, thế nhưng nhìn từ góc độ rèn luyện trí não của trẻ thì có một điều mà bố mẹ cần chú ý đó là tuyệt đối không nên nói với con rằng: “Mau đi học bài đi”.

Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ đã bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn những lời nói của cha mẹ, nếu bạn chỉ thích ra lệnh thì sẽ gây cho trẻ sự phản cảm và tâm thế sẵn sàng chống đối.

Điều mà những bậc phụ huynh có kinh nghiệm nên làm đó là định hướng cho con một lối đi rõ ràng. Thay vì ra lệnh bắt con phải nghe theo lời mình, mẹ nên đưa ra các phương án để con có thể lựa chọn, ví dụ như thay vì nói: “Con phải làm thế này này” thì mẹ hãy nói: “Thế bây giờ con muốn làm thế nào nhỉ?”.

Ví dụ như con không giỏi các môn học tự nhiên, chúng ta lại nói: “Con phải đầu tư thêm vào các môn học tự nhiên” hoặc “Có gì không hiểu phải hỏi thầy giáo chứ”, những câu nói như vậy sẽ không khiến trẻ có thêm động lực để học.

Thay vì vậy mẹ có thể tâm sự với con rằng: “Thực ra thì ngày xưa mẹ cũng rất sợ những môn học tự nhiên, nhưng cứ khi  có chỗ nào không hiểu mẹ liền hỏi thầy giáo, chỉ sau vài lần như vậy mẹ đã có tiến bộ rõ rệt, con nghĩ con nên làm gì để  nâng cao thành tích những môn học tự nhiên?”.

Điều quan trọng là chỉ nên định hướng mà không nên áp đặt, hãy để cho trẻ tự nói ra: “Con sẽ làm thế này” hay “Con muốn như thế này”. Nếu muốn cho con có thêm thời gian suy nghĩ thì mẹ có thể nói: “Con nghĩ xem, biết đâu con lại có phương án giải quyết tốt hơn mẹ, con hãy suy nghĩ đi nhé, ngày mai chúng ta sẽ lại tiếp tục”.

Làm như vậy trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, bạn hãy nhớ rằng hãy đưa ra lời khen với trẻ sau khi con đã thực sự cố gắng để nghĩ ra hướng giải quyết vấn đề.

Theo Mai Linh/Eva/Khám Phá