Nổi tiếng là bà mẹ 3 con xinh đẹp, tài năng, MC Nguyễn Minh Trang (Trang Moon) có rất nhiều bài viết cực kỳ hữu ích xoay quanh chủ đề nuôi dạy con. Áp dụng cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 3 của chị, nhiều gia đình đã thành công.
Trên trang Facebook cá nhân, MC Nguyễn Minh Trang chia sẻ cách đây 2 năm chị đã nhẹ nhàng cầm tay con gái đầu bước qua một loạt cuộc khủng hoảng, ăn vạ tuổi lên 3 một cách bình yên chỉ với slogan "trái tim nóng và cái đầu lạnh".
Sau thời gian giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này chị đã rút ra được quy trình giải quyết hiệu quả và không có ý định dùng đòn roi với con. Quy trình sẽ trải qua 6 bước:
- Bày tỏ sự đồng cảm với con.
- Tìm hiểu, gọi tên vấn đề của con.
- Lắng nghe nhu cầu, cách giải quyết của con.
- Đưa ra đề xuất phương án bố mẹ mong muốn thông qua các lựa chọn.
- Hỗ trợ con giải quyết vấn đề.
- Tuyên bố kết thúc khủng hoảng.
Khóc là dấu hiệu đầu tiên của các hình thức khủng hoảng hay ăn vạ. Lúc này, bố mẹ đừng bao giờ bắt đầu câu chuyện bằng “Nín! Nín ngay lập tức!”. Nói câu này ở tông giọng cao, cáu gắt sẽ chỉ làm bé thêm căng thẳng và khóc to hơn. Giải pháp là:
- Trẻ khóc vì vòi vĩnh đồ chơi: Hãy “di dời” con khỏi hiện trường hoặc cắt sự chú ý của trẻ vào những món đồ đó (Quay lưng khỏi đồ chơi, dắt tay con ra chỗ khác…).
- Trẻ khóc vì đau (ngã, ốm, tiêm, tự làm đau…): Bình tĩnh nhẹ nhàng hỏi con đau ở đâu, đau ra sao. Không nên phủ nhận cảm xúc của con bằng những câu “Ôi giời! Ngã tí mà kêu đau, đau gì mà đau!” hoặc tệ hơn là trách trẻ “Đi đứng thế à?”.
- Trẻ khóc không rõ nguyên nhân: Hãy bắt đầu bằng một cái ôm thật chặt. Mọi đứa trẻ đều mong muốn được ôm khi có cảm giác buồn, mệt, bất an, thất vọng… vì một điều gì đó. Tiếp đến, hỏi han xem con gặp phải vấn đề gì, trấn tĩnh con kể lại.
Cha mẹ không nên bỏ mặc con gào khóc một mình. Hành động này có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ở trẻ hoặc nghiêm trọng hơn trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm về lâu dài.
Sau bước đầu tiên, cha mẹ đã có được sự tin tưởng và thiện chí muốn chia sẻ của con. Ở bước thứ 2, cha mẹ sẽ bắt đầu lắng nghe và hiểu những gì con muốn. Đồng thời khẳng định lại vấn đề để con tự nghĩ xem vấn đề này có thực sự nghiêm trọng không. Đây cũng là cách câu giờ để cơn khóc của con từ từ lắng xuống.
Cha mẹ sẽ hỏi xem con muốn gì và đừng vội đánh giá hay phủ định bất kỳ điều gì. Hay để con được nói ra những mong muốn của mình.
Ví dụ: “Vì sao con lại không thích đi tất?”.
Thay vì ép con theo ý muốn, cha mẹ hãy suy nghĩ cùng con. Cách hay cha mẹ có thể áp dụng là đưa ra các lựa chọn cho con. Dù chọn theo phương án nào vẫn là điều cha mẹ muốn hướng đến.
Ví dụ: "Mẹ nghĩ nếu không đi tất thì cũng được thôi, nhưng chắc chắn tẹo nữa đi bộ con sẽ bị lạnh chân, mà lạnh chân thì rất dễ ốm, ốm lâu là phải vào viện rất nhiều vấn đề. Bây giờ con thử chọn xem con thích đôi nào hơn, đây mẹ thấy có 1 đôi Hello Kitty hồng với 1 đôi Ếch xanh này".
Lưu ý, trong 2 – 3 phương án đưa ra, bạn cố gắng có 1 phương án mạnh, đúng sở thích của con để con có thể sẽ chọn phương án này.
Ở bước thứ 5, MC Minh Trang sẽ để con tự làm. Tuy mất nhiều thời gian nhưng tập được cho con khả năng tự giải quyết vấn đề cá nhân.
Theo kinh nghiệm, nữ MC sẽ “tổng kết nhanh” cuộc khủng hoảng vừa kết thúc rồi hỏi con về những gì tự nhận ra để rút kinh nghiệm cho lần sau. Cuối cùng là 1 cái đập tay thật to hoặc cái ôm thật chặt.
Bà mẹ 3 con kết luận trẻ em trong độ tuổi này đôi khi khóc quấy ăn vạ không vì một lý do nào cụ thể. Các bậc cha mẹ hãy luôn giữ cái đầu lạnh vì sự khủng hoảng của con chỉ là nhất thời. Cha mẹ có bình tĩnh mới cùng con xử lý khủng hoảng được.
Đặc biệt, cần tránh những kiểu câu mệnh lệnh (“Nín ngay!”, “Đứng dậy ngay!”, “Đi tất vào!”, “Không nói nữa”…), những cụm từ phủ định mạnh (“Không được! Mẹ nói không là không!”), những câu đánh giá, trách móc chung chung (“Sao con hay ăn vạ thế?” “Sao con hư thế?”, “Sao con lười ăn thế?”, “Sao con nhát thế?”…)