Một cặp sinh đôi 13 tuổi ở Trung Quốc đã kiện bố lên tòa án vì không đòi lại được tiền lì xì với lý do "muôn thưở" bố mẹ nào cũng nói với con.
Vợ chồng anh Zhou và chị Wu ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, có một cặp sinh đôi trai gái Zhou Mouxiang và Zhou Moufei. Sau Tết năm 2020, anh Zhou đã thu lại 6.800 tệ tiền lì xì (gần 60 triệu đồng) của hai con, với lý do "bố cầm để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các con". Nhiều lần lũ trẻ yêu cầu trả nhưng ông bố từ chối vì nhiều lý do. Cuối cùng hai anh em buộc kiện bố ra tòa.
Mới đây, tòa án Nhân dân Bi Châu, thành phố Từ Châu đã lệnh cho Zhou phải trả lại toàn bộ tiền cho hai con.
Thẩm phán cho biết, lì xì là "tài sản cá nhân hợp pháp" của trẻ. Vì cả hai nguyên đơn đều chưa thành niên, nên ông Zhou sẽ chuyển tiền cho mẹ hai bé - những đứa trẻ do cô chăm sóc sau khi hai vợ chồng ly hôn.
Bao lì xì màu đỏ được coi là biểu tượng của sự may mắn và phước lành. Việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con khi chúng còn là trẻ vị thành niên là điều khá phổ biến, điều này đã dẫn đến các cuộc thảo luận về quyền sở hữu số tiền đó.
Ảnh minh họa.
Trong khi một số người cho rằng việc cha mẹ quản lý tiền của con cái sẽ ngăn cản trẻ tiêu xài hoang phí, thì những người chỉ trích lại cho rằng điều đó ngăn cản chúng học về các kỹ năng quản lý tiền bạc.
"Tôi đang tiêu tất cả tiền lì xì của con. Tôi nghĩ đó là khoản có đi có lại giữa các bậc cha mẹ", một người nói.
"Những đứa trẻ nhỏ chưa có nhận thức đầy đủ về quản lý tài chính, nhưng những đứa trẻ lớn hơn nên có quyền tiêu tiền của mình để có kỹ năng cho tương lai", một người dùng khác nói.
Luật Dân sự của Trung Quốc cho phép cha mẹ có quyền giúp quản lý tiền cho trẻ em dưới 8 tuổi, nhưng họ không được phép chi tiêu mà không có sự đồng ý của trẻ. Tuy nhiên, trẻ trên 8 tuổi có thể tiêu số tiền kiếm được dưới sự hướng dẫn của cha mẹ.
Tiền lì xì của con trẻ có thể gây ra những bất hòa trong mối quan hệ cha mẹ, con cái nếu không có sự giải thích, kế hoạch quản lý hợp lý, hợp tình.
Khi còn bé, trẻ thích thú khi được nhận lì xì, có thể chưa quan tâm nhiều đến việc giữ tiền nên trẻ dễ dàng đưa cho bố mẹ. Nhưng đến một tuổi nhất định, khi có ý thức về giá trị đồng tiền và nhu cầu về tiền, trẻ sẽ thể hiện quyền "sở hữu" của mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều cha mẹ cần lưu ý là tuyệt đối không được dùng quyền lực để ép buộc con phải nộp lại tiền lì xì, hay tịch thu tiền của con. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền lì xì là đồng tiền lộc, tiền may mắn để có kế hoạch sử dụng hợp lý. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cha mẹ giáo dục con quản lý tài chính, học cách chi tiêu.