Nếu cha mẹ bỏ lỡ giai đoạn quan trọng thiết lập mối liên kết giữa cha mẹ và con cái thì sẽ rất khó khăn để gần gũi con khi trưởng thành.
Trẻ ngủ cùng ai sẽ gần gũi và gắn bó với người đó hơn
“Tôi làm kinh doanh nên tính chất công việc bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con. Vì vậy, Tiểu Ly con gái tôi từ khi còn nhỏ được bà chăm sóc và ngủ cùng mỗi đêm. Tới bây giờ dù dỗ dành thế nào cũng không chịu ngủ với mẹ, có một lần khi thấy mẹ nằm cạnh cô bé gắt lên “Mẹ không được nằm ở đây, chỗ này của bà ngoại”.
Tôi đã rất tức giận nhưng buộc phải đợi con ngủ sau đó mới vào nằm cùng. Thậm chí, có những ngày khi thức dậy không thấy bà đâu con bé khóc ầm lên, đòi bà ngoại. Tôi chỉ còn cách an ủi bản thân, hy vọng khi con lớn lên sẽ hiểu chuyện hơn”, bà mẹ ở Trung Quốc than thở.
Giáo sư Li Meizhen - một nhà tâm lý học chỉ ra rằng trong 3 năm đầu đời, trẻ tiếp xúc với người nào thì sẽ gắn bó và ảnh hưởng bởi người đó nhất. Nhiều người lầm tưởng rằng khi trẻ lớn lên, chúng tự nhiên trở nên gần gũi với tất cả mọi người nhưng điều này là một sai lầm lớn.
Vì sao người ngủ cùng lại là người gần gũi với trẻ sau này?
Theo nghiên cứu từ tâm lý học, ngủ cùng ai sẽ khiến trẻ sinh ra cảm giác gần gũi với người đó hơn về mặt tâm lý. Ngoài ra, môi trường nuôi dạy cũng tác động lớn tới việc hình thành nhân cách và tư duy của trẻ.
Chỉ khi bé phát triển tới độ tuổi nhất định, có thể nhận thức và ổn định tâm lý thì việc không ngủ cùng mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Ngược lại, nếu vì điều kiện phải xa mẹ từ nhỏ bé thiếu thốn tình cảm sẽ dần cảm thấy xa lạ.
Trên thực tế, không ít trường hợp trẻ có thể tự lập và học tập xa nhà thời gian dài. Bởi từ khi còn nhỏ, bé không được thiết lập mối liên kết cảm xúc và thiếu sự đồng hành của cha mẹ.
Trường hợp của chị L. là minh chứng rõ nhất lý giải cho vấn đề này. Cô cho biết cha mẹ làm ăn xa nên rất ít dành thời gian cho con cái, một năm chỉ về nhà được vài ba ngày lại vội đi. Năm 2 tuổi L. đã sống với bà ngoại, đến khi 7 tuổi thì được cho học tại một trường nội trú.
Mỗi lần gọi điện cho người thân, trong khi bạn cùng phòng và phụ huynh của họ gọi điện thoại nói chuyện hàng giờ đồng hồ, thì L. không biết phải nói gì với cha mẹ ngoại trừ vâng dạ. Việc thiếu sự đồng hành, chăm sóc của cha mẹ cô bé dần cảm thấy xa lạ, thậm chí hạn chế giao tiếp với chính người thân của mình.
L. nói rằng bố mẹ cô giống như người xa lạ, cô không cảm nhận được sự quen thuộc và thân thiết.
Trao đổi về vấn đề này, các nhà tâm lý học giải thích nếu cha mẹ bỏ lỡ giai đoạn quan trọng thiết lập mối liên kết giữa cha mẹ và con cái thì sẽ rất khó khăn để gần gũi con khi trưởng thành.
Đứa trẻ chỉ lớn lên một lần và rất cần sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Không phải 1-2 giờ đồng hồ dành cho con là đủ mà cần đồng hành với bé theo chặng đường dài phát triển. Trẻ cần được định hướng đúng đắn và ổn định về tâm lý mà cha mẹ là những người thầy đầu tiên.
Vì vậy, những năm tháng đầu đời việc ngủ hay chơi cùng con sẽ là cầu nối tốt nhất giúp trẻ được vỗ về, giải tỏa cảm giác cô độc, lo lắng, sợ hãi và tự tin phát triển bản thân, gặt hái thành công trong tương lai.