Bằng sự thông minh, nhanh trí của mình, cô bé đã tự cứu thoát bản thân khỏi tình huống nguy hiểm.
Anh Dương (Trung Quốc) có cô con gái nhỏ, năm nay 6 tuổi. Vì công ty của vợ ngược đường với trường học của con nên công việc đón đưa con gái đi học hàng ngày đều do anh phụ trách. Một hôm, anh gặp phải sự cố trên đường nên không thể đến đón con kịp giờ.
Khi bé Tiểu Linh, con anh Dương đang đứng đợi bố ở cổng trường thì một kẻ lạ mặt tiến lại, ngỏ ý muốn dắt bé đi với lý do: "Chú là bạn của bố cháu. Nay bố cháu bận nên nhờ chú đến đón hộ". Không vội tin người lạ, Tiểu Linh bình tĩnh hỏi: "Mật khẩu là gì ạ? Bố nói nếu có ai đến đón cháu thay bố thì phải đọc đúng mật khẩu bố con cháu đã thỏa thuận trước".
Kẻ lạ mặt nghe xong thì á khẩu, ngượng nghịu vài giây rồi trả lời: "Chú quên mất rồi. Cháu cứ đi theo chú thì sẽ gặp được bố để xác nhận lại". Lúc này Tiểu Linh lại đáp: "Vậy chú đi vào phòng bảo vệ với cháu ạ. Bố nói trong trường hợp người đến đón quên mật khẩu thì vào phòng bảo vệ, nhờ chú bảo vệ gọi điện cho bố để xác nhận".
Đến lúc này, kẻ lạ mặt bối rối, không phản đáp lại được câu gì. Sợ mọi người xung quanh để ý và kéo đến, hắn vội vàng tìm cách bỏ chạy. Ít phút sau, anh Dương đến trường đón con gái. Nghe Tiểu Linh kể lại câu chuyện, anh không khỏi sợ hãi nhưng cũng cảm thấy may mắn vì sự thông minh, nhanh trí của con. Trước đó, anh Dương có dặn Tiểu Linh về mật khẩu riêng giữa hai bố con. Còn việc chạy đến phòng bảo vệ gọi điện thoại xác nhận là sự nhanh trí của cô bé.
Bố mẹ cần dạy gì để bảo vệ con khỏi bị người lạ bắt cóc?
Hiện nay các kẻ bắt cóc đang vô cùng manh động với những chiêu trò ngày càng tinh vi hơn. Để bảo vệ con khỏi nguy hiểm, bố mẹ cần dạy con các kỹ năng thiết yếu sau:
Hãy thận trọng với người lạ:
Dạy cho con không tương tác với người lạ là bài học vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần dạy cho con biết: Không có gì sai khi la hét và tạo tiếng ồn nếu con thấy không thoải mái khi có người lạ tiếp cận mình. Dạy con nói "Không", chạy, la lên và nói với người khác nếu con cảm thấy đang gặp nguy hiểm hoặc khó chịu.
Ngoài ra, hãy dặn con không được tùy tiện nhận bánh kẹo từ người lạ. Nếu có người nhờ giúp đỡ, con hãy từ chối bởi nếu thật sự có vấn đề xảy ra, mọi người sẽ tìm trợ giúp từ người lớn chứ không phải từ một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, hãy dạy con khái niệm ''Thế nào là người lạ?". “Người lạ” chính là những người con chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với con hoặc là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,...
Dạy con mật mã riêng
Hãy dạy cho con một mật mã bí mật mà chỉ có bố mẹ và người thân cận biết. Nếu có người lạ tiếp cận và nói "thay bố mẹ đến đón" hoặc thay bố mẹ đưa đến nơi nào đó, dạy con yêu cầu họ nói mật mã đã thỏa thuận từ trước. Mật mã này còn giúp con thoát khỏi những tình huống nguy hiểm khác như ở nhà 1 mình và có người đến gọi cửa,... Nếu kẻ lạ mặt không thể trả lời đúng mật mã, con có thể la lớn để nhờ tới sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Dặn con chơi ở trong lớp, trong sân trường và không theo người lạ
Với trẻ mầm non hoặc lớp 1, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo chỉ giao con cho bố mẹ hoặc người thân có đăng ký thông tin trước đó. Cẩn thận hơn, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo gọi điện xác nhận khi có ai đón con đột xuất. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ nên dặn con chỉ chơi trong lớp hoặc trong sân trường chờ bố mẹ đến đón. Tuyệt đối không đi theo người lạ.
Dạy con học thuộc những số điện thoại quan trọng
Hãy dạy con thuộc lòng số điện thoại của bố mẹ hoặc số điện thoại 113, khi cần thiết phải gọi ngay cho bố mẹ hoặc cơ quan công an. Bên cạnh đó, hãy dạy con những người nào có thể nhờ cậy sự giúp đỡ khi gặp tình huống nguy hiểm. Đó là những người mặc đồng phục như lực lượng công an, bộ đội, bảo vệ,...